Thú chơi của tao nhân mặc khách

(ANTĐ) - Trong tâm thức của người Việt, năm mới cũng là một trang mới, một sự khởi đầu mới. Những cái mới ấy không phải thứ xa lạ với cuộc sống hàng ngày mà thực ra nó đã có một truyền thống lâu đời, chỉ đợi sớm xuân này được ta khơi mở bằng một cảm hứng mới. Người xưa đã gửi gắm điều đó vào lễ khai bút đầu xuân và lưu truyền đến hôm nay.

KHAI BÚT ĐẦU XUÂN:

Thú chơi của tao nhân mặc khách

(ANTĐ) - Trong tâm thức của người Việt, năm mới cũng là một trang mới, một sự khởi đầu mới. Những cái mới ấy không phải thứ xa lạ với cuộc sống hàng ngày mà thực ra nó đã có một truyền thống lâu đời, chỉ đợi sớm xuân này được ta khơi mở bằng một cảm hứng mới. Người xưa đã gửi gắm điều đó vào lễ khai bút đầu xuân và lưu truyền đến hôm nay.

Niềm vui xin chữ đầu xuân - ảnh: phú khánh 
Niềm vui xin chữ đầu xuân - ảnh: phú khánh 

Tuy cùng một tên gọi nhưng với mỗi người lại có một cách thức khai bút khác nhau. Với những thi nhân, thầy đồ, hay những cậu học trò thì khai bút bằng chữ nghĩa. Quan lại khai ấn, những người theo võ học khai kiếm. Nhưng trong đó, có lẽ lễ khai bút của những bậc tao nhân mặc khách là thi vị và ý nghĩa nhất.

Việc chuẩn bị đồ dùng cho nghi lễ này cũng rất cầu kì và cẩn trọng. Nào là các loại mực Tàu thơm như Diêu Tư hay Hoàng Tam Xương, đến những cây bút có tên nổi tiếng như Đại Kinh Thủy, Lan Trúc, Nhất Chi, Ô Long… Chưa hết, còn phải kén giấy hoa tiên, nghiên mực làm từ đá xứ Thanh, đá Ngũ Hành Sơn… Và đương nhiên, không thể thiếu làn khói trầm nghi ngút thanh tao. Nhà văn Nguyễn Công Hoan từng tả về nơi khai bút của một ông quan huyện thời trước như thế này:

“Giữa công đường, bày một cái sập, trên sập trải chiếu cạp điều, phủ thêm khăn gấm thất thể. Mé ngoài mặt sập, bày một đỉnh trầm và đôi đèn cao sáp ong; mé trong bộ tam sự, lọ sứ cắm cây chuối có gài vài bông hoa giấy đỏ. Đối với lộc bình là một tấm gương mờ đặt trên giá gỗ...”  

(Thanh đạm - Nguyễn Công Hoan)

Chữ nghĩa được người viết thổi hồn thành những câu đối, những bài thơ tứ tuyệt (Là văn sĩ lẽ nào không khai bút?/ Chẳng hay ho cũng nắn nót một bài - Tú Mỡ). Cũng có khi nội dung của nó chỉ mang ý nghĩa tượng trưng đánh dấu thời điểm khai bút với những chữ ngày, tháng hay những câu như: Khai bút đại cát hay Tân xuân đại cát…

Nhắc đến những dịp đầu xuân khai bút của các nhà Nho trong quá khứ trước tiên phải kể đến bài “Tết dán câu đối” nổi tiếng của Tú Xương. Bài thơ thể hiện những tâm sự thầm kín về thời cuộc và cảm hứng tự trào được gửi gắm trong cuộc đối đáp với “bà Tú”. Hóm hỉnh và sâu cay:

“Nhập thế cục bất khả vô văn tự”

Chẳng hay ho cũng phải dự một vài.

Huống chi đã đỗ Tú tài,

Ngày tết đến cũng phải một, hai câu đối.

Đối rằng: 

“Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài,

Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt.”

Viết vào giấy, dán ngay lên cột,

Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay ?

Rằng: “Hay thì thật là hay,

Chẳng hay sao lại đỗ ngay Tú tài ?

Xưa nay em vẫn chịu ngài ! ”

(Tết dán câu đối - Tú Xương)

Thời hiện đại, nhà thơ trào phúng Tú Mỡ - kẻ hậu sinh khâm phục tài năng và cốt cách Tú Xương - cũng tự làm “giông” năm mới của mình bằng một bài thơ khai bút như thế này:

Bắt chước cụ Tú Xương thuở trước,

Hỏi mợ Tú rằng nghe được hay chăng?

Bĩu môi, mẹ đĩ chê rằng:

“Nôm na mách qué, nhố nhăng nực cười !”

Đầu năm đã bị rông rồi,

Hẳn là văn viết ngược đời quanh năm!

Chẳng biết cái sự “ngược” lại với thời cuộc để tố cáo và phê phán xã hội thực dân phong kiến đó có làm nhà thơ bị “giông” cả năm ấy không nhưng ông đã để lại cho chúng ta những sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán nức tiếng còn được người đọc ghi nhớ đến hôm nay.

Mùa xuân, không chỉ là thời khắc đất trời chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, là khi cây lá đâm chồi nảy lộc mà còn gắn với những thời điểm lịch sử cụ thể, với vận mệnh của dân tộc, đến sự tồn vong của đất nước. Mùa xuân năm 1969, giữa lúc đất nước đang trong giai đoạn xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh chống Mỹ, ngụy giải phóng miền Nam thống nhất  nước nhà, Bác Hồ kính yêu đã khai bút bằng một bài thơ chúc tết đồng bào và chiến sĩ cả nước với những dòng lục bát mang không khí thời đại như thế:

"Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào.

Bắc -  Nam sum họp xuân nào vui hơn".

Bài thơ vừa tiếp nối được dòng mạch khai bút đầu xuân (ngắn gọn, hàm súc, giàu gợi mở), vừa thể hiện được những tâm sự mới của người cha già kính yêu đối với nhân dân Việt Nam trước thềm xuân mới. Những tâm sự này cũng thể hiện niềm tin rất lớn của Người vào tương lai cách mạng, vào sức mạnh quật khởi của dân tộc.

Có thể nói đã có rất nhiều bài thơ, câu đối, bức tranh… được ra đời trong không khí mùa xuân mới để giữ gìn một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp và làm giàu có hơn cho kho tàng nghệ thuật của đất nước ta.                                   

Bùi Việt Phương