Khi tác giả ngán Trung tâm bảo vệ tác quyền

ANTĐ - Tác quyền nhạc Việt lại được phen dậy sóng khi mới đây nhạc sĩ Phú Quang tuyên bố chấm dứt ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khai thác tác phẩm của mình dưới mọi hình thức vì cho rằng đơn vị này làm việc thiếu rõ ràng và không minh bạch.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương và cuộc chiến tác quyền 
không được sự đồng thuận của người trong cuộc

Thu trước, trả sau? 

Trước quyết định của nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC cho biết đơn vị này tôn trọng và sẽ không đưa ra bất cứ bình luận gì. Nhưng chưa đầy một ngày sau đó, khi nhạc sĩ Phú Quang tiết lộ nhiều thông tin “động trời” về VCPMC, vào chiều qua 22-8, đơn vị này đã phải tổ chức một cuộc gặp gỡ đột xuất với báo giới mà nói như lời nhạc sĩ Phó Đức Phương là để phản biện lại những ý kiến “rất thiếu căn cứ và có dụng ý không tốt làm sai lệch cái nhìn của mọi người về hoạt động của Trung tâm”. 

Theo đó, liên quan đến việc nhạc sĩ Phú Quang “tố” VCPMC từ khi thành lập cho tới nay, chương trình ca nhạc nào cũng đòi tiền bản quyền phần lời cho nhà thơ nhưng lại không trả tận tay người được nhận, đại diện VCPMC thừa nhận trong số tiền tác quyền âm nhạc mà Trung tâm này thu từ trước đến nay có cả tiền tác quyền phần lời cho tác giả (tạm gọi là nhà thơ), kể cả các nhà thơ không ủy quyền cho VCPMC. Đơn vị này sau đó cũng đã tìm mọi cách để liên hệ với các nhà thơ để trao trả đầy đủ số tiền này, từ thông tin trên website đến các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng không phải ai cũng biết mà tìm đến.

Như trường hợp của nhà thơ Thái Thăng Long mà nhạc sĩ Phú Quang nói là phải “xúi” đến VCPMC đòi tiền thì đến quý IV-2013 mới đòi được tiền, đại diện VCPMC khẳng định nhà thơ này đã ký hợp đồng ủy thác với VCPMC từ tháng 8-2011 và từ đó đến nay đơn vị này luôn chi trả đầy đủ tiền tác quyền cho ông, bao gồm cả tiền tác quyền truy thu được từ khi ông chưa gia nhập VCPMC. Tuy nhiên một số  ý kiến e ngại, hiện còn rất nhiều nhà thơ không hề biết việc mình đã và đang được VCPMC đứng ra thu hộ tiền tác quyền trừ khi được “mách”. Vì vậy mà cách làm này của VCPMC chưa thuyết phục được nhiều người, ngay cả khi nhạc sĩ Phó Đức Phương quả quyết sẽ hoàn trả đầy đủ tác quyền cho các nhà thơ theo hình thức cộng dồn khi những người này tìm đến ủy thác cho Trung tâm. Điều này cũng có nghĩa, VCPMC vẫn sẽ nhân danh các nhà thơ đi thu tiền tác quyền nhưng việc có trao trả tận tay họ hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào việc các nhà thơ có chủ động tìm đến xin gia nhập VCPMC hay không. 

Về việc nhiều người như nhạc sĩ Phú Quang đều bày tỏ sự không hài lòng với chuyện VCPMC không thống kê đầy đủ số tiền tác quyền mà Trung tâm này thu được là từ chương trình nào và cụ thể bao nhiêu, đại diện VCPMC đã trưng ra các văn bản thống kê được gửi đến cho từng nhạc sĩ. Tuy nhiên, các văn bản này không sử dụng ký hiệu viết tắt thì cũng dùng tiếng nước ngoài, mà có lẽ chỉ có người soạn thảo ra nó mới hiểu được. 

