“Mộ gió” - Phim truyện đầu tiên về chủ đề biển đảo: Khơi dậy tình cảm thiêng liêng

ANTĐ - “Mộ gió” - bộ phim về chủ đề biển đảo của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vừa ra rạp sau thời gian vừa quay vừa dựng chưa đầy 1 tháng, với kinh phí vỏn vẹn 400 triệu đồng, không người đẹp, cũng chẳng có “ngôi sao” nào. Những thước phim chưa hẳn mang dáng dấp của một tác phẩm điện ảnh nhưng thực sự đã chạm tới cung bậc tình cảm đặc biệt thiêng liêng trong người xem, đó là lòng 
yêu nước.

Cảnh trong phim “Mộ gió”

Không hút khách bằng người nổi tiếng

Trước khi bắt tay vào thực hiện “Mộ gió”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể, lúc lựa chọn diễn viên, ông đều hỏi họ có sẵn sàng làm phim bằng lòng yêu nước không, bởi phải có lòng yêu nước, phải say nghề lắm mới có thể tham gia bộ phim này. Nói rõ ra, ông chỉ đủ kinh phí để trả “cát sê” vô cùng thấp cho họ. Rốt cuộc, vị đạo diễn “Ma làng” quyết định tuyển một đội ngũ diễn viên không gắn mác “ngôi sao” nhưng ông tự thấy là “chất”. “Chất” không chỉ ở diễn xuất mà còn ở chỗ họ rất ủng hộ, thậm chí còn tự nguyện đóng góp cả về công sức lẫn tiền bạc cho phim. Trong đó, phải kể đến Diễm Thơ - cô gái đảm nhiệm vai nữ chính. Không xinh đẹp, cũng không được xếp vào hàng “chân dài”, Diễm Thơ đơn giản chỉ là một diễn viên trẻ người Phan Thiết có gương mặt hài hòa và sự hiểu biết am tường về biển. Nhân vật mà cô hóa thân là một cô gái làng chài quanh năm chỉ biết gắn bó với cuộc sống ở làng quê ven biển. 

Nếu nói đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chọn Diễm Thơ vì không đủ kinh phí để trả cho người nổi tiếng thì kể cũng hơi… oan. Bởi từ xưa tới giờ, vị đạo diễn gạo cội này luôn nổi tiếng là cực kỳ tinh mắt trong việc chọn đúng người, trị đúng vai. Lần này cũng vậy, ông đã không nhầm khi giao vai nữ chính cho cô. Sự mộc mạc, chất phác, lối diễn xuất tự tin và tự nhiên của Diễm Thơ cùng vẻ ngoài mặn mòi đúng chất con gái miền biển đã ít nhiều thuyết phục người xem. Nhất là khi diễn xuất cùng cô trong phim là một nam diễn viên chuyên nghiệp - người mẫu Huỳnh Trường Thịnh. Đạo diễn Hữu Phần quả quyết ông chọn Trường Thịnh không phải vì anh đẹp trai hay nổi tiếng, mà đơn giản chỉ vì anh giỏi bơi lội và giỏi võ. Điều quan trọng là cặp đôi này đã diễn xuất khá ăn ý cùng nhau khi diễn tả câu chuyện tình trong sáng và lãng mạn của những người trẻ ở làng chài miền biển.

Chạm vào cảm xúc người xem

Phim mở đầu bằng tập tục đắp mộ gió trong đám tang ở một làng chài ven biển. Đắp những ngôi mộ không có hài cốt, chỉ là ụ đất nhỏ là cách mà người dân ở đây vẫn làm để táng những ngư dân và người bị nạn trên biển nhưng không tìm thấy xác. Cuối phim cũng là cảnh những đứa trẻ loanh quanh bắt chước người lớn làm mộ gió bởi đời nào cũng có người bỏ mạng ngoài biển khơi. Xem bộ phim này sẽ thấy hình như ở làng chài nào cũng vậy, đàn ông luôn nuôi hoài bão ra khơi bám biển, trong khi những người phụ nữ ở nhà học cách chờ người đàn ông của mình trở về, rồi lại học cách không chờ đợi điều gì cả khi bất chợt họ ra đi vĩnh viễn. Và điều mà “Mộ gió” làm được là giúp người xem hình dung được phần nào những hạnh phúc vô bờ, những nỗi đau vô tận vẫn hiển hiện trong cuộc sống thường ngày của người dân miền biển.  

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tâm sự, trước đây cũng từng có nhiều bộ phim về chủ đề biển đảo nhưng là phim tài liệu. Bởi vậy ông luôn ấp ủ một ngày nào đó có thể làm một phim truyện về đề tài này, cho đến khi bắt gặp kịch bản “Mộ gió”. Điều đặc biệt là kịch bản này được viết bởi chính một sĩ quan thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam theo học lớp đào tạo chuyên ngành về điện ảnh. Khi đọc kịch bản này, vị đạo diễn gạo cội như cảm nhận rõ nét những khó khăn vất vả cùng sự mưu trí, dũng cảm của cán bộ chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cùng quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia và ông tin khi dựng thành phim, chắc chắn sẽ có nhiều cảnh khiến người xem phải rơi nước mắt. 

Công bằng mà nói, với kinh phí hạn hẹp, không có các thiết bị tạo sóng, tạo bão hay xử lý kỹ xảo hiện đại như ở nước ngoài, phim không có cảnh quay hoành tráng và ấn tượng như nhiều người kỳ vọng. Song, nó lại thật sự chạm đến cảm xúc người xem khi đặc tả cảnh các chiến sĩ Cảnh sát biển bất chấp mưa bão ra khơi làm nhiệm vụ bảo vệ tàu cá Việt Nam khi bị “tàu lạ” tấn công. Lòng tự hào dân tộc, khao khát bám biển ra khơi và ước nguyện hòa bình của muôn triệu người dân nước Việt như trỗi dậy trong tiếng còi hiệu triệu và bước chân giục giã của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Đó là điều mà người xem có thể tìm thấy ở bộ phim này. 

Không có kinh nghiệm về làm phim trên biển, lại làm phim giữa điều kiện thiếu thốn đủ bề, chưa kể những rủi ro từ yếu tố thời tiết đến con người, song đoàn làm phim “Mộ gió” đã hoàn thành 92 phút phim quý giá về lòng yêu nước. Dù chưa thật sự là một tác phẩm điện ảnh tròn trịa, dù còn nhiều chỗ vụng về, song “Mộ gió” đã làm được điều mà nhiều bộ phim truyện khác chưa làm được, đó là khơi dậy tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam với quê hương đất nước, với biển đảo của Tổ quốc. Phim cũng được kỳ vọng sẽ đặt bước đi đầu tiên cho hướng đi làm phim về đề tài biển đảo.