Một người Việt trẻ… không cần tiền

(ANTĐ) - Thời buổi khủng hoảng kinh tế, người người phải cắt xén bớt các nhu cầu chi tiêu, trong đó sách đứng đầu bảng. Vậy mà lại có một người Việt trẻ từ chối nhận 100 triệu tiền chuyển ngữ để mong giảm giá thành sách, mở rộng đường cho sách đến với bạn đọc một cách dễ dàng hơn. Đó là trường hợp của dịch giả 7X Đào Bạch Liên - người dịch bộ tiểu thuyết võ hiệp đồ sộ “Côn Luân” của tác giả Phượng Ca (Trung Quốc).

Một người Việt trẻ… không cần tiền

(ANTĐ) - Thời buổi khủng hoảng kinh tế, người người phải cắt xén bớt các nhu cầu chi tiêu, trong đó sách đứng đầu bảng. Vậy mà lại có một người Việt trẻ từ chối nhận 100 triệu tiền chuyển ngữ để mong giảm giá thành sách, mở rộng đường cho sách đến với bạn đọc một cách dễ dàng hơn. Đó là trường hợp của dịch giả 7X Đào Bạch Liên - người dịch bộ tiểu thuyết võ hiệp đồ sộ “Côn Luân” của tác giả Phượng Ca (Trung Quốc).

Tính theo giá thành xuất bản hiện nay, giá bìa của trọn bộ phải là hơn 500.000 đồng. Và theo đó, tiền thù lao chuyển ngữ của Đào Bạch Liên sẽ vào khoảng hơn 100 triệu cho 2.000 bản in đầu tiên. Nhưng, bởi dịch giả từ chối số tiền nhuận bút này, nên giá thành sẽ giảm xuống còn 422.000 đồng. Sau hơn 1 tháng phát hành, “Côn Luân” đã được bạn đọc đón nhận nhiệt tình, và NXB Phụ nữ đang có kế hoạch nối bản tác phẩm này. Điều đó cũng khiến nhiều độc giả lo ngại, liệu giá thành cuốn sách có tăng lên? Đại diện phía NXB Phụ nữ cho biết: “Đào Bạch Liên không chỉ “chia sẻ” với độc giả ở 2.000 bộ sách trong lần in đầu tiên này, mà cả những lần tái bản sau. Và NXB Phụ nữ cũng đã thực hiện cam kết với dịch giả là dành toàn bộ số tiền nhuận bút để giảm giá thành bán lẻ bộ sách”.

Dịch giả trẻ Đào Bạch Liên
Dịch giả trẻ Đào Bạch Liên

Đào Bạch Liên vốn là người yêu văn chương, thích đọc sách và cũng từng gửi dự thi hết “Những cây bút nhỏ” của báo Nhi Đồng đến “Hương đầu mùa” của báo Hoa Học Trò, nhưng thất bại cả. Chị đọc kiếm hiệp từ hồi lớp 3, rồi dần dần “ghiền”. Bởi vậy, dịch sách là một cách thỏa mãn tình yêu văn chương trong chị theo một cách riêng.

Thời điểm “Tru Tiên” xuất hiện, nó là một cuốn tiểu thuyết tiên hiệp đầu tiên sau rất nhiều năm người nghiện dòng tiểu thuyết võ hiệp đắm đuối trong thế giới của “ỷ thiên đồ long ký”, “Thần điêu đại hiệp”… do Kim Dung và Cổ Long tạo nên. Bởi vậy, “Tru Tiên” đã có một vị trí xứng đáng trong suốt mấy năm qua. Song, “Côn Luân” ra đời chính là một món ăn mới, đánh thức khẩu vị đã bị bỏ quên sau khi no chán tiên hiệp. “Côn Luân” là một tác phẩm tân võ hiệp hoàn toàn theo hình thức cổ điển, nhưng lại được viết bởi một tác giả còn rất trẻ (Phượng Ca, sinh năm 1977), với một bút pháp hoàn toàn mới lạ, cùng với đó là một hệ thống nhân vật với tính cách, số phận phong phú, sắc nét rất hấp dẫn. Bên cạnh đó, một hệ thống võ học lần đầu tiên xuất hiện do Phượng Ca sáng tạo ra với đầy đủ sự tinh diệu, biến ảo không ngừng đã ngay lập tức thu hút một người đọc “sành sỏi” như Đào Bạch Liên. Chị quyết định tìm đến với nó, và dịch nó cũng như là một cách làm mới mình.

