Nhà giáo không ai như thế

ANTĐ - Chiều 22-8, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Trịnh Ngọc Thạch rất bức xúc về phát ngôn bừa bãi, “một tấc tới trời” của ông Đàm Khải Hoàn.

Nhà giáo không ai như thế ảnh 1


- Dư luận rất bức xúc trước phát ngôn “ra giá” bằng tiến sỹ y khoa 200 triệu đồng của ông Đàm Khải Hoàn, ông hẳn cũng thấy đau xót?

- Là một PGS. TS nhưng ông Đàm Khải Hoàn nói bừa như thế là vô trách nhiệm, không thể chấp nhận được. Nhà giáo không ai như thế... Từng có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, tôi chưa thấy ai phát ngôn thiếu trách nhiệm như thế bao giờ.

- Có ý kiến từ dư luận đòi hỏi loại bỏ ông Đàm Khải Hoàn khỏi môi trường sư phạm, không cho phép tiếp tục đứng trên giảng đường hay tham gia công tác đào tạo? 

- Ông Đàm Khải Hoàn chắc chắn sẽ phải nhận hình thức kỷ luật thích đáng cho những sai phạm của mình. Mức kỷ luật cụ thể như thế nào sẽ phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng kỷ luật do đơn vị quản lý trực tiếp ông Đàm Khải Hoàn thành lập. Dù vậy, là đại biểu Quốc hội, tôi đề nghị phải có hình thức xử lý nghiêm khắc ông này, để đảm bảo tính răn đe, không để tái diễn những vụ việc tương tự...

- Chúng ta đã nhiều lần phải chứng kiến những vụ tiêu cực liên quan tới mua bán bằng cấp, có vẻ như, tâm lý “sính” bằng cấp ngày càng ăn sâu vào đời sống?

- Tôi rất buồn trước hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo của một người có học hàm, học vị cao như ông Đàm Khải Hoàn. Liên tiếp những vụ tiêu cực xảy ra trong ngành giáo dục – đào tạo gần đây liên quan trực tiếp tâm lý “sính” bằng cấp của một bộ phận người dân. Có thực trạng đáng buồn là một số người lười học, nhưng lại muốn có bằng cấp, học vị nên sẵn sàng bỏ tiền ra mua. Số người này và những kẻ tiếp tay cho họ đã ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống giáo dục – đào tạo nước nhà. Chúng ta cần có chế tài nghiêm khắc với những vi phạm đã phát hiện được để làm trong sạch môi trường sư phạm.

Tiến sỹ Hoàng Văn Quang - ĐH Quốc gia Hà Nội: Ông Đàm Khải Hoàn không thể “lỡ lời”

Nhà giáo không ai như thế ảnh 2

“Mấy hôm nay, tôi theo dõi rất kỹ thông tin về việc PGS. TS Đàm Khải Hoàn – trường ĐH Y Dược Thái Nguyên phát ngôn “có thể lấy được bằng tiến sỹ y khoa với 200 triệu đồng” để làm học vị tiến sỹ cho một người buôn gỗ. Phải nói là tôi vừa buồn cười vừa bức xúc trước những phát ngôn kiểu này. Trước hết, có thể coi đây là hành vi lập kế hoạch để lừa đảo bởi việc “chạy” hay mua bán học vị tiến sỹ hiện nay là không thể, trừ việc làm bằng giả. Theo lời ông Đàm Khải Hoàn, việc “ra giá 200 triệu đồng” chỉ là lỡ lời song theo tôi, là sự dối trá. Một trí thức cao cấp như vậy không thể vô trách nhiệm với lời nói của mình như vậy được. Việc làm của ông Hoàn đã làm hoen ố hình ảnh của các trí thức chân chính. Do đó, cần phải được xử lý thích đáng”.

Thầy Nguyễn Xuân Thủy (Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y Phú Thọ, nghiên cứu sinh Học viện Quân y): Sự trơ trẽn đáng xấu hổ

“Ở tư cách một thầy giáo, phản ứng đầu tiên của tôi khi đọc được tin về thầy Đàm Khải Hoàn là nghĩ không thể có phát ngôn như vậy ở một thầy giáo được. Điều đó thực sự trơ trẽn và đáng xấu hổ. Còn với tư cách một nghiên cứu sinh trong ngành Y, tôi thấy bức bối, khó chịu và cả ngậm ngùi, chẳng lẽ những cố gắng nỗ lực của mình cùng rất nhiều người lại được định giá rẻ rúng đến vậy? Nó sẽ khiến định kiến về việc mua được bằng cấp trở nên sâu sắc hơn. Song tôi nghĩ những người như thầy Hoàn không nhiều, vì những giáo sư tôi đã gặp trong ngành Y rất nghiêm túc và đạo đức. Bởi vậy đối với những người như thầy Hoàn thì nên đưa ra khỏi ngành Sư phạm”.

Nghiên cứu sinh Đinh Thị Thu Thủy (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam): Làm tổn thương những người học hành chân chính


“Đối với một nghiên cứu sinh trong ngành khoa học tự nhiên, để có được tấm bằng tiến sỹ, thông thường phải mất từ 3-5 năm, thậm chí có người 6 năm, nếu là ngành y thì có thể còn lâu hơn. Trong suốt quãng thời gian đó, thứ mà người học phải bỏ ra không chỉ có tiền bạc, mà còn phải đầu tư thời gian, công sức rất lớn để học hành, nghiên cứu. Nếu bảo một tấm bằng tiến sỹ y khoa chỉ có giá 200 triệu, thì đó là cái giá quá rẻ và nó phủ nhận hoàn toàn những cố gắng mà những nghiên cứu sinh như chúng tôi đã và đang phải bỏ ra, làm tổn thương những người học hành chân chính. Điều này không thể chấp nhận được. Đó là ngành khoa học mà anh phải có thực chất mới đáp ứng được yêu cầu công việc”.