Về làng Chanh nghe tom chát

(ANTĐ) - Tháng Giêng dài trong dòng người trẩy hội mùa Xuân, tôi ghé làng Chanh Thôn thuộc tổng Vạn Điểm xưa nay là xã Văn Nhân huyện Phú Xuyên,  Hà Nội để được sống cùng không khí của mùa xuân ở cái làng mộc có nghề tom chát - ca trù. Chao ôi! Cái mưa xuân như níu kéo bước chân lãng du hay cái “ứ hự” của thôn nữ trong tiếng sênh phách làm ta khó lòng dứt bước…

Về làng Chanh nghe tom chát

(ANTĐ) - Tháng Giêng dài trong dòng người trẩy hội mùa Xuân, tôi ghé làng Chanh Thôn thuộc tổng Vạn Điểm xưa nay là xã Văn Nhân huyện Phú Xuyên,  Hà Nội để được sống cùng không khí của mùa xuân ở cái làng mộc có nghề tom chát - ca trù. Chao ôi! Cái mưa xuân như níu kéo bước chân lãng du hay cái “ứ hự” của thôn nữ trong tiếng sênh phách làm ta khó lòng dứt bước…

Mái đình Chanh Thôn mấy trăm năm còn đây cổ kính và cổ kính hơn khi mé đình là cái chợ nhỏ mấy hàng rau dưa, hàng xén của người làng... Cạnh cửa đình bà hàng xén ngồi thu lu trong cái quán nhỏ kê chiếc chõng tre trên rặt mấy thứ thuốc lào, kẹo bột... Bà hàng xén không ai khác là nghệ nhân dân gian Việt Nam Nguyễn Thị Vượn. Bà Vượn bảo: “Tôi tám tư rồi, cô em họ tôi là bà Khướu nay cũng ngót nghét tám ba. Chả biết tắt lúc nào. Mừng là vì thấy Nhà nước quan tâm phục hồi vốn cổ nghệ thuật ca trù. Làng lại lập câu lạc bộ rồi mở lớp dạy ca trù...”.

Bà Vượn kể: Bà Cần trên Sở Văn hóa, ông Tô Ngọc Thanh ở Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam về cùng anh Xuân Diện đi tìm nghệ nhân ca trù. Còn được mỗi ba người. Họ phong cho nghệ nhân dân gian, hứa tặng thẻ bảo hiểm... Nhưng mãi chả thấy. Không biết có được thấy không...  

Ông Tô Ngọc Thanh được người làng tôn vinh là người cứu ca trù Chanh Thôn. Không? Ông ấy muốn cứu cả cái nghệ thuật tom chát vốn là nghề hát mang tính bác học nơi cung đình chẳng may mai một mà may mắn còn phiêu lạc về đây duy chỉ còn ba nghệ nhân đích thực. Những cô đầu thời trước mà ca trù còn có phúc lớn được phục sinh bây giờ còn đúng ba người.

Ông Thanh làm “dự án” cho ca trù Chanh Thôn. Nghe ra có vẻ có “hơi” tiền nhưng không phải. Vì đấy là cái dự án văn hóa không mấy tiền, được tài trợ chưa đầy bảy chục triệu từ hảo tâm của một người yêu nghệ thuật dân tộc. Làng Chảy chỉ còn mỗi ba cụ già trên bát thập còn biết nghề ả đào. Hai đào già là bà Nguyễn Thị Vượn, và Nguyễn Thị Khướu, còn kép đàn duy nhất là ông Nguyễn Văn Khoái. Hai đào nương lẫy lừng ngày xưa bây giờ đã ngoại bát tuần, còn anh kép đàn ấy xấp xỉ tuổi đào nương lại mù lòa, nhưng tiếng đàn vẫn còn ngọt lắm…

Phát hiện ấy của bà Đỗ Thúy Cần ở Trung tâm văn hóa tỉnh Hà Tây cũ trong một lần đi điền dã khảo sát đời sống văn hóa quần chúng tại Chanh Thôn. Phát hiện ấy được báo cáo lên Sở VH-TT Hà Tây (cũ), Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Và rồi có một ngày giữa năm 2008 Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã về làng Chảy cùng chính quyền xã Văn Nhân với sự bảo trợ của Trung tâm trao đổi giáo dục với Việt Nam lập ra quỹ bảo tồn nghệ thuật ca trù tại đây.

