Dự thảo quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm: Lách kiểu gì cũng được!

ANTĐ -Dạy thêm, học thêm là câu chuyện cũ rích, nhưng chưa lúc nào thôi nhức nhối. Đã có rất nhiều quy định được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng này, thậm chí còn có cả những lệnh cấm.

Nhưng những mệnh lệnh hành chính dường như chẳng giải quyết được vấn đề gì, bởi ngay lập tức người ta đã vô hiệu hóa nó bằng những lá đơn xin tự “nguyện học thêm” và rất nhiều chiêu khác nữa. Lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lại tiếp tục đưa ra lấy ý kiến về Dự thảo quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng dự thảo này khó mà tạo nên chuyển biến lớn trong “vấn đề nóng” của ngành giáo dục.

Giống như quy định hiện hành được ban hành năm 2007, hoạt động dạy thêm, học thêm có hai hình thức tổ chức: Trong nhà trường và ngoài nhà trường. Tuy nhiên, các quy định xung quanh hai hình thức này được bổ sung nhiều chi tiết mới. Về dạy thêm trong nhà trường, không chấp nhận việc tổ chức lớp dạy thêm theo các lớp học chính khoá. Thay vào đó, căn cứ vào đơn xin học thêm của học sinh, trường tổ chức phân loại học sinh theo học lực và tổ chức dạy thêm theo nhóm trình độ học sinh.

Với hình thức dạy thêm ngoài nhà trường, trước khi tổ chức dạy thêm, đơn vị/cá nhân đứng ra tổ chức dạy thêm phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin công cộng của địa phương (xã, phường, thị trấn) và tại địa điểm dạy thêm các thông tin như giấy phép tổ chức dạy thêm, danh sách người dạy/người học, nội dung chương trình dạy, mức thu tiền…

Trong dự thảo mới của Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên các đối tượng không được dạy thêm - học thêm, đó là: Không dạy thêm với học sinh  tiểu học, trừ những trường hợp nhận quản lý học sinh ngoài giờ theo yêu cầu của gia đình, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống… Với các cấp học khác, không dạy thêm với những học sinh đã được học 2 buổi/ngày. Học sinh muốn học thêm phải tự tay làm đơn và cha mẹ (hoặc người giám hộ) phải ký tên và cam kết thực hiện những nội dung do trường quy định. UBND tỉnh/thành phố, Sở GD&ĐT hoặc UBND các quận huyện sẽ quản lý và cấp phép cho dạy thêm - học thêm. Ngoài ra có thêm quy định mới là giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường…

Trong Dự thảo mới, lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT đề cập quy định về thu và quản lý tiền học thêm, trong đó có nội dung liên quan nghĩa vụ tài chính của giáo viên dạy thêm. Theo đó, tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoặc tham gia dạy thêm có trách nhiệm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính và chính sách thuế.

Có thể thấy, về lý thuyết thì những quy định này cũng hoàn toàn hợp lý và được quy định khá chi tiết. Chiếu theo quy định này, thì số học sinh phải đi học thêm chắc chắn sẽ giảm rất nhiều. Nhưng thật ra cái sự chi tiết của quy định này lại không có gì mới, và người ta vẫn có thể “lách kiểu nào cũng được”. Một giáo viên lớn tuổi khi đọc bản dự thảo này đã thốt lên rằng với những quy định này nhà trường, giáo viên đối phó rất dễ dàng, mà thực tế thì họ đã đối phó từ lâu rồi vì trước đó đã có rất nhiều quy định tương tự. Các trường chỉ việc thảo sẵn đơn, trong đó có sẵn phần nội dung cam kết rồi phát cho các học sinh, phụ huynh để họ điền và ký tên là xong. Tất cả đều là tự nguyện, và chẳng ai ép buộc ở đây. Còn ở cấp tiểu học, quy định là cấm dạy thêm, học thêm nhưng lại “mở” cho giáo viên cái cửa là “quản lý học sinh ngoài giờ theo yêu cầu của gia đình, phụ đạo học sinh yếu kém”… Chẳng có quy định nào phân biệt việc dạy thêm, học thêm với việc nhận trông, kèm cặp trẻ. Vậy nên, chẳng khác nào quy định chỉ để hợp thức hóa việc dạy thêm - học thêm. Hơn nữa việc dự thảo quy định học sinh tự tay viết đơn cũng là quy định để cho có bởi thực tế việc cha mẹ học sinh viết cũng chẳng khác là mấy việc cha mẹ đọc đơn cho con tự viết  để cho đúng quy định và để hợp pháp hóa việc “tự nguyện” học thêm.

