Phương án kỳ thi quốc gia 2015: “Đừng góp ý theo cảm tính”

ANTĐ - Một trong những thông tin được cả xã hội đặc biệt quan tâm đã được Bộ GD-ĐT công bố ngày 29-7 là 3 phương án tổ chức kỳ thi quốc gia năm 2015. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tất cả những đổi mới có thể khó khăn cho ngành giáo dục nhưng có lợi cho xã hội thì vẫn nên làm. 

Thí sinh sẽ phải thay đổi cách học để đáp ứng yêu cầu đổi mới kỳ thi quốc gia

Thi tích hợp hay, nhưng chưa kịp thích ứng

Ngày 29-7, sau khi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển công bố 3 phương án cho kỳ thi quốc gia 2015, góp ý cho các phương án, đa số lãnh đạo các Sở GD-ĐT đều lo lắng về sự xáo trộn, chưa kịp thích ứng giữa dạy, học và thi. Chính vì vậy, ông Bùi Đức Cường - Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên lựa chọn phương án 1, xuất phát từ căn cứ thực trạng dạy và học hiện nay phù hợp với cách kiểm tra đánh giá này và không gây ra tâm lý bất an trong xã hội. Theo ông Bùi Đức Cường, cách ra đề thi tốt nghiệp năm 2014 rất thích hợp, đảm bảo các kiến thức cơ bản, học sinh được sáng tạo trong quá trình làm bài. Do đó, cách ra đề thi phương án 1 trong thời gian tới là phù hợp. Còn phương án 2, 3 cần thêm thời gian chuẩn bị mới có thể triển khai được.

Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng ủng hộ phương án 1 và cho rằng nên tiếp tục triển khai thực hiện trong năm 2015. Theo vị lãnh đạo này thì học sinh, giáo viên cần có thời gian chuẩn bị cho phương án khác. Đổi mới thi liên quan đến 2 nội dung cơ bản là người ra đề thi và học sinh phải được dạy, được hướng dẫn trước, làm quen… “Phương án 2 sớm nhất thực hiện vào năm 2016, là phương án đáp ứng kịp với cách thức đổi mới tổ chức dạy học. Quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên, chuyên viên sở có thể đáp ứng điều kiện ra đề. Sau khi rút kinh nghiệm, có thực tiễn, có thời gian chuẩn bị sẽ tổ chức phương án 3” - ông Lê Hồng Sơn góp ý.

Vấn đề khiến các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa lo ngại là các phương án kỳ thi quốc gia này đều đưa môn Ngoại ngữ làm môn thi bắt buộc. Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang  cho rằng môn Ngoại ngữ không nên thi bắt buộc bởi những địa phương chuyên nghề nông, ngư nghiệp nhu cầu học cao của học sinh phổ thông không nhiều như các tỉnh khác. “Số đông các em học xong THPT đi học nghề và làm theo các công việc truyền thống gia đình nếu bắt buộc thi Ngoại ngữ sẽ khó khả thi. Thêm vào đó, điều kiện triển khai dạy Ngoại ngữ tại Kiên Giang, cùng một số địa phương khác cũng có nhiều hạn chế, không thuận lợi như tỉnh thành phố lớn. Chính vì vậy ở đâu có điều kiện dạy tốt Ngoại ngữ thì nên thi” – bà Giang đưa ra ý kiến. 

Phải đón bắt đổi mới giáo dục

Quan tâm đặc biệt tới vấn đề đổi mới thi cử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: “Đổi mới thi là một khâu đột phá kéo các khâu khác đổi mới theo, trên cơ sở đổi mới căn bản và toàn diện. Tôi đã lắng nghe các ý kiến phát biểu tại hội nghị. Theo tôi, Bộ GD-ĐT và lãnh đạo các Sở GD-ĐT cần phân tích kỹ tổ chức 2 kỳ thi được gì, tổ chức 1 kỳ thi được gì? Tất cả những đổi mới nếu khó khăn cho ngành giáo dục nhưng có lợi cho xã hội thì vẫn nên làm. Nếu cảm thấy một kỳ thi bớt được tốn kém cho xã hội, cho các gia đình, tiệm cận được với mục tiêu đổi mới, thì phải quyết tâm và phải đổi mới quyết liệt, đi đến cùng”. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh về việc các địa phương cần bàn cách thức tổ chức đảm bảo nghiêm túc. “Kỳ thi này còn nhằm phục vụ công tác tuyển sinh ĐH. Nếu phương án thi tốt, tổ chức tốt, các trường đại học sẽ căn cứ vào đó để tuyển sinh thay vì tổ chức thi riêng. Nếu không đủ độ tin cậy, các trường vẫn thi riêng. Như vậy vẫn không hạn chế được lãng phí của xã hội”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhận định Bộ  GD-ĐT đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi công bố dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trước khai giảng năm học mới, đúng theo chỉ đạo của Chính phủ từ năm 2013, nhằm tạo sự ổn định trong dạy – học tại các nhà trường. “Với các phương án này, hoàn toàn không có việc tổng điểm bao nhiêu, trượt bao nhiêu, Bộ    GD-ĐT sẽ cung cấp cho xã hội một số đo trình độ kiến thức chung của học sinh, công khai để cả nước cùng biết, trên cơ sở đó các trường lựa vào danh sách sơ tuyển, tạo nhiều cơ hội cho học sinh, nhất là học sinh nghèo. Đây là một điểm rất tốt ta cần bàn” – Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý Bộ GD-ĐT cần thận trọng, lắng nghe ý kiến rộng rãi, có khi sẽ không chỉ có 3 phương án đã đề xuất mà còn có thể có những phương án khác, hợp lý hơn, khả thi hơn. Nhưng dù là phương án nào thì cũng phải dựa vào nguyên tắc không được tách rời chương trình SGK, mục tiêu giáo dục, định hướng đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện đang được triển khai. Các ý kiến góp ý phải có phân tích chứ không nên nói theo cảm tính. Bộ GD-ĐT phải có quan điểm và nghiêng về phương án nào thì  phải có thuyết trình trước xã hội.