Cuộc dạo chơi về ký ức

ANTĐ - Ít rực rỡ, ít “thời thượng” hơn, nhất là so với một số triển lãm mà Hà Mạnh Thắng đã từng ra mắt công chúng, là những gì người ta thấy được ở những tác phẩm mới nhất của anh, khi anh tìm về ký ức hàng trăm năm về trước. 

Tòa tháp cổ với kiến trúc nguyên sơ qua đôi tay của Hà Mạnh Thắng

Tìm về sự nguyên sơ

Đầu tư gần 5 năm cho cuộc triển lãm có cái tên kiêu kỳ - “Mộng, tàn, phai, sắc” để ra mắt khán giả Hà Nội vào một ngày tháng 7 tại không gian nghệ thuật Manzi, nhưng Hà Mạnh Thắng không đặt nặng vấn đề quảng bá cho cuộc triển lãm lần này. Chính anh đã gọi đây là một buổi “preview” - một cuộc xem trước có chủ ý, để cho đồng nghiệp, bạn bè và công chúng đánh giá và thưởng lãm trước khi mang toàn bộ tác phẩm sang trưng bày ở Thái Lan vào cuối tháng 9. Vẫn lấy cảm hứng từ truyền thống, lịch sử, lần này, Hà Mạnh Thắng dùng một số hình ảnh về trang phục cũ giai đoạn Lê - Trịnh thế kỷ 16 - 17 và kiến trúc cổ Việt Nam cách nay 400 - 500 năm làm đối tượng sáng tác. Đó là những ngôi đình, chùa, những kiến trúc nổi tiếng ở khu vực phía Bắc như đình Tây Đằng, đình Thổ Tang, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích... Lẽ dĩ nhiên, để tạc nên diện mạo một không gian kiến trúc từ hàng trăm năm trước không hề đơn giản, nhất là khi lớp bụi thời gian đã làm cho những kiến trúc này không chỉ mất đi dáng hình xưa cũ, mà còn gây ra những sự thay đổi về cốt cách.

Nhưng bằng cảm quan riêng, Hà Mạnh Thắng đã lược giản các chi tiết, đưa các công trình trở về trạng thái gần như nguyên sơ, với màu của bùn đất, của tro than, của hơi nước…. Chì, than và acrylic tung hoành trên vải, trên giấy theo một cách khó đoán định, nhưng nếu lùi ra xa và tập trung ngắm nghía, người xem có thể cảm nhận được tác giả đang đặt ra nhiều câu hỏi cho từng công trình kiến trúc xưa cũ ấy. Chúng lụi tàn hay tồn tại, chúng đóng vai trò gì trong quá khứ và cả hiện tại? Thể hiện vấn đề này, Hà Mạnh Thắng cho rằng, không phải được tạo nên từ sự nuối tiếc quá khứ mà là một sự tôn trọng đối với lịch sử mà bất cứ một dân tộc, một quốc gia văn minh nào đều tồn tại.  

“Đá bóng” ở sân chơi lớn

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Mạnh Thắng được một website văn hóa nổi tiếng - The Culture Trip lựa chọn là một trong 10 nghệ sỹ đương đại xuất sắc nhất Việt Nam. Là người trẻ nhất được xếp cùng với những “tiền bối” như Lê Quang Đỉnh, Trần Lương, Nguyễn Mạnh Hùng… đối với nhiều người đó là một áp lực nhưng với Hà Mạnh Thắng, đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực và thời gian bỏ ra để công việc được đi theo đúng hướng. Hà Mạnh Thắng tiếp xúc với hội họa từ rất sớm và đã sớm ý thức được mình sẽ trở thành họa sỹ khi chỉ mới là một cậu bé. Anh cho rằng việc mình được sinh ra trong một gia đình không có ai theo đuổi hội họa vừa là một lợi thế, nhưng cũng là một bất lợi khi không có một nền tảng thực sự. Bởi vậy, để khẳng định mình, ai cũng cần nỗ lực, không bằng cách này hay cách khác. 

Là một trong số ít những họa sỹ có nhiều cuộc triển lãm gây tiếng vang ở nhiều quốc gia như Đức, Mỹ, Hungary, Singapore, Thái Lan…, Hà Mạnh Thắng coi đó là cơ hội, là đích đến mà anh luôn đặt ra khi trở thành một họa sỹ. Anh cho rằng, khát khao vươn tới thế giới của một họa sỹ cũng giống như một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, luôn ao ước được thi đấu ở những giải đấu hàng đầu, được đá bóng ở một sân vận động lớn như Old   Trafford ở Anh. Chính những tiếng tăm có được ở nước ngoài đã đem lại những phản hồi tích cực từ giới chuyên môn, mà đối với Hà Mạnh Thắng, sự công nhận này nhiều khi còn quan trọng hơn là ý kiến từ mặt công chúng, cũng giống như một người chơi đàn, luôn có tâm lý muốn nhận được những đánh giá từ những tai nghe nhạc khó tính trước đã. Công chúng luôn thay đổi. Sự thay đổi này có khi tạo ra những phản ứng trái chiều, mà người nghệ sỹ nếu không vững vàng sẽ không bao giờ dám đặt cho mình những thử thách mới.