Các chuyên gia giáo dục lắc đầu kêu... đắt (!?)

ANTĐ - “Không tưởng tượng được số tiền Bộ GD-ĐT đề xuất lớn đến vậy” là ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục khi được biết về chi phí cho Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) phổ thông sau năm 2015. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT tỏ ra lo ngại sẽ lãng phí số tiền hơn 34 nghìn tỷ đồng khi hệ thống giáo dục sau vài năm lại thay đổi.

Đầu tư nhiều vào đổi mới chương trình, sách giáo khoa nhưng giá trị có lâu dài?

Đóng góp ý kiến nhưng không biết mức chi

Sở dĩ các chuyên gia giáo dục đều lắc đầu kêu đắt với số kinh phí Bộ GD-ĐT đề xuất cho Đề án đổi mới CT, SGK hơn 34 nghìn tỷ đồng là vì bản thân họ khi được tham vấn cho dự thảo đề án này đều nhiệt tình góp ý nhưng lại không hề biết số tiền phải chi phí cho đề án là bao nhiêu. “Nếu chỉ để biên soạn chương trình và một bộ SGK phổ thông, tôi đã từng nói ở nhiều hội nghị, số tiền này chỉ cần 100 tỷ đồng”- GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết.

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định, nếu thực hiện Đề án đổi mới CT, SGK tiêu đến hơn 34 nghìn tỷ đồng là quá đắt. GS.TS Phạm Tất Dong chia sẻ: “Ngày xưa, tôi làm ở Viện Giáo dục, tham gia làm chương trình viết SGK đâu cần có tỷ nào mà vẫn làm được. Tôi thấy con số tiền này đưa ra không chấp nhận được”. Cùng chung quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ tính ra số tiền đầu tư cho đề án quy đổi ra gần 1,7 tỷ USD, trong khi một năm một “cường quốc” xuất khẩu gạo như Việt Nam cũng chỉ thu được 3 tỷ USD. “Tôi không tán thành đề xuất này. Đây là tiền chúng ta phải đi vay, số tiền đó quá lớn, không thể tưởng tượng được cho một Đề án của đổi mới CT, SGK trong khi còn rất nhiều vấn đề khác cần được đầu tư thì mới có thể thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết.

Tốn kém nhưng giá trị không lâu dài?

Với phần trả lời của ông Đỗ Ngọc Thống, thường trực Ban soạn thảo CT, SGK, hơn 34 nghìn tỷ đồng này chưa thể nêu cụ thể vào từng việc mà mới chỉ khái toán (như đã đăng trên Báo ANTĐ ngày 15-4), GS.VS Phạm Minh Hạc cho rằng: “Đến giờ Bộ GD-ĐT vẫn không nói rõ con số hơn 34 nghìn tỷ đồng thực hiện những việc gì? Nếu liệt kê hết ra cần bao nhiêu bộ sách mới, đào tạo bao nhiêu giáo viên..., nếu tính cả phòng học, cơ sở vật chất, nhà trường thì số tiền sẽ vô cùng lớn. Con số hơn 34 nghìn tỷ nhiều hay ít cần phải có chuyên gia về kinh tế học tính toán cẩn thận”.

Điều đáng quan tâm, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ là bên cạnh con số khổng lồ 34 nghìn tỷ đồng thì vấn đề đằng sau là đổi mới này có lại rơi vào lãng phí hay không khi mà Bộ GD-ĐT khẳng định đổi mới trong tình thế trước mắt vẫn giữ nguyên cấu trúc hệ thống giáo dục hiện nay. “Trước mắt có nghĩa là bao lâu? Bao lâu nữa thì hệ thống giáo dục của chúng ta sẽ thay đổi khi mà nhiều chuyên gia đã chỉ rõ sự bất hợp lý trong phân luồng của hệ thống giáo dục nước ta. Nếu chỉ kéo dài vài năm rồi thay đổi cả hệ thống giáo dục thì hàng nghìn tỷ đầu tư cho đổi mới CT, SGK thành ra bỏ đi hay sao?” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đặt câu hỏi.

Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nếu đã xác định là phải tăng cường phân luồng, định hướng học nghề song song với phổ thông thì CT, SGK sẽ phải thay đổi theo. Vậy thì có nên thay đổi toàn bộ SGK vào thời điểm này thay vì thấy rõ những điểm yếu, khắc phục, bổ sung SGK hiện nay? Ngoài ra, trong thời kỳ hội nhập, Việt Nam không thể không thừa hưởng những ưu việt giáo dục các nước tiên tiến. “Vậy, vì sao không sử dụng những môn khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý quốc tế do các nước tiên tiến biên soạn để Việt Nam hóa thay vì viết lại toàn bộ? Biết cách làm thì sẽ đỡ tốn kém hơn nhiều” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chỉ rõ.

Các chuyên gia giáo dục lắc đầu kêu... đắt (!?) ảnh 2

“Vì sao không sử dụng những môn khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý quốc tế do các nước tiên tiến biên soạn để Việt Nam hóa thay vì viết lại toàn bộ? Biết cách làm thì sẽ đỡ tốn kém hơn nhiều”. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