Tác giả Phượng Ca tên thật là Hướng Kỳ Cương, sinh năm 1977 tại Trùng Khánh (Trung Quốc) tốt nghiệp ĐH Tứ Xuyên, hiện làm Tổng biên tập Tạp chí Kim cổ Truyền kỳ - Võ hiệp. Phượng Ca viết “Côn Luân” trong vòng 3 năm, và in thành sách vào tháng 9 năm 2005. Tháng 11 năm 2006, tác phẩm được trao giải nhất cuộc thi Võ hiệp Kim cổ Truyền kỳ do Đại học Bắc Kinh tổ chức. Gần 90 chương truyện của “Côn Luân” lấy bối cảnh ở thời Nam Tống, xoay quanh cuộc đời và trải nghiệm của nhân vật chính mang tên Lương Tiêu. Không gian của tác phẩm rất rộng lớn, từ Giang Nam đến Tái Bắc, Thục Trung rồi quay về Tương Dương, mỗi một địa phương đều được Phượng Ca khắc khọa với đầy đủ những đặc điểm, phong vị nổi bật.

Khi tìm cách liên lạc để có thể chuyển ngữ “Côn Luân” sang tiếng Việt, Đào Bạch Liên được sự giúp đỡ nhiệt tình của đối tác phía Trung Quốc. Người đại diện thương mại của tác giả Phượng Ca rất vui mừng khi Đào Bạch Liên nêu ra ý định của mình, và cô ấy đã khoe rằng “Côn Luân” cũng đã được xuất bản tại Hàn Quốc. Trong quá trình dịch, những thắc mắc của Đào Bạch Liên đều được Jenny Wang và Vu Đồng (biên tập viên bản “Côn Luân” tiếng Trung) giải đáp nhiệt tình.

29 tháng trời đằng đẵng dịch cuốn sách là 29 tháng chị phải tra cứu, mày mò, tìm hiểu cho ra bản chất của mỗi vấn đề, đồng thời lại phải lựa chọn ngôn ngữ làm sao cho trong sáng, dễ hiểu nhưng không dễ dãi để người đọc chỉ lướt qua vài chữ cũng phải “vấp mắt”, chứ không coi thường dòng tiểu thuyết này. Một điều hay, cũng là điều vô cùng thách thức đối với chị, đó là Phượng Ca rất hay trích dẫn câu văn trong các sách nổi tiếng khác, ví dụ “Sử Ký”, “Đạo Đức Kinh”, “Hồng Lâu Mộng”… người Trung Quốc đọc đến là họ biết ngay nguồn ở đâu. Lúc đó chị tự bảo mình dịch thế nào thì dịch, để người Việt đọc đến cũng biết ngay câu này ở đâu ra.

Và giờ thì bạn đọc đã có thể cầm “Côn Luân” trên tay, vừa thưởng thức một tác phẩm đồ sộ “Ân oán cừu tình, thù nhà nợ nước cuộn trào từng con chữ, nhân vật có đến hàng trăm, tính cách diện mạo đều được miêu tả sống động vô chừng. Thắt mở dồn dập, dẫn dắt tài tình, xứng đáng là một tác phẩm kinh điển trên văn đàn tân võ hiệp” vừa được thưởng thức một văn phong “rất văn” của người dịch. Nhưng nếu một độc giả khó tính nào đó nói rằng chưa được hài lòng vì phần thi từ trong tác phẩm dịch chưa được “bay và hay” thì dịch giả Đào Bạch Liên cũng xin được cáo lỗi trước. Bởi, mặc dù đã tự mình dịch lấy tất cả thơ và từ trong “Côn Luân” mà không dùng bản dịch thơ của những người đi trước, nhưng kết quả chưa đạt tới tầm mong muốn, nên chị vẫn cấn cá trong lòng lắm.

Hương Giang