Xô đổ cổng trường xin học

ANTĐ - Vượt nhiều lần dự kiến của trường về lượng người đăng ký mua đơn, gây “sốc” về tình trạng lộn xộn, chen lấn đến đổ cổng là điều xảy ra trong 2 ngày 12, 13-5 tại trường PTCS Thực nghiệm ở Hà Nội khi trường công bố phát đơn đăng ký học lớp 1.

Xô đổ cổng trường xin học  ảnh 1
Khi hết phiếu, trường nhận giấy khai sinh của những phụ huynh chưa có phiếu


Hàng trăm phụ huynh được phát đơn bổ sung

Thay vì phát đơn theo đúng lịch thông báo của trường PTCS Thực nghiệm vào ngày 12-5, nhà trường đã phải đóng cửa, từ chối tiếp phụ huynh và hoãn việc phát đơn sang ngày 13-5 khi cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, hỗn loạn dẫn đến đổ cổng trường diễn ra. Cùng với việc hoãn thời hạn phát đơn, nhà trường còn yêu cầu lực lượng công an, dân phòng tham gia giữ gìn trật tự khu vực xung quanh nhà trường vì tình trạng phụ huynh quá sốt ruột mua đơn xin học cho con đã tụ tập từ nửa đêm 11-5 và tiếp tục xếp hàng trước cổng trường này vào tối 12-5 để chờ đến lượt vào sáng 13-5.

Cũng chính vì tuân thủ đề nghị của nhà trường về việc không nên tập trung gây mật trật tự trước thời điểm phát đơn, chị N.M.Ngọc (nhà ở quận Ba Đình) cho biết, đúng 6h chị có mặt ở cổng trường để được phát tích kê mua đơn nhưng đã hết phiếu vì nhà trường mở cửa phát phiếu sớm hơn thời điểm công bố gần 30 phút. Không nhận được phiếu đăng ký mua đơn nhưng chị Ngọc vẫn kiên trì đợi đến trưa 13-5 để xem nhà trường có phát đơn đợt tiếp theo hay không: “Đã xếp hàng 2 ngày rồi mà giờ lại đi về không thì không đành”. Cũng theo một số phụ huynh phản ánh thì nhà trường thông báo 9h sẽ gọi số đăng ký để phát đơn nhưng công việc này cũng được đẩy lên khá sớm. Bên ngoài sảnh phát hồ sơ, khá nhiều phụ huynh lo lắng gọi điện thoại “cầu cứu” vì chưa được phát tích kê đăng ký mua đơn. 

Theo bà Lê Thị Mai Hương - Hiệu Phó trường Thực nghiệm, trường chỉ chuẩn bị số đơn có hạn dựa trên nhu cầu năm 2011, tuy nhiên, số phụ huynh mong muốn cho con vào trường này đã tăng vọt khiến nhà trường không kịp trở tay. Bà Mai Hương cho biết, sáng 13-5 nhà trường đã phát ra 350 tích kê và sẽ tiếp tục bán đơn trong buổi chiều: “Chúng tôi đảm bảo những phụ huynh có nhu cầu đều được mua đơn”. 


“Nếu mất tiền mà được vào học tôi cũng sẵn sàng”

Đây là tâm sự của một phụ huynh trong lúc xếp hàng chờ mở cổng trường Thực nghiệm. Phụ huynh này cũng cho biết, dù có một số mối quan hệ nhưng vẫn không thể tiếp cận với suất học vào trường này nên đành phải chầu chực cả đêm để xếp hàng. 

Có thể thấy việc không quản ngại vất vả để mua được một tờ đơn đăng ký xin học rồi còn phải qua kỳ kiểm tra trắc nghiệm của nhà trường thì mới được vào học cho thấy nhiều phụ huynh hạ quyết tâm cao với việc cho con theo học trường này. Chị Ngọc cho biết, sở dĩ muốn cho con học vào trường này vì nghe bạn bè nói con vào đây sẽ bớt áp lực học tập, được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, thể chất và không cần phải đi học thêm như nhiều trường công lập khác. Đây cũng là tâm lý của đa số các bậc phụ huynh khi tận mắt thấy cơ sở vật chất khang trang của trường Thực nghiệm. Mong muốn cho con em mình được học trong môi trường tốt, chương trình lại nhẹ nhàng, vừa sức của tuổi tiểu học có lẽ là nguyên nhân chính khiến lượng phụ huynh đăng ký cho con vào trường này tăng vọt. Chị Ngọc thắc mắc, nếu nhu cầu đã lớn như vậy, trường cũng đã hoạt động hơn 30 năm rồi thì vì sao mô hình này lại chưa được Bộ GD-ĐT cho nhân rộng. 

Nói về tình trạng lộn xộn ngày 12-5, bác Nguyễn Văn An, Ba Đình đăng ký cho cháu học ở trường này cho rằng, tình trạng này rất kém văn minh, gây phản cảm, Bộ GD-ĐT và TP Hà Nội cần phải nghiêm túc xem xét, có giải pháp phù hợp bởi nguyên nhân chính là vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cho các cháu học ở những trường học theo đúng nghĩa của nó về cả cơ sở vật chất, phương pháp đào tạo và chương trình giảng dạy khoa học, hợp lý, áp dụng trong cả nước để ngay từ tuổi tiểu học trẻ có thể tự do phát triển năng lực trí tuệ, thể chất, xã hội.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội: Là chương trình thực nghiệm nên khả năng vẫn có rủi ro

Tôi cho rằng không nhiều phụ huynh thực sự nắm bắt được nội dung, chương trình đang triển khai tại trường này mà chỉ xin cho con vào học theo cảm tính hoặc nghe người khác nói lại. Điều này không nên vì phụ huynh cần hiểu đây vẫn chỉ là chương trình thực nghiệm, chưa được công nhận, nghiệm thu. Khi chương trình chưa mang tính chính thống thì phụ huynh cũng nên quan tâm đến khả năng có thể có rủi ro với một chương trình giáo dục đang thí điểm. Theo tôi, phụ huynh nên cân nhắc kỹ lưỡng khả năng của con cũng như chương trình có phù hợp hay không để theo học chương trình này.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội: Hà Nội chưa được phép mở rộng chương trình thực nghiệm

Chúng tôi cũng nhận được thắc mắc của nhiều phụ huynh về việc vì sao không mở rộng mô hình thực nghiệm cho học sinh Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội không quyết định được việc mở rộng hay không mà phải chờ Bộ GD-ĐT có ý kiến. Chương trình thực nghiệm đang trong thời gian triển khai thí điểm. Ngay bản thân các nhà quản lý hay giáo viên các trường khác ở Hà Nội cũng chưa nắm được nội dung chương trình đào tạo của trường Thực nghiệm. Tôi cũng muốn lưu ý, đây là chương trình giáo dục khá chuyên biệt nên khi phụ huynh cho con vào học trường này cần cân nhắc kỹ vì nếu không tiếp tục theo học ở đây, các cháu sẽ rất khó trong việc hòa nhập với các trường phổ thông khác trên địa bàn Hà Nội bởi nội dung kiến thức, phương pháp học tập khác nhau.