Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Muốn đổi mới phải dùng “thuốc đắng”

ANTĐ - Trước những công bố mới nhất của Bộ GD-ĐT về thay đổi trong cách ra đề thi môn Ngữ văn, đồng thời giảm thời lượng làm bài còn 120 phút, nhiều ý kiến xin hoãn đã được phản ánh với Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định muốn thay đổi thì phải dùng “thuốc đắng”.

- Đổi mới về đề thi năm nay khiến cả thầy và trò đều khó trở tay. Thứ trưởng giải thích thế nào về việc thay đổi khi kỳ thi sẽ diễn ra trong vài tuần nữa?

- Không phải bây giờ Bộ mới đặt ra vấn đề đổi mới. Chúng tôi đã có hướng dẫn cụ thể trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học, với tất cả các môn, không riêng môn Ngữ văn. Tuy nhiên, các môn khoa học xã hội - trong đó có môn Ngữ văn - được chú trọng hơn. Đây là yêu cầu đã được nói trước, nhắc đến nhiều – đúng hơn là nhắc nhiều năm gần đây rồi. Và chúng ta đã có nhiều hội thảo trao đổi về việc này. Vậy  nên nói gây xáo trộn bất ngờ với học sinh, giáo viên là không đúng. 

Ngoài ra, đã coi kiểm tra đánh giá là khâu đột phá thì có nghĩa là, kiểm tra đánh giá phải đi trước một bước để áp dụng thực tiễn, nếu thầy cô dạy chưa đúng thì cần điều chỉnh cho đúng với mục tiêu. Tôi khẳng định kiểm tra đánh giá phải đi trước, không thể chiều theo thầy cô nào, học sinh nào cố tình học theo kiểu cũ, đòi hỏi kiểm tra theo kiểu cũ để hợp với quá trình dạy – học.

- Được biết môn thi Ngữ văn sẽ bao gồm phần đọc hiểu và làm văn, đây có phải là cấu trúc chính thức của đề thi môn này?

- Trước hết tôi phải khẳng định, vài năm trở lại đây, Bộ GD-ĐT không đưa ra cấu trúc đề thi và năm nay cũng vậy. Hiện tại chúng tôi chỉ có khái niệm ma trận đề thi mà thôi. Thật ra không có thay đổi gì lớn mà là quán triệt đúng hơn với mục tiêu dạy học và quán triệt sát sao hơn với những điều Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn lâu nay. Kiểm tra đọc hiểu là một yêu cầu bắt buộc của môn Ngữ văn và điều này được thực hiện từ tiểu học, đến trung học, việc dạy năng lực đọc hiểu cũng chiếm tỷ trọng lớn trong thời gian cũng như kết cấu nội dung của bộ môn Ngữ văn. 

Cách ra đề mới yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức nhiều hơn

- Nhiều giáo viên băn khoăn không biết đề thi Ngữ văn sẽ có phần nằm ngoài sách giáo khoa, thưa Thứ trưởng?

- Việc hiểu về đề thi môn Ngữ văn không thoát khỏi các tác phẩm được đưa vào trong nhà trường là không đúng, là hạn chế. Chương trình yêu cầu học sinh phải đạt được năng lực, kỹ năng nhất định, không có nghĩa là học tác phẩm nào thì thi tác phẩm đó, mà thông qua những tác phẩm đó thì năng lực đọc hiểu của học sinh tới đâu, năng lực cảm thụ văn học tới đâu, chứ không phải kiểm tra nhớ được tác phẩm đó tới đâu. 

- Về việc rút ngắn thời gian làm bài xuống còn 120 phút cũng khiến giáo viên lo ngại học sinh chưa được chuẩn bị đủ kỹ năng làm bài?

- Tôi xin nhấn mạnh, thay đổi ở đây chính là quán triệt mục tiêu dạy học. Ma trận đề thi sẽ yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức nhiều hơn. Với việc rút ngắn thời gian làm bài thì dung lượng cũng sẽ phù hợp hơn cho học sinh làm bài, không chỉ môn Văn mà đối với môn khác khi có sự thay đổi về thời gian thì phải đảm bảo yêu cầu đó. Đề thi phải vừa sức với bậc phổ thông.

- Vậy còn băn khoăn giữa yêu cầu ra đề mở nhưng đáp án và người chấm lại không “mở”?

- Chắc chắn trong đề thi sẽ có câu hỏi theo hướng mở, tuy nhiên vẫn phải có chuẩn như chuẩn về đạo đức, chuẩn về giá trị sống. Tuy nhiên, không thể để học sinh đem bài văn mẫu vào chép mà vẫn được điểm tối đa.