Giáo dục phải lấy học sinh làm lẽ sống

ANTĐ - Chưa bao giờ vấn đề đổi mới giáo dục lại bức thiết và “nóng” như bây giờ. Ngành Giáo dục sau nhiều lần đưa ra các cải cách nhưng vẫn chưa thực sự làm được cuộc cách mạng trong vấn đề “trồng người”. Báo An ninh Thủ đô đã có buổi trao đổi với Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ giáo dục xung quanh vấn đề này.

Giáo dục phải lấy học sinh làm lẽ sống ảnh 1


- PV: Khi thấy cần phải đổi mới nghĩa là cái chúng ta có trong tay đã lạc hậu, cũ kỹ, thiếu sót… Theo Giáo sư, nền giáo dục hiện nay đang thiếu cái gì?

- GS Hồ Ngọc Đại: Ai cũng nói cần phải đổi mới, nhưng ít nhất cần phải hiểu giáo dục là gì thì lại chẳng mấy ai trả lời được. Tôi lấy ví dụ thế này: Ai cũng biết nước là cái gì, nó khác dầu ở chỗ nào, khác rượu ở đâu, điều đó quá đơn giản. Thế nhưng bản chất, khái niệm về nước thì hầu như không ai quan tâm. Khi chúng ta nói nước là một hợp chất của 2 chất khí thì quan niệm về nó bỗng khác hẳn. Hay nói nước là hợp chất của 2 chất dễ cháy (Hydro và Oxy) có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên lắm, thậm chí phản đối. Nhưng điều hiển nhiên đó chỉ có các nhà khoa học mới hiểu. Ví von như vậy để thấy rằng bao lâu nay, chúng ta nghĩ về giáo dục cũng giống như nghĩ nước đơn giản chỉ là nước vậy. Chúng ta không hề có khái niệm thế nào là giáo dục một cách thực sự khoa học, không hiểu bản chất giáo dục là như thế nào. Đó là sự thật đáng buồn.

- Nói như vậy liệu có phải là quá coi thường các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách giáo dục cũng như công sức của những người làm công tác giáo dục bấy lâu nay không, thưa Giáo sư?

- Ý của tôi là từ xưa đến nay chúng ta vẫn làm giáo dục, nhưng làm theo kinh nghiệm chứ không thấy được bản chất của giáo dục xưa và nay khác nhau rất nhiều. Ngày xưa cụ tổ ta có cái gì thì cụ ta có cái đó, cụ ta có cái gì thì ông ta có cái đó, ông cha ta có cái gì ta lại học rập khuôn theo đúng như vậy. Đến đời con cháu, ta lại truyền thụ cho chúng cũng không khác. Quan niệm này khiến suốt một thời gian dài người ta dạy cho thế hệ sau theo kiểu nhồi nhét, áp đặt, sáo mòn và máy móc với quan niệm: “Trứng không thể khôn hơn vịt”. Không ai chịu hiểu, rồi trứng sẽ khôn như vịt, thậm chí hơn cả vịt. Tại sao như vậy? Vì xưa kia xã hội không hề biến đổi. Người ta lấy một hình mẫu làm lý tưởng và cứ sống theo kiểu người này noi gương người khác. Cách giáo dục ấy không có phản biện, không có sự nghi ngờ. Nhưng bây giờ thì khác, mọi đứa trẻ, mọi học sinh có quyền nghi ngờ những gì được dạy và chúng có thể phản biện nếu thấy không hợp lý. Chỉ khi có nghi ngờ, có sự phản biện thì mới tìm ra sự đúng đắn trong cách giáo dục.

Mới đây, tôi gặp một tình huống thế này: Bà cụ cùng xóm mang 1 cái chổi vừa sắm ra khoe và nói đây là cái chổi mới. Tôi bảo, đây vẫn là cái chổi cũ, chỉ là bà thay cái đã hỏng bằng cái không hỏng. Khi nào bà dùng máy hút bụi, lúc ấy mới có thể gọi đó là “cái chổi mới”. Muốn đổi mới giáo dục, chúng ta cần tư duy theo cách như vậy. Mấy nghìn năm nay chúng ta làm lúa nước bằng cày chìa vôi gỗ, chúng ta vay ít tiền để mua cái cày chìa vôi khác bằng inox, thay dây thừng bằng dây nilon và nói đó là đổi mới nhưng về bản chất chúng ta vẫn chẳng thay đổi được gì. Đổi mới thì phải đi mua máy cày. Đó mới là đúng đắn. Giáo dục không theo tư duy như vậy thì vẫn là đổi mới theo kiểu “lúa nước”.

- Vậy theo Giáo sư, đâu là cái chổi, cái cày chìa vôi trong nền giáo dục của chúng ta?

