Kỳ thi quốc gia năm 2015 thu hút sự quan tâm của dư luận: Sẽ chọn phương án nào?

ANTĐ - Những ngày này, vấn đề “nóng” được cả xã hội quan tâm là kỳ thi quốc gia năm 2015 sẽ được tổ chức như thế nào. Hiện tại Bộ GD-ĐT đang tiếp tục nhận các ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo, công bố phương án chính thức vào tháng 9 để thực hiện từ năm 2015. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Đổi mới Giáo dục và Đào tạo tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban Đổi mới Giáo dục và Đào tạo  mới đây cũng nhấn mạnh: Kỳ thi phải được sự đồng thuận cao của xã hội, đảm bảo được 2 yêu cầu là xét tốt nghiệp và làm cơ sở căn cứ xét tuyển vào ĐH.

Nhiều ý kiến  ủng hộ phương án 2

3 phương án về một kỳ thi chung (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH) của Bộ GD-ĐT đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp, cũng như các ý kiến khác nhau. Theo đó, phương 1: Thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; Thí sinh phải đăng ký bắt buộc 4 môn. Phương án 2: Thi 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi. Phương án 3: Thi 11 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi.

 Hiện,  phương án 2 thu hút được nhiều ý kiến, phân tích của các chuyên gia lẫn các trường ĐH. Ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: “Tôi mong muốn bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, để thi đại học vì 2 kỳ thi giống nhau. Bộ đưa ra 3 phương án, tôi nghĩ phương án 2 là tốt nhất, phù hợp với thực tế nên thực hiện ngay trong năm 2015. Toán - Ngữ văn và Ngoại ngữ rất phù hợp vì các môn thi đều quan trọng. Về ngoại ngữ tuy khác nhau về trình độ ở các vùng miền, theo tôi Bộ Giáo dục – Đào tạo nên có biện pháp tính toán để các thí sinh vùng khó khăn đỡ thiệt thòi”, ông Nam góp ý thêm. Vị lãnh đạo này cho rằng, để tổ chức một kỳ thi quốc gia 2015, khâu quan trọng nhất là ra đề, coi thi và chấm thi. 

Đồng quan điểm với phương án 2, ông Đặng Kim Vui - Giám đốc ĐH Thái Nguyên cũng cho rằng: Phương án 2 phù hợp để có thể kết hợp xét tốt nghiệp và lựa chọn thí sinh phù hợp với yêu cầu kiến thức cơ bản và một số yêu cầu tuyển sinh vào các ngành ĐH đặc thù. Tuy nhiên, cũng theo ông Đặng Kim Vui khi tổ chức theo phương án này cũng cần có đội ngũ chuyên gia, tổ chức hội nghị để xây dựng quy chế và cách thức làm một cách hết sức cụ thể. Bên cạnh đó, cấu trúc đề thi rất quan trọng, cần có phần kiểm tra kiến thức để xét tốt nghiệp phổ thông. Thiết kế đề thi đạt độ phân hóa để các trường ĐH xét chọn. Đề thi ĐH năm vừa qua đã làm rất tốt điều này.

Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội, ông Phan Chí Hiếu cũng chia sẻ ngay sau khi được biết về đề xuất 3 phương án thi của Bộ Giáo dục, trường đã tổ chức môt cuộc họp để thảo luận về vấn đề này, hoàn toàn nhất trí với chủ trương tổ chức kỳ thi chung trong năm 2015 và thống nhất lựa chọn phương án 2. 

Lo ngại tỷ lệ đỗ tốt nghiệp “đẹp”

Khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với vai trò “2 trong 1” thì vấn đề khiến nhiều trường ĐH lo ngại nhất là chất lượng và có yên tâm sử dụng kết quả đó để tuyển sinh hay không? Ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội bày tỏ mối lo ngại tổ chức thi như thế nào để có được một kết quả thi đáng tin cậy. Ông cho biết tuyển sinh đầu vào tại các khối trường Y Dược luôn luôn là vấn đề nóng, yêu cầu chất lượng cao, nên trong thời gian tới, Hội đồng Hiệu trưởng khối các trường Y sẽ họp để thảo luận về một dự án thi bổ sung nữa, sẽ sớm trình lên Bộ GĐ-ĐT để được xét duyệt. Hiệu trưởng Đại học Thăng Long Phan Huy Phú cũng khẳng định: “Hiện nay và trong một vài năm tới, các trường đại học chắc chắn chưa thể tin tưởng nếu để địa phương tổ chức thi dù Bộ có huy động giảng viên đại học vào công tác coi, chấm thi.”

Theo dự thảo, sẽ có một giảng viên đại học và một giáo viên địa phương coi thi. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc giám thị từ một nơi xa đến sẽ khó dám làm chặt nếu giám thị cùng phòng muốn nương tay. Nếu coi thi một cách nghiêm túc thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT không thể “đẹp” như hiện nay.

Nhiều trường sẽ tổ chức thi riêng

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố 3 phương án một kỳ thi chung, nhiều trường ĐH dù đồng tình nhưng vẫn còn băn khoăn về chất lượng, kết quả của kỳ thi chung liệu có đáng tin cậy khi có đến trên 90% thí sinh đậu tốt nghiệp THPT? Lãnh đạo nhiều trường ĐH không tin tưởng vào chất lượng kỳ thi “hai trong một” đã lên tiếng sẽ tổ chức thi riêng. Phó Hiệu trưởng Đại học An ninh Nguyễn Quý Khoát cũng khẳng định “Học viện An ninh chắc chắn không thuộc nhóm các trường chỉ lấy kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển”. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến sẽ có thêm vòng thi trắc nghiệm. Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương Hoàng Văn Châu cũng cho biết trường sẽ có thêm vòng thi phụ, ít nhất là với các lớp chất lượng cao.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng việc có sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển vào đại học, cao đẳng hay không là tùy các trường vì tự chủ tuyển sinh đã được quy định trong Luật Giáo dục Đại học. Các trường có phương án tuyển sinh riêng cần sớm hoàn thiện để Bộ xem xét. 

Và các phương án khác

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ phương án 2 thì nhiều chuyên gia lại có những ý kiến khác. TS Nguyễn Thị Lan Phương - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng tại sao khi năm 2014 các kỳ thi được đánh giá là tốt, tích cực thì lại phải thay đổi. Ông Nguyễn Đức Minh, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đề xuất và nghiêng về phương án sở GD-ĐT tổ chức thi hết lớp 12 cho học sinh. Hàng năm bộ tổ chức kỳ thi quốc gia 2 lần với khoảng cách 6 tháng. Lần thứ nhất sau khi học sinh thi hết lớp 12 (tháng 7), lần 2 vào khoảng tháng 1 với các môn: văn, toán, lí, hóa sinh, sử, địa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Đức. Với kiểu “kỳ thi quốc gia” này, một năm có thể tổ chức nhiều lần, tạo điều kiện cho học sinh chưa thi hoặc thi không đạt được tham gia thi lại. Ở Mỹ, kỳ thi như vậy có 12 lần/năm, nhiều quốc gia khác thi 3-4 lần/năm. Ở Việt Nam, ít nhất nên tổ chức 2 lần/năm. Theo PGS Minh cách nhìn nhận, tổ chức như trên sẽ giảm áp lực cho học sinh khi bị dồn vào một kỳ thi quốc gia bắt buộc. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ cũng khẳng định sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp và nghiên cứu các phương án, từ đó có quyết định sớm nhất để có thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia đảm bảo an toàn, nghiêm túc, chất lượng.