Trùng tu di tích: Sẽ có quy trình... chuẩn

(ANTĐ) - Trước thực trạng “làm mới”, “trẻ hóa” di tích, làm sai lệch lịch sử cũng như làm mất đi giá trị gốc của di tích do những người thực hiện việc tu bổ không có trình độ chuyên môn về bảo tồn di tích đang diễn ra khá phổ biến. Viện Bảo tồn di tích đã trình Bộ VH-TT&DL Đề án Đào tạo nhân lực ngành bảo tồn di tích và đề xuất một quy trình “chuẩn” trong việc tu bổ các di tích kiến trúc gỗ.

Trùng tu di tích: Sẽ có quy trình... chuẩn

(ANTĐ) - Trước thực trạng “làm mới”, “trẻ hóa” di tích, làm sai lệch lịch sử cũng như làm mất đi giá trị gốc của di tích do những người thực hiện việc tu bổ không có trình độ chuyên môn về bảo tồn di tích đang diễn ra khá phổ biến. Viện Bảo tồn di tích đã trình Bộ VH-TT&DL Đề án Đào tạo nhân lực ngành bảo tồn di tích và đề xuất một quy trình “chuẩn” trong việc tu bổ các di tích kiến trúc gỗ.

Tu bổ di tích: “trắng” đào tạo

Từ trước tới nay, mỗi khi có một di tích nào đó bị “trẻ hóa” sau trùng tu, người ta thường tìm ra rất nhiều nguyên nhân để lý giải, và rốt cuộc cái lý do xưa cũ được đưa ra “không đúng quy trình”. Nhưng thực tế cũng cho thấy, có nhiều di tích tu bổ đúng quy trình hẳn hoi nhưng vẫn cho ra những sản phẩm... khác xa với di tích gốc. Theo lý giải của một số nhà nghiên cứu điều này một phần xuất phát từ việc đào tạo. Chúng ta đang sở hữu hàng vạn di tích quý giá, nhưng lại bói không ra một khoa, một trường đào tạo chuyên ngành này.

Duy nhất, chỉ có Khoa Bảo tàng của trường Đại học Văn hóa là có một vài môn học liên quan đến bảo tồn di tích. Nhưng ngặt nỗi, bảo tồn di tích là một môn khoa học mang tính đa ngành, nó bao gồm cả lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, xây dựng và mỹ thuật, trong khi học sinh được tuyển vào khoa này là thi khối C, không được học về khoa học kỹ thuật. Vì thế khi ra trường chỉ có thể tham gia nghiên cứu hoặc bảo quản chứ không thể là lực lượng thực thi công việc bảo tồn.

Hiện nay, việc đào tạo mới chỉ dừng lại ở một số đợt bồi dưỡng kiến thức ngắn ngày cho các cán bộ Bảo tàng, Ban Quản lý di tích. Hiếm hoi lắm trong một số các chương trình hợp tác, Cục Di sản Văn hóa tổ chức một số lớp tập huấn thời gian vài ngày đến một tuần. Nội dung của các chương trình này cũng chỉ là dạng bồi dưỡng kiến thức chứ không theo một giáo trình cơ bản chuyên ngành.

Những mảng chạm trên nóc đình Chu Quyến đều được giữ nguyên sau khi tu bổ
 Những mảng chạm trên nóc đình Chu Quyến
đều được giữ nguyên sau khi tu bổ

Đề xuất giải pháp cấp bách

Và để “xóa trắng” trong việc đào tạo nhân lực cho bảo tồn di tích, Theo KTS Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cần phải hình thành một chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện, chuẩn mực và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Theo đề xuất của Đề án đào tạo nhân lực trong ngành Bảo tồn di tích mà Viện Bảo tồn di tích vừa trình Bộ VH-TT&DL, cần phải bổ sung những kiến thức cơ bản, kỹ năng còn thiếu hụt cho tất cả các lực lượng đang làm công tác bảo tồn di tích.

Về lâu dài, cần đào tạo và bổ sung nhân lực thực thi công tác bảo tồn di tích cho một số địa phương có nhiều di tích như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Huế, Quảng Nam và cần nhất là thành lập một chuyên ngành đào tạo về bảo tồn di tích tại một số trường đại học... Không chỉ tập trung đào tạo các cán bộ quản lý, theo KTS  Lê Thành Vinh cần phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ công nhân xây dựng cùng đội ngũ thợ truyền thống ở các địa phương. 

Lấy đình Chu Quyến để xây “chuẩn”

Song song với việc đề ra một chương trình đào tạo đội ngũ quản lý và thi công, hơn 2 năm nay, Viện Bảo tồn di tích đã thực hiện việc tu bổ tôn tạo đình Chu Quyến - Ba Vì - Hà Nội theo một quy trình mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Đây được coi là một trong những công trình “mẫu” để dựa vào đó xây dựng một chuẩn mực mới cho việc tu bổ di tích.

Trước khi bắt tay vào hạ giải, mọi dữ liệu, cấu kiện của di tích đều được lưu giữ đầy đủ bằng hình ảnh, bản vẽ, số liệu... Tất cả các cấu kiện gỗ, những hoa văn, mảng chạm, đầu đao... đều được vá lại rất chi tiết vì thế hầu như không có sự thay mới. Sau hơn 2 năm tiến hành trùng tu, khối lượng công việc của đình Chu Quyến đã xong tới 98%. Tổng kinh phí dự toán của việc tu bổ lại đình Chu Quyến chỉ xấp xỉ 20 tỷ đồng, trong đó, kinh phí phần lớn tập trung chi cho “chất xám” của người tham gia thi công, bởi ít phải thay mới nên tiêu hao vật tư ít hơn so với thay mới.

KTS Lê Thành Vinh cho biết, tất cả những tài liệu ghi chép và đánh giá qua việc tu bổ đình Chu Quyến sẽ được Viện tiếp tục nghiên cứu để từ đó xây dựng một quy trình cụ thể và chi tiết cho tu bổ di tích. Khi quy trình này được Bộ VH-TT&DL phê duyệt và ban hành, các công trình tu bổ di tích gỗ sau này đều có thể dựa vào đó để thực hiện từng bước một.

Nếu việc xây dựng quy trình chuẩn cho việc trùng tu diễn ra theo đúng những gì đang được cả cộng đồng mong muốn, chắc chắn khi áp dụng vào thực tế tình trạng “trẻ hóa” di tích sẽ được loại bỏ. Nói như KTS Lê Thành Vinh nó cũng sẽ tránh được nạn “ép tiến độ” bởi nếu áp dụng theo đúng chuẩn mực này thì khâu cẩn trọng, tỉ mỉ phải được đặt lên hàng đầu. Và như thế chúng ta mới có thể gìn giữ được những di sản mà cha ông ta bao đời nay để lại.

Quỳnh Vân