Thay đổi tư duy

ANTĐ - Trong Di chúc, Bác dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau được hiểu là việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đảng phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”, có như vậy mới thực hiện thành công lý tưởng xây dựng một xã hội mới, tiến bộ, văn minh. 

Theo lời dặn của Người, ngành giáo dục nước ta đã không ngừng cải tiến cách dạy, cách học theo hướng khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh, năng lực tự học, tự tu dưỡng rèn luyện. Trong những năm qua, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống giáo dục đầy đủ các cấp học ở mọi vùng, miền với nhiều loại hình trường lớp, số lượng học sinh đến trường ở các cấp ngày một tăng. Giáo dục ĐH, CĐ cũng ngày càng được mở rộng về quy mô đào tạo, cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp, chương trình đào tạo dần được đổi mới. Song, nhìn về tổng thể thì giáo dục Việt Nam vẫn còn thua kém các nước ngay trong khu vực.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thực hiện Chương trình hành động, trong đó có yêu cầu, cần đổi mới hình thức, phương pháp thi, ngày 9-9, Bộ GD-ĐT đã công bố quyết định tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thay vì phải tổ chức 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. 

Tuy nhiên, việc đổi mới có hiệu quả hay không, các phương án, đề xuất đưa ra dù có khả thi đến đâu cũng khó thành công nếu không có sự thay đổi trong tư duy về giáo dục của cả xã hội, đó chính là tư duy “trọng bằng cấp”. Để thay đổi, chính các bậc phụ huynh, học sinh, cộng đồng xã hội phải hiểu được ý nghĩa của việc học. Học để lấy kiến thức, học cho mình, để vào đời, để làm việc, để thành người chứ không phải để lấy bằng.

Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục hướng đến mục tiêu chất lượng là nhiệm vụ cấp bách của ngành giáo dục nước ta hiện nay. Xây dựng một nền giáo dục học thực, đào tạo những con người ưu tú, tâm và tài vẹn toàn cũng chính là thực hiện lời căn dặn của Người về những việc to lớn, hệ trọng, cần làm sau khi nước nhà thống nhất.