Mừng hơn chỉ vài tháng nay đã có hàng trăm thiếu niên làng Chảy mê mải học hát. Ca nương đến với lớp học có người lên lão, có em gái vừa mới lên mười. Nhà thờ Tổ nghề ca kỹ của làng không còn đủ chỗ cho lớp học, phải dời sang đình làng. Nơi đây lại bắt đầu rộn tiếng sênh phách ứ hự từng đêm. Lửa thì mới nhen nhưng đã le lói tia hy vọng ngày mai sẽ ấm lại một nghệ thuật tom chát để làng Chanh Thôn xứng đáng niềm tự hào xưa có những đào nương từng vô Huế hát trong cung triều Nguyễn.

Bà Khướu bồi hồi nhớ lại thuở hoa niên. Ngày ấy mới lên 10, chúng tôi đã bắt đầu đến với ca trù nhờ sự kèm cặp của các nghệ nhân. Vừa lúc tuổi thiếu nữ đã có thể hát hay, thành những đào nương mà giọng ca làm mê đắm bao người tao nhân mặc khách. Người Chanh Thôn từng có đào nương được triều đình Huế mời vào hát phục vụ vua chúa quần thần.

Ca trù Chanh Thôn ra đời từ đầu thế kỷ XX, khi ông kép Đính là một nho sĩ  về đây lập nghiệp. Là anh kép tài ba của một giáo phường lớn, ông Đính đã đưa nghệ thuật đàn hát ả đào - ca trù vào đất Chanh Thôn với việc truyền nghề cho cháu con và người thân thích trong làng. Chanh Thôn từng có lúc có đến vài ba chục ca nương. Cuối những năm 30 của thế kỷ trước, làng Chanh Thôn đã từng mở nhiều ca quán tại Bắc bộ.

Nhưng thịnh suy vốn là lẽ đời. Một thời đất nước giặc giã chiến tranh, người Chanh Thôn tạm gác lại chuyện đàn ca để lo góp sức góp công cùng kháng chiến, kiến quốc. Bà Vượn, bà Khướu, ông Khoái cất vào lòng những làn điệu ca trù ứ hự, những trống phách tom chát, treo cái đàn đáy lên buồng bếp, bỏ lại những day dứt kiếp cầm ca để vào du kích diệt đồn đánh địch… Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện từng về Chanh Thôn để thẩm định nhóm nghệ nhân độc nhất vô nhị này đã khẳng định họ là những nghệ nhân ca trù đích thực, là những báu vật sống của nghệ thuật dân tộc.

Tiếng đàn nền nã, lề lối ấy của anh Kép mù Nguyễn Văn Khoái cùng với tiếng ca mang hơi hướng nhà nghề vừa mang vẻ đẹp khuôn phép vừa sáng tạo theo cảm hứng nghệ sĩ khiến các nhà học giả sửng sốt thán phục, dù nhiều năm quên hát, chỉ những lúc quá lưu luyến với nghề cầm ca mới thầm hát cho nhau nghe mà lòng thì không nguôi nhớ tiếc… Bây giờ đi qua bao làng quê một thời là đất ca trù ta chỉ mang niềm hoài niệm khi đốt nén hương trầm ấy mà nhớ người so tơ thuở trước. Chỉ còn vài ba đền miếu thờ tổ ả đào mà thôi, khi đào kép đã thành người muôn năm cũ tự bao giờ…

Cuộc phục sinh của ca trù Canh Thôn bắt đầu từ việc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận địa chỉ văn hóa Chanh Thôn và phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho ba cụ đào kép làng. Nhiều lớp học truyền dạy ca trù Chanh Thôn được mở mà giáo viên chính là các lão nghệ nhân.

Nhìn những ca nương bé nhỏ nhiệt thành học hát, những chàng trai Chanh Thôn học đàn, ta hiểu sức sống nghệ thuật ca trù vẫn còn mãnh liệt lắm một khi lửa dân gian đã được nhen nhóm lại… Tạm biệt cái làng cổ nép bên đê sông Hồng cách thành phố Hà Nội gần bốn mươi cây số ấy, khi bỏ lại sau lưng tiếng trống phách và cái “ứ hự” say lòng của muôn thuở nghệ thuật ca trù, tự nhiên tôi bống thấy ấm lòng...

 Tân Linh