Cũng theo quy định, giáo viên dạy thêm phải đăng ký với thủ trưởng cơ quan, nhưng ai sẽ đi kiểm tra, nhà trường không thể kiểm soát hết được giáo viên của mình có dạy thêm tại nhà hay không. Quy định nói đến việc thanh, kiểm tra việc dạy thêm – học thêm, nhưng lại không nói đến kinh phí phục vụ công tác này. Việc thanh tra, kiểm tra giáo viên có mở lớp dạy học sinh tại nhà hay không sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện.

Trên thực tế thì cách nay 5 năm, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT quy định về dạy thêm - học thêm, trong đó cũng có những vùng cấm gần tương tự quy định trong bản dự thảo mới được ban hành. Quyết định năm 2007 cũng nêu rõ UBND cấp tỉnh và huyện chịu trách nhiệm quản lý dạy thêm - học thêm trên địa bàn. Dù quy định rõ ràng như vậy, nhưng cho đến nay, dạy thêm - học thêm vẫn trở thành vấn đề nóng của ngành giáo dục và có chiều hướng ngày càng tiêu cực, làm ảnh hưởng đến thời gian tự học, vui chơi của trẻ em, làm các bậc phụ huynh thêm lo toan gánh nặng tiền học cho con, làm tình cảm thầy trò bị thương mại hóa… Mới đây, Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn Hà Nội cũng đã được ban hành và có hiệu lực hồi tháng 4-2011. Sau quy định này, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có những cuộc thanh kiểm tra nhưng ngay lãnh đạo Sở cũng thừa nhận nó chỉ mang tính hành chính là chính. Vậy người dân sẽ trông chờ gì vào Dự thảo mới về dạy thêm - học thêm mà Bộ GD-ĐTđang xây dựng?

GS.TS Trần Xuân Nhĩ (Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT): Cần có hội nghị Diên Hồng về giáo dục

Theo tôi, những giải pháp của Bộ GD&ĐT trước đây cũng như hiện nay cho vấn đề dạy thêm, học thêm chưa có hiệu quả. Ví dụ, Bộ đưa ra giải pháp để chống dạy thêm, học thêm là phải có sự tự nguyện của cha mẹ học sinh. Lập tức người ta đối phó bằng cách tập hợp chữ ký đồng ý của phụ huynh, học sinh… Vì vậy, muốn trị được “căn bệnh” này, cần có một hội nghị Diên Hồng về giáo dục, tập hợp những chuyên gia về giáo dục, những người có kinh nghiệm về quản lý giáo dục để tìm ra những biện pháp cứng rắn, kiên quyết giải quyết vấn đề đó.
Người ta nói dạy thêm - học thêm là do lương giáo viên hiện nay quá thấp, tôi nghĩ chưa hẳn. Vì thực tế có rất nhiều người rất giàu có mà vẫn dạy thêm đấy thôi. Tôi nghĩ trong việc dạy thêm tràn lan này có cả vấn đề cần quan tâm là đạo đức của người thầy giáo, họ chưa hiểu hết tinh thần của việc dạy và học.

TS Nguyễn Quang La (Chủ tịch Hội cựu giáo chức Hà Nội): Học thêm đã thành trào lưu


Học thêm giờ đã và đang trở thành trào lưu của không chỉ các em học sinh mà cả các bậc phụ huynh. Có cầu thì ắt có cung. Còn thầy cô giáo, hiện tại lương quá thấp nên nhu cầu kiếm thêm thu nhập là tất yếu. Việc quản lý của ta lại không chặt, quy định có nhưng thanh tra, kiểm tra, xử lý không đến nơi đến chốn.
Cá nhân tôi thì thấy việc dạy thêm - học thêm cần thiết trong việc bồi dưỡng những em yếu kém hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi trở thành người tài. Nhưng hiện tại em nào cũng học, thầy nào cũng dạy dẫn đến áp lực học hành quá lớn cho các em.