- Bao nhiêu năm nay tất cả các sách giáo khoa vẫn như vậy, phương pháp dạy học vẫn như vậy, nhà trường vẫn thế, trò vẫn học y nguyên, thi cử vẫn không khác. Tất cả đều như cũ hết. Chúng ta thiếu hẳn một lý luận về giáo dục. Bây giờ là lúc cần phải xác định rõ chúng ta giáo dục để làm gi? Ngày xưa 95% dân số Việt Nam không đi học, chỉ có 5% biết chữ. Nhưng số không đi học ấy vẫn sống bình thường. Ngày nay muốn sống bình thường thì chúng ta không thể không học. Học đã thành một nhu cầu hiển nhiên như ăn uống và hít thở. Như vậy, sự học về bản chất phụ thuộc vào đời sống của con người. Xã hội hiện đại, không có học con người không sống nổi. Có nghĩa là nhu cầu được học, được giáo dục đã thay đổi hoàn toàn, trong khi đó phương pháp giáo dục lại không thay đổi. Đấy chính là mâu thuẫn của chúng ta. Giờ đây chúng ta phải vì cuộc sống thật của học sinh. Giáo dục phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu thật, cuộc sống thật chứ không phải vì cái ảo tưởng trong phòng thi hay trong nhà trường. 

Ngày xưa cụ kị ta viết bằng lông ngỗng, rồi thay sang bút lông, đến thời chúng ta là bút ngòi sắt, rồi đổi sang bút bi. Và bây giờ có cho vàng cũng chẳng ai muốn quay lại viết bằng lông ngỗng nữa. Nói như vậy để thấy, nếu trẻ con bây giờ cũng bỏ nốt cả bút bi để viết bằng máy tính thì đó là điều cực kỳ hợp lý và là sự đổi mới tất yếu của giáo dục. Sự thay đổi là do đời sống hiện thực quyết định chứ không phải ý tưởng của ai cả. Giáo dục phải chấp nhận như thế. 

- Nếu nhìn tổng thể thì giáo dục cần phải đổi mới khâu nào trước tiên, thưa Giáo sư?

- Như ban đầu tôi đã nói, đổi mới trước tiên là ta phải có lý thuyết, lý luận về giáo dục. Từ đó, chúng ta sẽ có nghiệp vụ sư phạm khác. Những lý thuyết trước đây đều đã lạc hậu và nó chỉ tồn tại được trong xã hội nông nghiệp lạc hậu. Bây giờ phải tư duy khác, tất cả đã thay đổi. Đáng lẽ, chúng ta cần phải viết lại từ lâu rồi, nhưng rất tiếc là chưa làm được. Học sinh trước đây phải nghe lời thầy, thầy nói gì cũng đúng thì bây giờ học sinh cần phải phản biện lại thầy. Thậm chí nếu trò nói đúng thì thầy còn phải nghe trò.

Khi đã có lý luận giáo dục thì mọi thứ sẽ khác, nó sẽ thay đổi cả tư duy giảng dạy của người thầy. Tôi lật ngược vấn đề một chút, tại sao ta có giáo dục và đào tạo? Bởi vì ta có trẻ con. Nếu cuộc sống toàn người lớn cả thì đâu cần mở trường? Vì mở trường giáo dục trẻ con thì mới có thầy giáo, vì có thầy giáo thì mới có hiệu trưởng và cứ thế lần ngược lại thì ta mới có Bộ Giáo dục-Đào tạo. Như vậy tất cả đều là nhờ có trẻ con mà ra, nếu không có trẻ con thì mọi sự có mặt kia đều vô nghĩa. Cho nên tôi nói vui rằng, thầy giáo, hiệu trưởng… đều chỉ là người sai vặt của trẻ con, học trò mà thôi. Cho nên chúng ta phải lấy trẻ con làm chuẩn, làm mục đích, làm lẽ sống. Ta phải vì chúng, theo chúng vì chúng là con đẻ của thời đại. Ta là thế hệ lạc hậu, chúng là thế hệ tiên tiến, do đó ta phải từ bỏ chính chúng ta, nền giáo dục cũng như vậy. Phải căn cứ vào đứa trẻ con chứ đừng căn cứ vào người lớn. Những gì chúng ta dạy trẻ con là để cho chúng tự làm lấy, khi tự làm nó sẽ chấp nhận, thừa nhận những gì mình làm được. Khi đó lời thầy dạy chỉ là gợi ý, thầy giáo chỉ giao việc, điều hành lớp học. Chân lý lẽ phải sẽ được học sinh tìm thấy qua việc tự làm. Nếu trò cứ học như vẹt những lời thầy nói một cách vô nghĩa thì nó chẳng khác gì chính thầy giáo cả. Nói cách khác, thầy như vậy chỉ khiến trò giậm chân tại chỗ. 

- Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi!