Năm học mới 2014-2015:

Chờ đợi những đột phá của ngành Giáo dục

ANTĐ - Điểm sáng của ngành Giáo dục, khởi đầu ấn tượng cho năm học mới 2014-2015 là hướng tới mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng phát triển năng lực, gắn đào tạo với thực tế thông qua đổi mới đánh giá, thi cử ở bậc phổ thông hay qua việc giao tự chủ cho các trường và đổi mới tuyển sinh theo nhu cầu từng ngành đại học. Hứa hẹn nhiều đột phá nhưng sẽ có không ít thách thức với giáo viên, học sinh năm học này.

Không còn điểm 0 cho học sinh tiểu học

Áp lực về điểm số vẫn bị coi là gánh nặng với phụ huynh và học sinh tiểu học, gián tiếp gây nên tình trạng học thêm tràn lan, quá tải ở bậc học này. Ngay năm học này, quyết định có tính đột phá của Bộ GD-ĐT chính là việc không lấy điểm số để đánh giá thường xuyên học sinh tiểu học. Thay vào đó, những lời nhận xét, ghi nhận những nỗ lực của học sinh hàng ngày, hàng tuần của giáo viên được cho là phương pháp đánh giá mới có tác dụng thúc đẩy sự tự tin, hứng thú của học sinh với các giờ học trên lớp.

Mục tiêu quan trọng nhất của việc đánh giá học sinh tiểu học hiện nay, theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT là nhằm đánh giá để giúp cho học sinh học tốt hơn chứ không phải chỉ để ghi nhận kết quả học tập của học sinh vào cuối mỗi năm học. “Trước đây chúng ta cứ chờ đến cuối học kỳ, cuối năm học mới đánh giá học sinh nếu không đạt thì cũng quá muộn để hỗ trợ học sinh. Nay muốn học sinh học tốt hơn thì phải quan tâm cả quá trình học tập của học sinh, đánh giá thường xuyên. Điều này có nghĩa là giáo viên phải thu thập số liệu, quan sát, phỏng vấn, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện, tư vấn cho học sinh nhận xét định tính về kết quả học tập của bản thân cũng như của bạn trong lớp...” - Ông Phạm Ngọc Định phân tích.

Ngay cả cách khen thưởng cũng sẽ được thay đổi khi giáo viên không phải là người duy nhất quyết định việc này. Theo Bộ GD-ĐT, cuối học kỳ I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác. Đáng chú ý, “bài kiểm tra định kỳ được giáo viên sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm và góp ý những hạn chế, cho điểm theo thang điểm 10 và không cho điểm 0” được quy định rõ trong Thông tư ngày 29-8 ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học của Bộ GD-ĐT. 

Thừa nhận còn nhiều ý kiến thay đổi này giảm áp lực cho học sinh nhưng tăng áp lực cho giáo viên tuy nhiên ông Định giải thích rõ: “Việc giáo viên phải nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh phải thực hiện nhưng được giảm tải bằng cách giáo viên chỉ ghi những điều cần thiết nhất hàng tháng. Ngoài việc nhận xét về kiến thức, cách làm này còn thể hiện tình cảm của cô giáo. Học sinh khi đọc nhận xét của giáo viên sẽ thấy được động viên vượt qua khó khăn của các em”.

“Hướng đổi mới này là rất tốt, nhưng đòi hỏi thầy cô phải có nghiệp vụ, thầy cô phải vượt khó, cha mẹ phải quan tâm tới con, không chỉ hỏi con mấy điểm, mà có sự gắn kết, phối hợp cùng nhà trường, thầy cô giúp đỡ con, có vậy mới có sự chuyển biến được” - TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhận xét.

Hồi hộp chờ phương án thi quốc gia

Có lẽ điều được đặc biệt quan tâm trong năm học này với học sinh THPT là quyết định của Bộ GD-ĐT về phương án tổ chức kỳ thi quốc gia. 3 phương án của Bộ GD-ĐT đưa ra đang thu hút rất  nhiều ý kiến đóng góp và trước mắt, phương án 3 đã được tạm rút để tập trung cho 2 phương án được cho là phù hợp với điều kiện thực tế hơn. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, Bộ đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh đã đủ điều kiện để tiến hành một kỳ thi “2 trong 1”. “Những phương án mà chúng ta đang thảo luận đã được chuẩn bị và triển khai từng bước, từ năm 2011 đến bây giờ. Các phương án này trước khi công bố đã được xin ý kiến rộng rãi cũng đã được nghiên cứu công phu, lấy ý kiến không chỉ trong nội bộ khối phổ thông, đại học, các cán bộ quản lý, thầy cô giáo trong toàn ngành…” - Bộ trưởng cho biết 