Chị Ngô Thị Hải (Cầu Giấy, Hà Nội): Vô vàn chiêu ép học sinh học thêm

Là một phụ huynh, tôi vô cùng bức xúc vì giáo viên có đến hàng trăm nghìn chiêu thức để ép học sinh học thêm. Tôi nhớ có một lần, trời tối lại mưa gió ầm ầm mà con tôi vẫn quyết phải bắt bố mẹ phải đưa đi học thêm. Tôi có bảo cháu nghỉ một buổi, kẻo đi mưa về ốm thì mai lại không đi học chính được. Cháu trả lời là nhất định phải đi, vì nếu không học thêm buổi này thì mai lên lớp sẽ chẳng hiểu được bài cô giảng. Tôi thấy thương các cháu quá, suốt ngày đâm đầu đi học thêm, chẳng có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Rồi thì đầu năm cô cho học sinh làm bài thi khảo sát chất lượng, ra đề thật khó, lắt léo, cho điểm học sinh thật thấp rồi đến kỳ họp phụ huynh là “báo động” khiến phụ huynh hốt hoảng mà xin cho con học thêm. Trong giờ học chính, cô không tung hết ngón nghề mà giữ lại cho buổi học thêm, em nào không học thêm thì đố mà theo kịp… Thật quá buồn.

Cô N.T.H (Một giáo viên ở tỉnh Phú Thọ): Cuộc chạy đua trong nhà trường


Tôi là một giáo viên ở một huyện trung du nói chung là điều kiện kinh tế còn khá khó khăn. Ở những địa phương khó khăn như thế này, đa phần các thầy cô rất yêu học trò, tâm huyết và chia sẻ với phụ huynh. Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm - học thêm không phải không có. Và cuộc đua tranh dành “thị phần” cũng vô cùng quyết liệt, nhất là với những giáo viên cùng tổ bộ môn. Thực tế, có nhiều lớp học thêm, thầy cô giáo chỉ lấy kinh nghiệm của mình ra giảng là chính, năm nào cũng giáo án đấy, cũng chừng đấy bài tập… Dạy nhiều đến nỗi chẳng còn thời gian đâu mà tìm tòi, mà soạn giáo án, nâng cao chất lượng bài giảng. Bộ GD&ĐT đã đưa ra bao nhiêu quy định, nhà trường thì cứ phổ biến và “triển khai” nhưng rồi chẳng ai nhớ đến nó nữa. Rút cục những quy định về dạy thêm đã có, nhưng dạy thêm vẫn tồn tại, thậm chí tồn tại với chất lượng thấp, các em học thêm nhưng lại không thêm được kiến thức.

Anh Đinh Văn Đạt (Kỹ sư xây dựng): Phải trị bệnh tận gốc


Tôi được biết Bộ GD&ĐT cũng đã đưa ra rất nhiều quy định để quản lý dạy thêm - học thêm. Những biện pháp hành chính thì luôn luôn khô cứng và đầy kẽ hở, vì vậy, tôi khẳng định nếu không trị bệnh tận gốc thì quy định lần này lại bị vô hiệu ngay từ lúc ban hành mà thôi. Theo tôi, trước hết ngành giáo dục cần thay đổi nhận thức của người dân, và của chính những người làm giáo dục, rằng học là để nắm bắt, sáng tạo tri thức, để làm người chứ không phải học để thi, để được điểm cao. Thi chỉ là phương tiện để đánh giá quá trình học tập rèn luyện. Sai lầm của giáo dục nước ta suốt thời gian dài, đó là lấy phương tiện làm mục đích.

Vì vậy, ngành giáo dục cần nhanh chóng cải tiến một cách hiệu quả các kỳ thi, từ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, THCS, THPT đến kỳ thi Đại học; tăng cường giáo dục cho học sinh ý thức về phương pháp tự học. Cần có cơ chế quản lý giáo dục và chính sách tiền lương hợp lý để người giáo viên không cần và không thể dạy thêm bừa bãi như hiện nay.