Đằng sau các cuộc thi kiến trúc: Nhận giải xong để đấy

ANTĐ - Có ý tưởng, thiết kế tốt, nhưng để đưa vào thực hiện thì còn phải… chờ. Đó là câu chuyện chẳng mấy xa lạ đằng sau các cuộc thi ý tưởng kiến trúc được phát động rầm rộ hàng năm.  

Đồ án “Cung đường hòa bình” vẫn chưa được triển khai
dù nhận được sự đồng thuận từ nhiều phía 

Năm lần bảy lượt lỡ hẹn

Cuối năm 2009, cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch hồ Gươm và các vùng phụ cận” - được Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phát động ngay trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Không có giải nhất nào được trao, giải nhì thuộc về hai đề án, trong đó có đề án của nhóm “1+1>2” của KTS Hoàng Thúc Hào, KTS Marco Ferrera (Italy) cùng cộng sự. Ý tưởng của KTS Hoàng Thúc Hào nhằm mở rộng không gian xanh của hồ Gươm để tạo không gian giao lưu văn hóa cho người dân thủ đô được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Lấy Bờ Hồ làm trung tâm, KTS này đề xuất phương án mở rộng diện tích cho Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, kết nối các di tích đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, chùa Bà Đá, chùa Vũ Thạch, Nhà thờ Lớn… thành một không gian văn hóa tâm linh. Cùng với đó là hình thành các tuyến phố đi bộ quanh hồ kết hợp với tuyến đi bộ Hàng Ngang - Hàng Đào, tận dụng các không gian ngầm, kết hợp hài hòa hệ thống chiếu sáng với mạng lưới cây xanh, tạo không gian hài hòa, ấm cúng như “trái tim” của thành phố. Nhưng cho đến nay, ý tưởng này vẫn chỉ nằm trên giấy. 

Cũng là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long do nhóm KTS Hoàng Thúc Hào thực hiện, đồ án “Cung đường hòa bình” đưa ra phương án chỉnh trang tuyến đường Bưởi đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận và giới chuyên môn. Theo đó, đoạn tường thành dài 2km – những dấu tích còn sót lại của kinh thành Thăng Long xưa đã được nhóm KTS biến thành một “bản giao hưởng” sống động bằng việc sử dụng các chất liệu truyền thống, bền vững như gạch vồ, đá ong, đá tự nhiên để kè lại, xen kẽ với thảm cỏ, hoa tươi, hệ thống chiếu sáng, thang đi bộ... Đồ án đã giành giải Nhất cuộc thi “Vì Thủ đô Hà Nội hôm nay và ngày mai” năm 2010 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát động. Khi đưa ra, nó cũng nhận được sự đồng tình của những người trong nghề cũng như nhà nghiên cứu văn hóa khi đưa ra giải pháp không làm ảnh hưởng đến kết cấu kiến trúc, mà vẫn đáp ứng được tiêu chí về thẩm mỹ cũng như gửi gắm hàm lượng thông tin văn hóa đậm đặc trong các lớp tường thành. Trao đổi với chúng tôi, KTS Hoàng Thúc Hào, chủ nhiệm dự án cho biết: “Để triển khai dự án này không khó vì kinh phí để thực hiện dự án này không quá tốn kém, có thể huy động được bằng nguồn xã hội hóa. Chúng tôi đã gửi báo cáo và được Ban Chỉ đạo Đại lễ 1000 năm Thăng Long ủng hộ và kiến nghị lên thành phố cho làm thí điểm mấy trăm mét, nhưng cuối cùng vẫn không thành”. 

Chẳng phải riêng ai 

Không phải riêng nhóm KTS Hoàng Thúc Hào, rất nhiều đồ án có chất lượng từ các cuộc thi kiến trúc cũng đang lâm vào tình trạng được long trọng trao giải nhưng hiện vẫn nằm im lìm… trên giấy. Trong số đó, không thể tính hết có bao nhiêu sáng kiến được đưa ra sau mỗi cuộc thi giải pháp kiến trúc đô thị được phát động đều đặn mỗi năm. Từ năm 2003, mạng kiến trúc Ashui, BQL Phố cổ Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã tổ chức cuộc thi sáng tác mang tên “Hà Nội 36 phố phường – ý tưởng cho một góc phố đẹp”. Không ít những sáng kiến làm đẹp những con đường, góc phố của thủ đô với tính khả thi tương đối cao đã được phát hiện từ cuộc thi này, chẳng hạn như ý tưởng biến phố Gia Ngư thành “điểm nhấn đô thị” với việc chỉ tác động lên bề mặt kiến trúc như tôn cao vỉa hè, lát đường, lắp đặt các trang thiết bị đô thị… hay cải tạo tháp nước vườn hoa Hàng Đậu thành một gallery nghệ thuật… Từ đó đến nay, các cuộc thi được tổ chức với hình thức ngày càng đa dạng, gắn bó trực tiếp tới đời sống dân sinh như cải tạo không gian các công trình công cộng, thiết kế nhà ở chung cư cho người thu nhập thấp…  Nhưng nhìn chung, các ý tưởng dù “tiềm năng” đến đâu cũng vẫn phải chờ!

 Đề cập đến vấn đề này, KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, hàng năm Hội Kiến trúc sư vẫn phát động nhiều cuộc thi với các quy mô khác nhau, từ những đơn đặt hàng của Nhà nước với những công trình lớn cho tới các sân chơi hẹp hơn cho giới doanh nghiệp, sinh viên… nhằm tuyển chọn, phát hiện và nâng cao trình độ chuyên môn cho người thiết kế công trình. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Hội Kiến trúc sư đã tổ chức cuộc thi đầu tiên “Cải tạo phố cổ” - ý tưởng đoạt giải chính là tiền đề để thực hiện đề án giãn dân phố cổ hiện nay. Nhưng cũng phải mất đến hơn… 20 năm, đề án này mới được đưa vào thực hiện. Cũng theo ông Nguyễn Quốc Thông, trên thực tế, không phải những phương án thiết kế đều ở trong tình trạng “có giải” nhưng không được xây. Cụ thể, trong năm 2011 và 2012, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã lựa chọn phương án Nhà lõi bê tông đoạt giải A cuộc thi kiến trúc “Nhà ở nông thôn vùng bão lụt” để xây dựng ngay trên địa bàn bão lũ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh và Nghệ An. Với phần khung chắc chắn, có khả năng lắp ghép, mở rộng không gian khi mùa lũ đến và chi phí hợp lý (xấp xỉ 10 triệu đồng), mô hình này khi được triển khai đã nhận được sự hưởng ứng của bà con trong vùng thiên tai và có khả năng được nhân rộng. Tuy nhiên, số lượng những đồ án đi vào thực tế như thế này không nhiều. Và lời giải đáp chắc chắn không chỉ nằm trong tay của những kiến trúc sư đang miệt mài vẽ nên các công trình.

Còn nữa