Kỳ thi quốc gia chưa ngấm đến các trường đại học, cao đẳng

ANTĐ - Với hạn nộp chốt vào tháng 9 tới, nhiều trường ĐH, CĐ dường như miễn cưỡng lập đề án đổi mới tuyển sinh của trường mình vì vẫn lưu luyến với thi “3 chung”. Điều đáng nói là trong khi Bộ GD-ĐT đang ấp ủ về một kỳ thi quốc gia thì các trường lại chưa biết về thông tin này để vận dụng vào đề án của mình.

Xây dựng phương án đổi mới tuyển sinh là nhằm khẳng định quyền tự chủ của các trường

Chưa đến hạn - chưa thực hiện

Các thông tin về kỳ thi quốc gia vẫn được lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ công bố trong tháng 9 tới. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: “Nếu triển khai sẽ được dùng để xét tốt nghiệp THPT, mặt khác cung cấp dữ liệu cho các trường ĐH, CĐ có thể dùng ngay kết quả đó để tuyển sinh hoặc bổ sung thêm các phương thức khác như phỏng vấn, viết luận… Bởi vậy, Bộ đề nghị trong tháng 9 các trường gửi đề án đổi mới, có thể chỉ dựa vào kỳ thi quốc gia hoặc sơ tuyển hay tổ chức thi riêng”.

Có thể thấy thông tin này nếu được thực hiện sẽ tác động mạnh đến việc học tập cũng như công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tất cả các trường ĐH, CĐ được phóng viên tìm hiểu vẫn rất lúng túng và cho rằng chưa nắm rõ thông tin này để cập nhật vào hướng đổi mới tuyển sinh của trường mình.

Ông Đặng Lộc Thọ, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương cho biết, hiện trường này chưa có phương án đổi mới tuyển sinh. “Nếu Bộ GD-ĐT yêu cầu phải có đề án thì chúng tôi sẽ làm. Tuy nhiên, trước mắt Bộ vẫn tổ chức thi “3 chung” thì trường vẫn tuyển sinh theo phương án này”. Theo bà Định Thị Vân Chi, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, mặc dù trong khối nghệ thuật nhiều trường đã tổ chức thi tuyển sinh riêng từ năm ngoái nhưng ĐH Văn hóa Hà Nội vẫn duy trì thi “3 chung”. Bà Chi cho biết trường vẫn còn 2 năm nữa để chuyển đổi khi Bộ GD-ĐT bỏ thi “3 chung”. 

Nhiều đề án đổi mới tuyển sinh còn bỏ ngỏ

Ông Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, trường này đang trong quá trình xây dựng đề án đổi mới công tác tuyển sinh để kịp hoàn thành dự thảo trình Bộ vào tháng 9 tới.  “Dự kiến từ năm 2015-2017, cơ bản vẫn tuyển sinh theo hướng hiện nay là thi theo các khối A, A1, D1. Hướng đổi mới đến năm 2020 thì trường vẫn đang để ngỏ vì phải cần khá nhiều thời gian xem xét, nghiên cứu các ngành đào tạo của trường cần những gì để đặt ra hình thức tuyển sinh đáp ứng yêu cầu đầu vào của từng ngành” - ông Phạm Quang Trung cho biết. Khi được hỏi đề án đổi mới của trường vì sao không thấy nhắc tới kỳ thi quốc gia mà Bộ GD-ĐT đang hướng tới thì ông Phạm Quang Trung nói: “Điều này chúng tôi chưa được nghe cụ thể, mới chỉ là dự kiến được Bộ nhắc tới. Trước khi công bố đề án một kỳ thi quốc gia chính thức thì các trường chưa dám đưa định hướng này vào trong đề án đổi mới tuyển sinh của trường”.  

Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hinh cho hay, trường cũng đang lên phương án đổi mới tuyển sinh. “Trước mắt chúng tôi sẽ sang trường ĐH Bách khoa Hà Nội học hỏi phương thức sơ tuyển, để năm tới một số khoa sẽ áp dụng nhằm hạn chế những thí sinh thi cho vui, thi lấy tiếng. Chỉ tiêu của trường chỉ có 1.000, chúng tôi không sung sướng gì khi hàng chục nghìn thí sinh đăng ký dự thi, vì càng đông càng lỗ”- ông Nguyễn Đức Hinh chia sẻ. Khi được hỏi về kỳ thi quốc gia, ông Hinh rất ủng hộ việc tổ chức kỳ thi này, tuy nhiên điều mà nhiều người băn khoăn theo ông Hinh là cách thức tổ chức. “Thi ở địa phương với sự giám sát của các trường đại học trước đây chúng tôi đã từng làm. Khó nhất là làm sao mọi người đều có thể tin tưởng vào kết quả của kỳ thi này. Chúng tôi còn phải xem xét kỹ để có thể sử dụng kết quả của kỳ thi này vào việc xét tuyển của trường hay không” – ông Nguyễn Đức Hinh thẳng thắn nói.

“Xu thế phát triển trên của nền giáo dục đại học trong nước cũng như nước ngoài cũng yêu cầu các trường phải tự chủ, nhất là tự chủ trong tuyển chọn để tìm ra những người phù hợp năng lực mà ngành đào tạo trường mình đòi hỏi. Giáo dục đại học rất đa dạng với nhiều ngành nghề. Các trường tự quyết trong tuyển sinh thì ban đầu sẽ khó khăn nhưng rồi sẽ quen. Nếu giữ mãi thi cử như hiện nay thì các trường mất quyền tự chủ” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT                 Bùi Văn Ga khẳng định.