Kỳ thi THPT quốc gia: Nhiều cơ hội xét tuyển đại học hơn

ANTĐ - Sau quyết định đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, ngày 11-9, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đã trả lời các thắc mắc về cơ hội dự thi, xét tuyển đại học năm 2015.

Kỳ thi THPT quốc gia: Nhiều cơ hội xét tuyển đại học hơn ảnh 1
Thí sinh phân vân mất cơ hội xét tuyển đại học nếu chọn cụm thi tại địa phương


- Nếu một thí sinh thi ban C với các môn Văn, Sử, Địa, như vậy, để vào ĐH sẽ phải ôn tập ít nhất 5 môn (thêm Toán và Tiếng Anh), điều này khiến nhiều thí sinh lo không đủ thời gian để học, Bộ tư vấn như thế nào?

- Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục KT&KĐCLGD: Nếu thi như năm ngoái, thí sinh phải thi 4 môn để xét tốt nghiệp. Sau đó phải thi 3 môn để xét tuyển ĐH, CĐ, như vậy phải thi tổng cộng 7 môn. Còn năm nay, thí sinh chỉ cần thi 5 môn và có nhiều cơ hội xét tuyển hơn.

- Bộ dự định tổ chức 2 loại cụm thi với đề thi giống hay khác nhau?

- Ông Trần Văn Kiên, Phó Cục trưởng Cục KT&KĐCLGD: Đây là một kỳ thi quốc gia nên chỉ có một loại đề thi đối với tất cả các đối tượng thí sinh. Trong kỳ thi này, việc tổ chức thi thành các cụm thi tương tự như các cụm thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 song có mở rộng hơn. Các cụm thi này do các trường ĐH, CĐ đủ năng lực chủ trì. Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì.

- Nếu ban đầu chỉ thi với mục đích để tốt nghiệp THPT, nhưng sau đó lại đạt điểm cao thì có còn cơ hội để đăng ký vào trường CĐ, ĐH?

- Ông Trần Văn Nghĩa: Những thí sinh tại các cụm thi địa phương chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét công nhận tốt nghiệp THPT vẫn có thể được xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng phụ thuộc vào quy định của các trường ĐH, CĐ. Các trường ĐH, CĐ được quyền tuyển sinh riêng theo đề án tuyển sinh của trường và có thể không sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh. Vì vậy, thí sinh cần theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường để tham gia đăng ký, phù hợp với nguyện vọng, năng lực cá nhân và điều kiện gia đình.

- Làm sao để Bộ GD-ĐT biết thí sinh sau khi thi ở cụm thi địa phương lại không tham gia xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ? 

- Ông Trần Văn Nghĩa: Thứ nhất, thí sinh thi ở các cụm thi khác nhau có các mã khác nhau nên hoàn toàn có thể phân biệt được thí sinh thi ở cụm nào. Thứ hai, trong kỳ thi quốc gia, chủ yếu sẽ thi ở các cụm do trường ĐH-CĐ chủ trì, việc tổ chức thi ở các cụm địa phương chỉ thực hiện khi có học sinh không có nguyện vọng sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển vào ĐH-CĐ và tự nguyện đăng ký thi ở cụm địa phương. Thực tế, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 có gần 20% số học sinh chỉ thi tốt nghiệp. Như vậy, việc không sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào trường ĐH là do thí sinh tự nguyện.

- Mỗi học sinh sẽ có bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển và các trường công bố điểm xét tuyển trước hay sau khi học sinh đăng ký?

- Ông Trần Văn Nghĩa: Quy định về công tác xét tuyển sẽ được đưa vào Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy. Về nguyên tắc, quy trình xét tuyển phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh, cố gắng đảm bảo những học sinh có kết quả cao sẽ không bị trượt, đồng thời để các trường không quá khó khăn trong xét tuyển. Bộ sẽ nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin trong xét tuyển để giảm khó khăn cho trường cũng như thí sinh.