Thay đổi năm học phổ thông: “Nhu cầu chưa có nhưng chi trả rất lớn”

ANTĐ - Tại buổi tham vấn về đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ngày 28-8, GS.TS 
Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội không đồng tình với đề xuất tăng thêm 1 năm THCS của Bộ GD-ĐT. 

Thay đổi năm học phổ thông: “Nhu cầu chưa có nhưng chi trả rất lớn” ảnh 1
Học sinh THPT vẫn sẽ học 3 năm như hiện tại


- PV: Ông có đồng tình với đề xuất kéo dài bậc học THCS, giảm năm THPT vừa được  Bộ GD-ĐT trình Hội đồng và Ủy ban Quốc gia giáo dục đào tạo hay không?

- ông Đào Trọng Thi: Tôi thấy điều này không hợp lý, bởi kéo dài một năm giáo dục bắt buộc phổ cập có nghĩa  Nhà nước phải chuẩn bị nguồn ngân sách nhiều hơn. Điều này cũng làm thay đổi hệ thống giáo dục, trường THCS thêm một lớp, thêm cơ sở vật chất, giáo viên, trong khi THPT lại thừa. Điều quan trọng là thay đổi này có cần thiết hay không. 

Hiện nay, khi học sinh học hết THCS, chúng ta phân luồng học tiếp phổ thông hoặc trung cấp nghề, với trình độ đó thì 9 năm là đủ. Nếu những em cần trình độ văn hóa cao hơn thì chúng ta có thể chuẩn bị trong một năm đầu THPT, 2 năm cuối cùng mới phân hóa mạnh để định hướng nghề nghiệp cho các em. Tôi cho rằng lựa chọn như vậy là linh hoạt và phù hợp với điều kiện của chúng ta. Nhu cầu chưa có nhưng có thể thấy chúng ta phải chi trả rất nhiều cho việc thay đổi hệ thống, chính sách… Tôi nghĩ trong thời điểm hiện tại chưa nên thay đổi cơ cấu cấp học phổ thông.

- Con số 34.000 tỷ đồng cho đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa (CT-SGK) có thay đổi gì trong tờ trình lần này không thưa ông?

- Con số này chưa thể công bố vì nếu Chính phủ không thông qua có thể gây ra cách hiểu bất nhất trong dư luận, tạo phản ứng không thuận lợi. Ngoài ra, trong báo cáo của Bộ GD-ĐT chưa ghi rõ con số, đến nay Bộ vẫn nợ nội dung về nguồn tiền cho đề án. 

- Nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo đề án này vẫn chưa đủ cơ sở thực tiễn nên sẽ khó triển khai hiệu quả?

- Tôi nghĩ ý kiến này là xác đáng và cơ quan soạn thảo phải tiếp thu ý kiến đó để hoàn thiện. Điều kiện để chuẩn bị CT-SGK mới là rất quan trọng. Theo đánh giá của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chúng ta chưa thành công trong việc đổi mới CT, SGK năm 2000 chính vì chưa chuẩn bị đồng bộ việc thực hiện. CT-SGK - CT-SGK này cũng bị đánh giá là không phù hợp với điều kiện cụ thể và khả năng tiếp thu của học sinh Việt Nam. Hệ quả là việc đổi mới không thành công như mong muốn. Chúng ta phải rút kinh nghiệm. Có khả năng đến đâu thực hiện đến đó. Chúng ta rất muốn đổi mới, rất sốt ruột nhưng không được nóng vội vì phải chắc chắn mới đạt hiệu quả cao nhất trong công cuộc đổi mới.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý Giáo dục: Đổi mới giáo dục không chỉ từ bộ óc của GS, TS

Để xây dựng đề án đổi mới CT-SGK phổ thông, cần lắng nghe tiếng nói người dân, xem người dân cần gì ở nền giáo dục. Không thể đổi mới giáo dục chỉ từ bộ óc của GS, TS mà còn phải dựa vào dân. Người quản lý phải hội tụ được cả 2 yếu tố này. Tình hình chính trị, kinh tế đất nước còn khó khăn, làm giáo dục trong tình hình nhiều thách thức như hiện nay cần thận trọng, không nên rũ rối ra cả chương trình phổ thông. 

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại - nguyên Viện trưởng Viện Giáo dục: Ngồi bàn mà không hỏi trẻ em muốn gì

Phải xuất phát từ trẻ em để xây dựng chương trình mới, chứ không phải lấy suy nghĩ của chúng ta làm căn cứ… Tôi cho rằng có trẻ em mới có trường, có trường mới có thầy giáo, có giáo sư, tiến sĩ… Vậy sao chúng ta ngồi bàn mà không hỏi trẻ em muốn gì?