Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gỡ khó cho trường ngoài công lập

ANTĐ - Đánh giá cao thế mạnh của các trường ngoài công lập với chủ trương xã hội hoá của nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, tới đây phải thực hiện triệt để công bằng, bình đẳng giữa trường công và trường tư. 

Phát biểu tại buổi tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập ngày 14-3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh xã hội hoá là chủ trương nhất quán, không chỉ trong ngành giáo dục mà trong cả nền kinh tế nước ta. Xã hội hoá cùng với việc phát triển các trường ngoài công lập mang lại rất nhiều lợi ích. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tạo sự bình đẳng, tập trung phát huy thế mạnh trường ngoài công lập

Tại Hội nghị, Phó thủ tướng chia sẻ:

Tôi đồng tình với quan điểm thực hiện xã hội hoá không phải vì nhà nước không có tiền, mà quan trọng nhất là nhà nước nhận ra rằng có những việc mà khu vực công lập dù muốn cũng không thực hiện được ngay, mà phải là khu vực ngoài công lập có những thế mạnh rất riêng của mình mới làm được. Ví dụ, việc bỏ ra 1,5 triệu USD mua một chương trình đào tạo hay mạnh dạn mời giảng viên nước ngoài về dạy cho sinh viên trường mình. Những thế mạnh đấy trường công không làm được. Đây là vấn đề xuyên suốt và tới đây ta phải tập trung làm rõ đâu là điểm mạnh nhất của khu vực ngoài công lập so với công lập.

Số trường ngoài công lập hiện chiếm trên 20% số trường ĐH, CĐ cả nước, số sinh viên xấp xỉ bằng 14% nhưng có một điều mà ít ai nói tới, là sự có mặt của các trường ngoài công lập cũng làm cho tuyệt đại đa số các trường công lập phải đổi mới và kết quả của giáo dục hiện nay là có sự đóng góp của trường ngoài công lập. Kết quả đó đáng trân trọng, tự hào.

Ít có Hội nghị tổng kết nào lại có nhiều ý kiến phát biểu làm nóng diễn đàn như thế này. Điều này có thể do có nhiều nhận thức khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất chúng ta đã biết là cái gì khó khăn, cái gì không hợp lý để sau đây nhất định khắc phục.

Tinh thần chung phải thực hiện triệt để sự công bằng, bình đẳng, không được có sự phân biệt. Nhưng cũng phải lưu ý sự bình đẳng với một người 40 tuổi và 15 tuổi thì còn có sự so sánh được, nhưng so sánh giữa một bé vài năm tuổi và một người 40 tuổi là khập khiễng và vì vậy phải ưu tiên đối với các trường mới. Hướng tới bình đẳng nhưng với một trường mới, ta phải có sự ưu tiên. Đất đai, tài chính nói ưu tiên cũng khó vì còn phụ thuộc nhiều bộ ngành, địa phương, nhưng những gì thuộc thẩm quyền của Bộ GD- ĐT thì phải làm trước trên tinh thần bình đẳng.

Trước đây khi còn là người phát ngôn của Chính phủ, có địa phương nói không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài công lập, tôi đã công khai ý kiến của mình. Những điều này không thuộc thẩm quyền ngành giáo dục, nhưng nhất định Bộ GD-ĐT phải lên tiếng phản đối, không được có sự phân biệt, phải công bằng nhưng có linh động. Đây là điều đầu tiên phải làm. Tôi nghĩ nếu thấm nhuần và thực sự trăn trở sẽ có giải pháp.

Có nhiều người nói với tôi, hiện nay có 40 trường thuộc Bộ GD-ĐT, còn lại 400 trường không thuộc Bộ, trong đó có 90 trường ngoài công lập ở đây, liệu Bộ GD-ĐT có công tâm không phân biệt con đẻ, con nuôi không? Thực tế có rất nhiều thứ chưa công bằng. Ngược lại, về phía các trường ngoài công lập, chúng ta đều bình đẳng, nhưng có phải tất cả các trường đã tốt cả chưa. Tất nhiên trong trường công cũng có nhiều cái chưa tốt, nhưng mỗi một trường phải nhìn nhận lại. Đây là điều mà tự thân các trường phải có trách nhiệm với mình trước khi có trách nhiệm ngoài xã hội.

Có rất nhiều ý kiến rất hay, phải nghe nhiều hơn. Hiệp hội cần giúp Bộ, giúp Chính phủ tập hợp các ý kiến bất cập về chính sách, giúp phân tích ra. Hôm nay, tôi chính thức đặt hàng GS Trần Hồng Quân, nếu cần đề xuất, tôi sẵn sàng nghe các đồng chí nhưng phải đi thẳng vào các kiến nghị. Tôi sẽ mời Bộ GD-ĐT, mời các Bộ liên quan giải quyết từng vấn đề, cụ thể như chuyển từ dân lập sang tư thục cần giải quyết dứt điểm. Tôi nghe trường ĐH DL Hải Phòng nói phải chờ đợi bao nhiêu năm. Vậy chúng ta vướng cái gì, tập hợp lại để các Bộ hướng dẫn, giải quyết tại chỗ.

Tôi cho rằng những gì liên quan đến vốn hay thuế rất khó giải quyết vì đó là luật, vừa làm vừa điều chỉnh. Mình phải kiến nghị những chính sách dưới luật thì sửa trước. Ngoài ra phải nghĩ cách, đẩy mạnh các dự án ODA trước mắt phải tăng cường hỗ trợ cho các trường ngoài công lập. Nhưng để cho trực tiếp một trường rất khó. Đây rất cần vai trò của Hiệp hội, cần xem cái gì là vấn đề chung, nhiều trường được hưởng lợi như chương trình, phần mềm thì chúng ta có thể làm được trước.

Theo tôi, sau buổi làm việc này, cần có nhiều buổi làm việc cụ thể giữa hiệp hội, bộ và các ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc hiện nay. Tất cả những vấn đề được nhận diện hôm nay, tôi hy vọng sớm nhất 6 tháng và chậm nhất 1 năm, sẽ có hình thức đánh giá tổng kết được những việc đã làm được từ vấn đề đặt ra trong hội nghị này.