Sẽ có nhiều đề án "34 nghìn tỷ đồng" nữa!

ANTĐ - Nói qua nói lại của lãnh đạo Bộ GD-ĐT về Đề án đổi mới CT, SGK càng khiến sự việc thêm “khó hiểu” về quy trình thẩm định các đề án với trị giá lớn mang tầm quốc gia.

Khẳng định rằng việc trình và xem xét đề án đổi mới CT, SGK lên tới hơn 34 nghìn tỷ đang làm không đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trong khi hoàn toàn có cách làm khác để tránh tốn kém, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết còn lo ngại sau đề án này, liệu còn bao nhiêu đề án đổi mới nữa trị giá hàng nghìn tỷ đồng được các Bộ đề xuất, vì lý do thiếu một chương trình tổng thể để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

- Đề án đổi mới CT, SGK của Bộ GD-ĐT đang được chỉnh sửa, bổ sung, nhưng về tổng quát đề án này đã đạt yêu cầu để trình Quốc hội, theo GS?

- Trước mắt chưa thể trình đề án này, vì phải có chương trình tổng thể đã. Theo tôi, trước hết, Chính phủ phải có chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết TƯ 8 đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã, qua đó mới biết là mình cần phải làm bao nhiêu việc để thực hiện Nghị quyết này, theo lộ trình như thế nào; kinh phí tổng là bao nhiêu... lúc đó Quốc hội mới quyết được. Nghị quyết TƯ 8 đã ban hành hơn 5 tháng mà ra Chương trình hành động của Chính phủ vẫn chưa ra được là quá chậm.

- Trong tuần này Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ thẩm định lại đề án này để trình Quốc hội, theo GS điều này có quá vội vàng với một đề án lớn như vậy ?

- Vấn đề theo tôi ở đây là việc Bộ GD-ĐT trình Đề án này sang Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là không đúng trình tự, thủ tục. Vì trước hết, đề án chưa được tập thể Chính phủ thông qua. Vì sao tôi lại nói như thế? Vì con số 34.000 tỉ đồng này, Bộ GD-ĐT nói rằng chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính mà mới là khái toán của Bộ GD-ĐT thôi. Như thế có nghĩa là chưa được Chính phủ thông qua. Tôi không hiểu tại sao tập thể Chính phủ chưa có ý kiến gì mà đã ủy quyền cho Bộ GD-ĐT sang trình với Quốc hội.

Cách đây nửa tháng, khi họp nghe Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch báo cáo về việc đăng cai ASIAD 18, Thủ tướng cũng đã cho rằng bộ này chưa báo cáo Thủ tướng đã sang trình Quốc hội. Việc trình Đề án lần này có đang lặp lại chuyện đó không? Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngồi bàn vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ trong khi Chính phủ chưa có ý kiến thống nhất của tập thể thì Uỷ ban Thường vụ bàn trên cơ sở nào?

Còn về Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng, theo tôi biết, Uỷ ban sẽ không làm báo cáo thẩm tra đề án mà làm báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Chuyện này là chuyện ngược đời. Vì theo quy định, dự thảo Nghị quyết Quốc hội về đề án nói trên phải do chính Uỷ ban này viết. Như thế có nghĩa là Uỷ ban lại tự thẩm tra văn bản do mình khởi thảo. Nhưng điều tôi quan tâm hơn là, nếu “anh” chỉ chú ý đến lời văn của Nghị quyết mà không xem xét Đề án thì anh báo cáo Quốc hội để thông qua chủ trương trên cơ sở nào? Và nếu số tiền đến hơn 34.000 tỉ đồng được tiêu mà không có sự thẩm định của Quốc hội thì rõ ràng là không đúng trách nhiệm với dân!

Học sinh cần được thụ hưởng những sản phẩm giáo dục đảm bảo chất lượng


- Vậy theo GS, để đề án được thông qua, trước khi trình ra Quốc hội thì công việc cần làm hiện nay là gì?

- Trước hết, Chính phủ phải có chương trình tổng thể đã. Bây giờ Bộ GD-ĐT đưa ra Đề án đổi mới CT-SGK 34.000 tỷ đồng, Quốc hội thông qua rồi, độ nửa năm sau Bộ lại có một Đề án nữa là đổi mới nội dung, phương pháp Giáo dục ở đại học 34.000 tỷ nữa, rồi Bộ Lao động TBXH lại trình Đề án đổi mới công tác dạy nghề 34.000 tỷ đồng nữa... cứ thế thì Quốc hội bị động, không chạy theo được.

Theo Nghị quyết Trung ương, chúng ta cũng đang chuẩn bị thành lập Ủy ban Quốc gia về đổi mới GD- ĐT. Vậy, cũng phải xác định xem thẩm quyền trình các đề án đổi mới giáo dục đào tạo là của ủy ban này hay của các bộ. Tôi thì cho rằng thẩm quyền ấy là của Ủy ban Quốc gia về đổi mới GD- ĐT.

- Nhiều chuyên gia vẫn cho rằng đầu tư 34 nghìn tỷ để đổi mới CT, SGK là lãng phí, không cần thiết. Vậy quan điểm cá nhân của GS về vấn đề này như thế nào?

- Thực sự ra, bây giờ hoàn toàn có thể đặt lại những vấn đề như thế này: Có nhất thiết phải đổi mới toàn bộ CT, SGK hay không hay là cứ để CT, SGK như thế nhưng đổi mới phương pháp dạy học? Ta có thể tiếp tục sử dụng CT-SGK hiện hành, những gì hạn chế thì khắc phục; đồng thời sửa Luật Giáo dục, Luật Xuất bản để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội viết những bộ SGK mới, thay dần các bộ sách hiện hành. Khi đó tiền là tiền xã hội bỏ ra. Người viết sau sẽ rút được kinh nghiệm từ sách đã viết cách đây mười mấy năm, nghĩa là phát huy được nguồn lực xã hội cả về tài chính, trí tuệ. Hơn nữa, việc có nhiều bộ SGK sẽ tạo ra sự cạnh tranh, góp phần nâng cao chất lượng. Chứ Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, ôm việc vào rồi tất cả các vụ chức năng đổ xô đi làm dự án, bỏ bê công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra thì hỏng hết.

- Giả sử Đề án này vẫn được thông qua theo quy trình hiện tại thì sau này nếu không hiệu quả, trách nhiệm sẽ thuộc về ai, theo GS?

- Cá nhân lãnh đạo có thể thay đổi nhưng quản lý nhà nước là liên tục. Mình xây dựng đề án 10 năm chẳng hạn, thì các thế hệ lãnh đạo khác nhau vào gánh vác kế tục thôi. Cũng không có cách nào khác, người chịu trách nhiệm là cả người đề xuất đề án lẫn người kế tục. Bởi người kế tục nếu thấy không ổn thì sẽ phải điều chỉnh. Tuy nhiên, ở nước mình trước nay chả mấy ai phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai cả, ngay cả ông đương nhiệm còn chả chịu trách nhiệm nữa là ông về hưu!

- Xin cảm ơn GS!