Thứ trưởng Bộ GD-ĐT “đính chính” con số 5.000 tỷ đồng biên soạn CT- SGK mới

ANTĐ - Cho rằng cả 2 con số 34 nghìn tỷ và 5 nghìn tỷ đồng để biên soạn CT-SGK phổ thông mới sau 2015 đều không đúng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã “đính chính” con số này là 105 tỷ đồng.

Trước rất nhiều thắc mắc số tiền hơn 34 nghìn tỷ dùng để làm gì trong Đề án đổi mới CT, SGK phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trả lời báo chí cụ thể về những khoản dự kiến chi của số tiền khổng lồ này.

Dự kiến biên soạn CT, SGK mới sẽ tiêu tốn 105 tỷ đồng


Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, nếu chỉ để dùng viết một bộ sách giáo khoa mới thì cả 2 con số 34 nghìn tỷ đồng và 5 nghìn tỷ đồng đều không đúng. Trước đó, tại buổi họp báo của Bộ GD-ĐT, đại diện của Bộ trả lời về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Thống, thường trực Ban biên soạn CT, SGK đã đưa ra con số nói trên.

Làm rõ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đề án của Bộ Giáo dục Đào tạo đề xuất việc biên soạn CT – SGK mới với kinh phí là 105 tỷ đồng. “Tôi xin nhấn mạnh là 105 tỷ đồng và không phải chỉ để viết một bộ SGK mới mà là biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông và SGK giáo dục phổ thông, sách giáo viên phục vụ dạy và học phổ thông” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phân tích.

Số tiền 105 tỷ đồng này được xây dựng dựa trên những định mức kinh tế kỹ thuật rất chi tiết mà Bộ Tài chính ban hành cụ thể định mức cho việc viết mỗi trang SGK, việc thẩm định một bài trong SGK…
Còn với tổng số tiền 34.275 tỷ đồng, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đưa ra dự kiến là cho từng đầu việc cụ thể bao gồm: Biên soạn chương trình – SGK: 105 tỷ đồng. Đầu việc triển khai chủ yếu có xây dựng chương trình tổng thể và chương trình các môn học của 12 lớp; Biên soạn SGK, sách giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12; Tổ chức thẩm định chương trình, SGK…

Tổ chức dạy thử nghiệm chương trình, SGK mới tại 600 trường với quy mô triển khai ở 340.000 học sinh: 910 tỷ đồng. Đầu việc sẽ làm: Tập huấn, bồi dưỡng dạy thử nghiệm cho giáo viên và cán bộ quản lý (khoảng 20.000 người); Đánh giá và hoàn thiện SGK, sách giáo viên; Cấp SGK thử nghiệm cho 340.000 học sinh và cấp sách giáo viên cho khoảng 20.000 giáo viên dạy học thử nghiệm…

Triển khai dạy học đại trà theo chương trình, SGK mới: 8.150 tỷ đồng. Đầu việc triển khai chủ yếu: Triển khai dạy học đại trà trên phạm vi cả nước (khoảng 30.000 trường, 15 triệu học sinh); Tập huấn bồi dưỡng dạy học đại trà theo chương trình, SGK mới cho giáo viên và cán bộ quản lý (khoảng 900.000 người)…

Mua sắm trang thiết bị dạy học: 20.100 tỷ đồng. Đầu việc triển khai chủ yếu: Bổ sung, thay thế khoảng 50% thiết bị dạy học tối thiểu hiện có. Trang bị mới thiết bị do chương trình, SGK mới yêu cầu…

Ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục: 5.010 tỷ đồng. Gồm: Xây dựng kênh truyền thông giáo dục phục vụ đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông gắn với xây dựng xã hội học tập; Tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học, kểm tra đánh giá và thi.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hy vọng khi triển khai chương trình mới này, sẽ tạo ra được lớp lớp học sinh phổ thông có bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng tự học. Chương trình này cũng tạo điều kiện phân hóa học sinh phổ thông, tạo điều kiện học tốt hơn giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. “Nói một cách ngắn gọn là để sau 10 năm tới chúng ta có một thế hệ công dân mới tự tin, chủ động, có khả năng hội nhập cung cấp nguồn nhân lực có thể cạnh tranh và làm giàu cho đất nước” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chốt lại mục đích của đề án.