Việt Nam không có tên trong 500 trường đại học hàng đầu thế giới:

Lộ nhiều điểm yếu và còn thiếu tự chủ

ANTĐ - Việc Việt Nam không có trường đại học (ĐH) nào nằm trong tốp 500 trường ĐH hàng đầu thế giới 2014 vừa được công bố bởi Trung tâm ĐH đẳng cấp thế giới thuộc ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) một lần nữa xới lên những điểm yếu của hệ thống ĐH Việt Nam.

Giảng đường ĐH Việt Nam mong có bước đột phá với việc thực hiện tự chủ

Có mấy chục tỷ mà không tiêu được

Nói về giáo dục ĐH trong nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh với hiệu trưởng các trường rằng, trường ĐH công được Nhà nước đầu tư rất nhiều tiền của, đất đai, nhà cửa, đào tạo giáo viên và đã đến thời điểm làm sao khuyến khích được các trường đúng tinh thần tự chủ: “Chúng ta phải tính toán kỹ để các trường mạnh dạn xin tự chủ. Các trường đừng để cảnh thừa mấy chục tỷ đồng trong tài khoản mà không tiêu được vì phải xin phép”. 

Bàn về vấn đề tự chủ, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, ở nước ta, lần đầu tiên quyền tự chủ của các trường ĐH được ghi nhận trong Luật Giáo dục năm 2005. Năm 2012, quyền tự chủ được tái khẳng định trong Luật GDĐH. Đây là một bước tiến trong tư duy quản trị ĐH. Nhưng nó chưa phải là bước ngoặt tạo ra đột phá, bởi bên cạnh quy định quyền tự chủ của các trường ĐH, cả 2 luật còn khá nhiều “phanh” hạn chế quyền tự chủ ấy. Nhà nước vẫn đóng vai trò kiểm soát nhiều và những yếu tố bên ngoài nhà trường vẫn đóng vai trò quá quan trọng. Bên cạnh những cái “phanh” của Luật GDĐH, nhiều trường ĐH ở nước ta cũng chưa đủ năng lực và sự sẵn sàng cho tự chủ. Cơ quan quản lý nhà nước chưa dám “buông” cho các trường tự chủ hoàn toàn có phần cũng bởi lo các trường làm hỏng việc, làm ẩu. 

Giao quyền tự chủ là điểm cốt tử

Trả lời câu hỏi đâu là yếu tố có vai trò xoay chuyển chất lượng giáo dục đại học trong thời điểm này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng tự chủ là quyền phổ biến của các trường ĐH trên thế giới. Dù được thực hiện với những mức độ khác nhau, nhưng quyền tự chủ là điều kiện tiên quyết cho thành công của các trường ĐH. “Sẽ không phải là khập khiễng khi so sánh giáo dục ĐH với bóng đá chuyên nghiệp. Cứ thử hình dung, một đội bóng hàng đầu thế giới như Manchester United nếu không được tự quyết định việc thuê huấn luyện viên, mua cầu thủ và trả lương cho những người này mà phải chờ quyết định từ Chính phủ hay Liên đoàn Bóng đá Anh thì chắc chắn nó sẽ xuống hạng ngay lập tức sau một mùa bóng. Muốn đào tạo ĐH có chất lượng thì phải trao quyền tự chủ cho các trường ĐH” – GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Đặt câu hỏi: “Chúng ta có làm được không?”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Chúng ta làm được. Tôi cho rằng đây là điểm cốt tử của giáo dục ĐH, CĐ. Chúng ta có thể làm được và chúng ta phải làm, không thể cứ bao cấp và mãi không rõ ràng như thế này”. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT phải quyết liệt vấn đề này để sớm đưa ra Chính phủ xem xét giao quyền tự chủ cho các trường về nhân sự, tài chính, chương trình đào tạo. Đi kèm với đó thì học phí ở mức nào, trên tinh thần trước mắt động viên, tạo điều kiện cho những trường mạnh dạn, dũng cảm tham gia tự chủ, tiến tới toàn hệ thống trường công phải thực hiện.

Trong 500 trường của bảng xếp hạng thì Mỹ có tới 146 trường với vị trí đứng đầu là ĐH Harvard. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 2 với 44 trường. Các nước Đông Nam Á đóng góp 4 trường ĐH vào danh sách này là ĐH Quốc gia Singapore, Học viện Nanyang Singapore, ĐH Malaysia và ĐH khoa học Malaysia. Để có mặt trong bảng xếp hạng này, các trường ĐH phải đạt được các tiêu chí: số cựu sinh viên, số giảng viên đạt giải Nobel và giải Fields, số nhà nghiên cứu có tài liệu được trích dẫn nhiều, số bài báo khoa học, số bài báo được lập chỉ mục trong Science Citation Index (Danh mục trích dẫn khoa học).