Tính đến những đối tượng phải “chịu đựng” các kỳ thi là yêu cầu của các chuyên gia giáo dục trước sự đổi mới được cho là đột phá này của ngành Giáo dục. Để trả lời đề nghị này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT khẳng định, nếu Bộ GD-ĐT không tính đến yếu tố hơn 1 triệu thí sinh dự thi hàng năm trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thì chắc chắn đổi mới sẽ thất bại. Phương án nào cũng phải có tính khả thi, thực tiễn rất cao, phù hợp với điều kiện dạy và học nhà trường hiện nay. Lý giải vì sao là chọn thay đổi thi cử trước khi triển khai đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, ông Mai Văn Trinh cho biết, với những học sinh đang học theo chương trình và sách giáo khoa cũ, các em có quyền được thụ hưởng những tinh túy mà ngành Giáo dục đang cố gắng đạt tới theo tinh thần Nghị quyết 29 đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. “Các em không thể đứng ngoài cuộc. Những gì đang làm là việc đưa dần cho học sinh những thụ hưởng tốt đẹp trong quá trình hoàn thiện, ổn định” - ông Trinh khẳng định. 

Cơ hội tự chủ để đột phá ở giáo dục đại học

Được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá là điểm cốt tử của giáo dục đại học, các trường ĐH, CĐ năm học này có cơ hội lớn để đem lại những đột phá trong đào tạo qua việc giao quyền tự chủ tuyển sinh và mở rộng sang tự chủ toàn phần. Bàn về vấn đề tự chủ, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ trong nước được khẳng định trong Luật Giáo dục Đại học năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa tạo bước ngoặt tạo ra đột phá, bởi bên cạnh đó, các trường vẫn bị “phanh” lại ít nhiều. Nhà nước vẫn đóng vai trò kiểm soát nhiều và những yếu tố bên ngoài nhà trường vẫn đóng vai trò quá quan trọng. Thực tế cũng phải thừa nhận nhiều trường ĐH chưa đủ năng lực và sự sẵn sàng cho tự chủ này. Một hình ảnh thú vị được GS Nguyễn Minh Thuyết đưa ra so sánh: “Cứ thử hình dung xem, một đội bóng hàng đầu thế giới như Manchester United nếu không được tự quyết định việc thuê huấn luyện viên, mua cầu thủ và trả lương cho những người này mà phải chờ quyết định từ Chính phủ hay Liên đoàn Bóng đá Anh thì chắc chắn nó sẽ xuống hạng ngay lập tức sau một mùa bóng. Muốn đào tạo ĐH có chất lượng thì phải trao quyền tự chủ cho các trường ĐH”.

Trước yêu cầu thực tế này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Tôi cho rằng tự chủ là điểm rất cốt tử của giáo dục ĐH, CĐ. Chúng ta có thể làm được và chúng ta phải làm”. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT phải sớm đưa ra Chính phủ xem xét giao quyền tự chủ cho các trường về nhân sự, tài chính, chương trình đào tạo trên tinh thần động viên, tạo điều kiện cho những trường mạnh dạn tham gia tự chủ tiến tới dần dần toàn hệ thống trường công phải tự chủ.

Không nói suông, ngay thời điểm bước vào năm học mới, Bộ GD-ĐT đã trao quyền tự chủ cho các trường khi đề nghị các trường sớm công khai phương án tuyển sinh riêng của mình cho kỳ tuyển sinh 2015. Chia sẻ thông tin về những đổi mới về đào tạo, tuyển sinh của trường mình trong năm tới, ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Hà Nội cho biết, trường ĐH Hà Nội không chỉ đề xuất phương án tuyển sinh riêng mà sẽ có đề án tự chủ toàn phần từ tài chính, mở ngành, xác định chỉ tiêu đến cấp văn bằng, chứng chỉ. “Chúng tôi đã được giao tự chủ tài chính từ năm 2006 nhưng đó mới chỉ gần như gắn mác trong khi thực tế lại chịu sự quản lý nhiều mặt. Tự chủ toàn phần sẽ giúp trường có những đổi mới thiết thực về chất lượng đào tạo” - ông Lê Quốc Hạnh khẳng định.