Các cầu thủ làm độ và bán độ: Đối mặt với tội “Nhận hối lộ”

ANTĐ - Liên quan đến vụ bê bối ở CLB Đồng Nai, lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về TTXH, Bộ Công an cho biết, nhóm cầu thủ tham gia dàn xếp tỷ số sẽ bị khởi tố với tội danh “Nhận hối lộ” chứ không phải tội danh “Đánh bạc” như các cầu thủ Ninh Bình. Phóng viên ANTĐ đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Chiến (ảnh), Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội về vấn đề này.
Các cầu thủ làm độ và bán độ: Đối mặt với tội “Nhận hối lộ” ảnh 1


- PV: Ông nhận xét gì về việc cơ quan điều tra có thể sẽ khởi tố các cầu thủ Đồng Nai với tội danh “Nhận hối lộ”?

- Luật sư Nguyễn Chiến: Việc cơ quan điều tra quyết định khởi tố theo tội danh nào chắc chắn phải dựa trên cơ sở những chứng cứ, tài liệu họ thu được trong quá trình điều tra. Tại trận Quảng Ninh gặp Đồng Nai, đối tượng cầm đầu là đội trưởng Phạm Hữu Phát của CLB Đồng Nai đã dàn xếp tỷ số với một số cầu thủ trong đội, sau đó bán kết quả. Hành vi của các cầu thủ Đồng Nai là đã nhận hối lộ để làm sai lệch kết quả trận đấu theo yêu cầu về lợi ích của người đưa hối lộ. Cầu thủ Phạm Hữu Phát với tư cách đội trưởng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền và tổ chức thực hiện hành vi phạm tội. Đó là các yếu tố cấu thành tội “Nhận hối lộ”.

 - Được biết, ngoài các cầu thủ có thể bị khởi tố theo tội danh “Nhận hối lộ”, các đối tượng còn lại sẽ bị khởi tố về tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc”. Ông có thể phân tích thêm về tội danh này?

- Đối với tội tổ chức đánh bạc thì người phạm tội phải tổ chức ít nhất từ 2 người trở lên đánh bạc. Người đánh bạc có thể hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội đánh bạc nhưng người tổ chức đánh bạc nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm chắc chắn bị truy cứu TNHS. Nếu người có hành vi tổ chức ra việc đánh bạc để thỏa mãn nhu cầu của mình và cùng tham gia đánh bạc với những người mà mình tổ chức để đánh bạc thì chỉ bị truy cứu TNHS về tội đánh bạc nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, mà không bị truy cứu TNHS về tội tổ chức đánh bạc. Hành vi tổ chức đánh bạc chỉ bị coi là tội phạm khi việc tổ chức đánh bạc đó được xác định là có quy mô lớn. Người phạm tội tổ chức đánh bạc thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là nhận thức được hành vi của mình là trái phép nhưng vẫn thực hiện. 

Vì vậy, trong trường hợp nếu các cầu thủ liên kết với các trùm cá độ, làm theo mệnh lệnh của những người này nhằm dàn xếp tỷ số, họ có thể bị truy tố theo tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc”. 

- Ông có thể so sánh khung hình phạt giữa tội “Nhận hối lộ” và tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc”?

- Theo điều 279 - Bộ luật Hình sự, tội “Nhận hối lộ” có khung hình phạt thấp nhất là từ 2-7 năm tù, cao nhất là chung thân hoặc tử hình. Còn tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc”, theo điều 249 - Bộ luật Hình sự, người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của BLHS hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn; Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm tù. Như vậy, khung hình phạt cao nhất của tội “Nhận hối lộ” là chung thân hoặc tử hình, còn tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” mức cao nhất là 10 năm tù.

- Cảm ơn ông!