Chậm đưa ra hướng dẫn, nhiều trường lạm dụng dạy thêm- học thêm?

ANTĐ - Khảo sát 4 quận huyện tại Hà Nội, đoàn giám sát của HĐND thành phố đã phản ánh về tình trạng trăm hoa đua nở của giáo viên, khi mà Hà Nội vẫn đang chờ hướng dẫn về quản lý, thu chi dạy thêm học thêm.

 Dạy tiếng Anh tiểu học - mỗi trường thu một mức
Dạy tiếng Anh tiểu học - mỗi trường thu một mức

Trăm kiểu thu tiền

Thực hiện khảo sát tại 29 trường học thuộc 4 quận huyện nội và ngoại thành Hà Nội, điều được bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố phản ánh với cơ quan quản lý ngành giáo dục, là tình trạng thu tiền học quá khác nhau ở các trường. “Có trường tổ chức dạy 1 buổi/ngày và buổi hai là dạy thêm; có trường không đủ cơ sở vật chất phải dạy học hai ca thì thuê địa điểm dạy thêm ở ngoài nhà trường; có trường trông giữ trẻ trong nhà trường ngoài giờ học; có trường trông giữ trẻ buổi thứ 2 ngoài nhà trường...” – bà Thùy nêu ví dụ từ thực tế giám sát. Dĩ nhiên, các hoạt động này đều phải thu tiền từ phía phụ huynh với nhiều mức khác nhau.

Đáng chú ý, đoàn giám sát cho rằng phần lớn các cơ sở dạy thêm đều chưa làm được theo quy định, đó là phân loại học lực của học sinh để giảng dạy, và công tác kiểm tra, quản lý không thể kiểm soát nổi nội dung giảng dạy của giáo viên có đạt chất lượng không dù đều đã cấp phép hoạt động…

Đó là chưa kể tới những loại hình khác, tuy không gọi là dạy thêm nhưng cũng là đưa thêm vào nhà trường và thu tiền của phụ huynh, gồm các hoạt động học tăng cường tiếng Anh, tiếng Anh tự chọn, tổ chức luyện chữ đẹp, bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động ngoại khóa…

Giải thích về việc này, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT cho biết, hiện tại Hà Nội thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT, các trường tiểu học tuyệt đối không dạy thêm. Tuy nhiên, ông Tiến cũng thừa nhận có việc trông trẻ tại nhà dân và thu tiền của học sinh ở bậc học này. “Đây là những trường không có điều kiện học 2 buổi/ngày và giáo viên phải thuê nhà dân để trông trẻ buổi thứ hai. Phụ huynh bắt buộc phải đóng góp để chi cho việc thuê phòng học, nghỉ bán trú, bồi dưỡng giáo viên…” – ông Tiến cho biết. Cụ thể, trường tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, do vẫn phải chung cơ sở vật chất với trường THCS, có 100% lớp bán trú ngoài nhà trường nhưng chỉ có khoảng 60% học sinh theo học, số còn lại chỉ học 1 buổi/ngày rồi về nhà. Sở dĩ có hình thức này là vì với học sinh tiểu học, nhiều gia đình không có điều kiện trông con trong giờ làm hành chính, nên giáo viên được yêu cầu tổ chức các lớp trông giữ trẻ này chứ không phải bắt buộc.

"Thời khóa biểu của tớ kín hết rồi"

Ngược lại với việc thiếu chỗ học 2 buổi/ngày ở tiểu học, thì bậc THCS lại khiến các thành viên đoàn giám sát băn khoăn khi nhiều trường có đủ điều kiện tổ chức học 2 buổi/ngày, nhưng vẫn biến buổi thứ 2 thành buổi học thêm. Bà Nguyễn Thị Thùy nhấn mạnh: “Sở GD-ĐT cần xem lại nên theo mô hình nào thì ưu việt hơn thì đưa ra để các trường đi theo. Không nên để nhiều mô hình dẫn tới tình trạng hoạt động theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, nhìn bề ngoài thì vẫn tưởng như trường đó tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh nhưng thực chất thì lại là học thêm để có thể thu mức học phí cao hơn nhiều”.

Nói về việc thanh kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm, ông Hoàng Cơ Chính, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT cho rằng, có thể xếp thành 2 mô hình dạy thêm trong trường và ngoài nhà trường đối với những kiểu dạng nói trên. “Nhà trường tổ chức dạy thêm học thêm trong trường thì tương đối ổn. Vấn đề đáng nói là dạy thêm học thêm bên ngoài nhà trường. Để kiểm soát được, phía ngành cần  có cơ chế phối hợp giữa nhà trường và chính quyền địa phương trong quản lý, thanh tra. Thanh tra chúng tôi muốn làm được thì phải có chính quyền địa phương” – ông Chính nêu ra khó khăn.

Thu thỏa thuận, mức nào phụ huynh cũng phải chịu

Hiện tại, với Hà Nội, mức thu và sử dụng tiền học phí học thêm trong nhà trường chỉ căn cứ vào việc xây dựng dự toán thu-chi, đưa việc quản lý kinh phí dạy thêm học thêm, vào hệ thống quản lý sổ sách của nhà trường, mức chi cho giáo viên trực tiếp dạy, chi cho quản lý cũng chỉ thông qua quy chế chi tiêu nội bộ và hội đồng nhà trường. Còn mức thu tại các cơ sở ngoài nhà trường, thì hoàn toàn không giống nhau và trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh.

Đánh giá về tình trạng dạy thêm học thêm ở Hà Nội, bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ: “Vẫn còn có một bộ phận giáo viên tổ chức dạy thêm học thêm, không xuất phát từ nhu cầu người học. Cá biệt có biểu hiện ép buộc học sinh phải học thêm”. Bên cạnh đó, bà Nga cũng cho rằng việc thoải thuận với phụ huynh và học sinh về mức thu phí còn có hiện tượng thu cao dẫn đến khó khăn cho gia đình có con đi học. 

Theo bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố, điều này cần phải được rà soát và có hướng dẫn của thành phố, khi mà cùng chi cho việc dạy tiếng Anh trong trường cho bậc tiểu học, có nơi thu mỗi học sinh 10.000 đồng/tháng vẫn dạy tốt, nhưng đa số thì thu 100.000-110.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, khi nêu về mức thu dạy thêm học thêm, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, theo Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT quy định về quản lý dạy thêm học thêm thì có yêu cầu địa phương có hướng dẫn quy định về việc thu- chi  chứ không yêu cầu phải đưa ra mức trần. Các địa phương khác đã có hướng dẫn về dạy thêm học thêm nhưng đều không đưa ra mức trần. “Mức thu chúng tôi cho rằng nên thỏa thuận. Chúng tôi đã tổ chức hội thảo cả với các Sở Tài chính, Sở Tư pháp, các bên đều thống nhất quan điểm này”- ông Quang cho biết.

Bà Nga cũng cho rằng, có những giáo viên giỏi, mời hàng triệu đồng/tiết người ta cũng chưa muốn nhận. Bây giờ lại bắt bằng nhau hết thì khó thực hiện vì phụ huynh có điều kiện kinh tế muốn mời giáo viên đó dạy, sẵn sàng đóng học phí cao hơn thì quy định mức trần sẽ không khả thi.