Bức xúc vì giá “trên trời”…

Đây không phải lần đầu tiên nhạc sĩ Phú Quang lên tiếng phản ứng về cách làm việc của VCPMC. Cách đây hơn 2 năm, tác giả của “Em ơi Hà Nội phố” còn từng viết tâm thư gửi đích danh nhạc sĩ Phó Đức Phương để bày tỏ những bức xúc của mình về cách làm việc của VCPMC. Được biết khi ấy VCPMC có gợi ý nhạc sĩ Phú Quang có thể ngưng ủy thác cho Trung tâm nhưng vị nhạc sĩ tài hoa chưa đi đến quyết định này mà mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” vẫn tiếp tục kéo dài đến nay. Căn nguyên của những bức xúc và sự rạn nứt này bởi VCPMC luôn đưa ra mức giá tác quyền cao ngất ngưởng khi thu nhưng đến khi trả cho các nhạc sĩ lại là những con số cực kỳ khiêm tốn. Như lời nhạc sĩ Phú Quang thì có chương trình VCPMC đứng ra thu tác quyền ca khúc của ông lên tới 4 triệu đồng/bài nhưng thực chất ông chỉ nhận được 700.000 đồng/bài từ chương trình đó. Cũng bởi vậy mà trong thời gian vẫn ủy thác cho VCPMC khai thác tác quyền các sáng tác của mình, không ít lần nhạc sĩ Phú Quang đã đồng ý làm việc trực tiếp với đơn vị tổ chức với mức giá tác quyền thấp hơn nhiều so với giá “trên trời” mà VCPMC đưa ra. Như trường hợp chương trình của ca sĩ Khánh Ly vừa qua, nhạc sĩ Phú Quang chỉ lấy tác quyền 1 triệu đồng/bài với mong muốn để mọi người thấy, nhạc sĩ tuy nghèo nhưng vẫn ưu ái đơn vị tổ chức.

Không chỉ nhạc sĩ Phú Quang mà có rất nhiều nhạc sĩ khác đã chia sẻ gánh nặng kinh tế với các đơn vị tổ chức bằng cách đồng ý nhận mức tác quyền mang tính tượng trưng, thậm chí là tặng không như nhạc sĩ Trương Quý Hải, Nguyễn Ánh 9… Nhạc sĩ Phú Quang cho biết, trong một chương trình mà ông tham gia với tư cách chỉ đạo nghệ thuật, tiền tác quyền mà VCPMC đòi thu lên tới 80 triệu đồng, đến nỗi đơn vị tổ chức là Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam phải tìm cách kết nối với gia đình một số nhạc sĩ có nhạc phẩm được sử dụng trong chương trình để thỏa thuận chi trả trực tiếp không qua VCPMC, trong đó có gia đình của cố nhạc sĩ Văn Cao. Được biết khi ấy phu nhân của cố nhạc sĩ Văn Cao cũng đã đồng ý nhận mức tác quyền khiêm tốn hơn rất nhiều con số mà VCPMC đưa ra. Điều này cho thấy, không phải ai ủy quyền cho VCPMC đứng ra khai thác tác quyền sáng tác của mình cũng đồng ý với cái giá “trên trời” mà đơn vị này đưa ra. Dù đại diện VCPMC khẳng định mức giá này hoàn toàn được tính toán và áp dụng theo các quy định luật pháp hiện hành. 

Không đồng tình với giá “trên trời” chính là lý do của những cuộc tranh cãi gay gắt quyết liệt giữa các đơn vị tổ chức chương trình với VCPMC. Mà gần đây nhất là trong chương trình ca nhạc của ca sĩ Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng khi đơn vị tổ chức chương trình này kiên quyết phản đối giá tác quyền hàng trăm triệu đồng mà VCPMC đưa ra. Cũng bởi thế trong tuần tới, Thanh tra Bộ VH-TT&DL sẽ có cuộc làm việc với VCPMC để “hạ hồi phân giải”. Song để cuộc chiến tác quyền đi đến hồi kết thì xem ra, đã đến lúc cơ quan quản lý văn hóa cần phải có những quy định cụ thể và thang giá chung để cả bên thu lẫn bên đóng tác quyền không rơi vào tình cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.