Diễn đàn “Đổi mới giáo dục-cùng hiến kế”:

Học sinh xuất sắc được học cùng sinh viên

ANTĐ - Một tin vui với ngành giáo dục, sau một năm triển khai, mô hình “chương trình nhà trường” phát triển năng lực học sinh đã thành công và được Bộ GD-ĐT “đặc cách” cho 8 trường phổ thông trên toàn quốc. Không quá tải lý thuyết, chương trình học linh hoạt theo năng lực học sinh, được trải nghiệm thực tế… là những gì mà phụ huynh nhận thấy ở con mình khi tham gia mô hình này.

Các hoạt động trải nghiệm ngoài giờ học tạo hứng thú và khả năng sáng tạo của học sinh

Mạnh dạn cắt bỏ chương trình cũ

“Năm 2013, khi PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất với Bộ GD-ĐT cho phép thực hiện mô hình phát triển năng lực học sinh tại trường phổ thông Nguyễn Tất Thành, tôi thấy đây là mô hình hay, có thể triển khai rộng rãi ở nhiều trường phổ thông” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

Sự chủ động, sáng tạo đã được trường này thể hiện qua việc mạnh tay thiết kế lại chương trình nhà trường. Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng trường phổ thông Nguyễn Tất Thành cho biết: “Nội dung chương trình tổng thể được thiết kế nhất quán từ lớp 6 đến lớp 12 trên cơ sở rà soát lại chương trình hiện hành, cắt bỏ những nội dung trùng lặp, thông tin đã cũ, kiến thức lý thuyết xa rời, chuyển từ những bài học cứng trong chương trình - sách giáo khoa sang các chủ đề có tính tích hợp liên môn, bổ sung các kiến thức có tính thực tiễn, các giờ học thực hành, rèn luyện năng lực cho học sinh”.

Chuyển biến mạnh về chương trình học kèm theo đó là thay đổi quan điểm giáo dục đã đem lại sinh khí mới cho học sinh trường này. “Nhà trường Việt Nam vẫn duy trì phương pháp dạy học truyền thống với vai trò trung tâm thuộc về giáo viên mà không tính đến sự khác nhau của người học về tư chất, thiên hướng, trình độ. Dạy học theo kiểu “chủ nghĩa bình quân” đã ngăn trở giáo dục Việt Nam chưa thực hiện được sứ mạng đích thực của giáo dục hiện đại là giúp trẻ em trở thành chính mình, mang lại hạnh phúc cho học sinh khi đến trường”- TS Nguyễn Văn Minh khẳng định.

Được học “vượt lớp”

Có thể gọi là sự đột phá với mô hình phát triển năng lực học sinh bởi học sinh trường này được hưởng “ưu đãi” khác biệt hoàn toàn với học sinh phổ thông khác. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết Bộ GD-ĐT đã chấp thuận việc trường Nguyễn Tất Thành có thể chọn lọc những học sinh xuất sắc của từng môn học được học “vượt lớp”. Theo đó, một học sinh có năng lực đặc biệt nổi trội về một môn học nếu qua được bài kiểm tra đặc biệt, có thể “nhảy” lớp bằng cách học vượt khung chương trình với lớp cao hơn ở môn học sở trường.

Không những vậy, với những trường hợp xuất sắc, nhà trường có thể tiến hành đánh giá, kiểm tra để xét cho một học sinh phổ thông được theo học các chuyên đề cụ thể cùng lớp với sinh viên tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, để được hưởng đặc cách này, học sinh đó sẽ phải vượt qua một quy trình kiểm duyệt chặt chẽ. “Để quyết định cho một học sinh “vượt lớp” ở từng môn học cần có sự đồng ý từ một hội đồng khoa học - trong đó có sự tham gia của các chuyên gia của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau khi hội đồng khoa học nhất trí, kết quả sẽ phải được báo cáo lên Bộ GD-ĐT để phê duyệt. Sau này, khi học sinh tốt nghiệp THPT, tiếp tục chọn học trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sẽ được miễn những tín chỉ đã theo học cùng với các anh chị sinh viên trước đó” - TS Nguyễn Văn Minh khẳng định.

Với quan điểm thực tế, bà Nguyễn Thị Thu Anh còn kiến nghị Bộ GD-ĐT bổ sung chính sách cộng điểm thi ĐH cho những học sinh đã tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động cộng đồng đã được các tổ chức xã hội hoặc nhà trường cấp giấy chứng nhận để phát huy được hết sở trường của học sinh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Chưa thể áp dụng đồng loạt


Chương trình phát triển năng lực học sinh đi đúng hướng đổi mới giáo dục hiện nay và năm đầu tiên đã thu được những hiệu quả ngoài sự mong đợi của Bộ. Tuy nhiên, với “chương trình nhà trường”, không phải trường nào cũng áp dụng cứng nhắc một cách làm mà tùy theo điều kiện, đối tượng người học của mỗi trường, có thể thiết kế chương trình riêng phù hợp.Tuy nhiên, đây không phải việc nóng vội, áp dụng đồng loạt mà phải thay đổi dần dần. Trường Nguyễn Tất Thành là 1 trong 8 trường trên toàn quốc thí điểm mô hình này.