Dự kiến miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh lớp 12: Gây tranh cãi vì lo tiêu cực

ANTĐ - Ngày 13-2, với sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, dự thảo đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT đã được lãnh đạo Sở GD-ĐT các tỉnh, thành mổ xẻ, phân tích tình huống có thể xảy ra khi triển khai thi 4 môn học và xét miễn thi tốt nghiệp THPT cho 20% học sinh lớp 12.   

Phó Thủ tướng đề nghị tổ chức một kỳ thi thực chất nhưng không gây quá căng thẳng

Lo tiêu cực vì làm ra điểm không khó

Thẳng thắn chỉ ra những khả năng có thể xảy ra tiêu cực với dự kiến miễn thi tốt nghiệp THPT cho 20% học sinh lớp 12, bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho rằng, nếu không có những quy định thực sự cụ thể, rành mạch về tiêu chí xét miễn giảm thì việc triển khai xuống các cơ sở giáo dục sẽ rất khó khăn: “Tôi đã làm trong ngành giáo dục và biết làm ra điểm không khó. Nếu không kiểm soát được thì việc xét miễn thi sẽ làm nảy sinh không ít tiêu cực trong quá trình đánh giá học tập. Trong khi đó, giảm 20% thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT cũng không tiết kiệm được nhiều chi phí. Nếu chưa chuẩn bị đầy đủ thì vẫn nên duy trì miễn thi theo đối tượng chính sách”. Ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, thống kê sơ bộ từ học kỳ I năm học này thì cả tỉnh, tỷ lệ học sinh khá giỏi theo điều kiện miễn thi tốt nghiệp THPT của Bộ chỉ đạt 19,9% chứ không đủ 20% theo tỷ lệ Bộ giao. “Thực tế 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT cũng chưa đủ độ lớn để giảm bớt quy mô kỳ thi này của tỉnh Quảng Nam trong khi việc thành lập hội đồng xét duyệt từ cấp trường đến cấp Sở sẽ rất phức tạp trong khi thời gian chuẩn bị không nhiều“- ông Nguyễn Tấn Thắng phân tích.

Cùng đưa ra những khó khăn có thể xảy ra khi xét miễn thi tốt nghiệp THPT với tỷ lệ chung 20%, sau đó giao trách nhiệm cho giám đốc Sở tùy theo thực tế địa phương để chia tỷ lệ này đến các trường, ông Nguyễn Sỹ Thư, Giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum cho rằng, nếu để cho Sở tự quyết định tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp THPT từng trường theo điều kiện thực tế thì sẽ xảy ra sự không đồng thuận trong cha mẹ học sinh khi học sinh ở trường này học kém hơn học sinh ở trường khác nhưng vì chỉ tiêu miễn thi của trường mình nhiều hơn nên được miễn thi. “Sẽ không đảm bảo công bằng khi xét miễn thi theo cách này. Khi đó chắc chắn sẽ tạo dư luận không tốt“ - ông Nguyễn Sỹ Thư khẳng định.

Trước những vấn đề đặt ra về việc chốt tỷ lệ 20% học sinh khá giỏi được xét miễn thi tốt nghiệp THPT, lãnh đạo các Sở GD-ĐT đều kiến nghị Bộ GD-ĐT phải đưa ra được những tiêu chí cụ thể, thí sinh nào đạt các yêu cầu này sẽ được miễn thi thay vì để các địa phương tự xem xét cũng như chất lượng giáo dục khác nhau giữa các vùng miền. Về điều này, Bộ GD-ĐT cho rằng, trong điều kiện bệnh thành tích còn chưa được khống chế triệt để hiện nay, nếu không khống chế tỷ lệ miễn thi có thể dẫn đến việc miễn thi không thực chất. Mặt khác, khống chế tỷ lệ miễn thi thì sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường, địa phương, làm cho việc xét duyệt miễn thi chính xác. 

“Không cần thiết thì phải bỏ”

Trước rất nhiều ý kiến bàn về việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ, việc đổi mới thi cử năm nay phải tính kỹ bởi một số điểm cần lưu ý. “Làm sao để không thay đổi liên tục và phải bàn kỹ lưỡng để sau đó có ổn định tương đối. Đừng để cảnh học sinh bây giờ mấy tháng nữa thi vẫn hồi hộp không biết năm nay thi môn gì” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, để thực hiện đổi mới thì điểm cốt yếu là “chúng ta đừng ngại thi thì tốn kém, mệt nhọc. Nếu tốn kém và mệt nhọc là cần thiết để thúc đẩy các cháu học, để tuyển lựa xứng đáng thì không ngại. Nhưng nếu không cần thiết thì phải bỏ. Tôi lấy ví dụ nhỏ như các đồng chí nói nhiều đến miễn thi 20%, thi bớt môn - nghe qua ai cũng thấy nhẹ đi. Nhưng thực tế 98% học sinh hàng năm đỗ tốt nghiệp THPT thì tại sao đặt ra vấn đề miễn? Có nên chăng không cần miễn thi mà chỉ cần để thí sinh thấy rằng kỳ thi này sẽ không quá căng thẳng và hướng tới thực chất?” – Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Tiếp thu những ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sẽ cùng lãnh đạo các địa phương, các sở cân nhắc tính toán. “ Đây là công việc thuộc thẩm quyền của Bộ nhưng lại rất nhạy cảm nên cần cân nhắc kỹ. Đặc biệt là chủ trương miễn thi tốt nghiệp THPT với tỷ lệ 20% thí sinh thì thấy còn nhiều ý kiến ngổn ngang, cần phải cân nhắc cụ thể. Sau buổi họp hôm nay còn tiếp thu nhiều kênh khác và sẽ báo cáo xin ý kiến Phó  Thủ tướng”.

Về môn thi ngoại ngữ,  Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, tuyệt đại đa số ý kiến đồng ý không đưa môn ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc, trong đó phần nhiều ý kiến đề nghị đưa thành môn thi tự chọn. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho rằng, hiện nay việc dạy và học ngoại ngữ rất khác biệt giữa các vùng miền, do vậy Bộ đã dự thảo đây chỉ là môn thi khuyến khích. Điều này cũng được lãnh đạo Bộ GD-ĐT hứa sẽ thảo luận một cách cầu thị, nghiêm túc trước khi đưa ra quyết định chính thức.