Lưu Quang Vũ vẫn đang sống trong đời

ANTĐ - Sinh tại Hạ Hòa (Phú Thọ), quê gốc tại Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, nhưng hầu như cả cuộc đời Lưu Quang Vũ sống tại 96 phố Huế, Hà Nội. Ông mang tâm hồn đa cảm, lãng mạn, hào hoa của Hà thành và đang nằm yên nghỉ nơi đất thiêng Thăng Long. Ông vừa “trở lại” gợi lên bao tiếc nuối và khao khát về sự bùng nổ của sân khấu kịch Hà Nội và cả nước như lúc phát tiết sáng tạo mạnh mẽ của đời ông.

Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ (từ ngày 6 đến ngày 13-9) đã kết thúc mà dư âm còn vang đọng trong lòng những người làm nghề, giới mộ điệu sân khấu Thủ đô. Người ta nhớ lại không khí sôi động của Hà Nội thập niên 80 thế kỷ 20. Và càng ao ước có một “yếu nhân” cứu vãn tình trạng bế tắc giảm sút sức hút và công chúng hiện nay người có tài và tầm vóc Lưu Quang Vũ.

Cả sân khấu và điện ảnh Việt Nam lúc này đều giảm sút khán giả. Có nhiều nguyên nhân, căn bản nhất là thiếu kịch bản chất lượng. Thiếu tác giả tài năng, tâm huyết với đề tài đương đại, hay lắm loại hình giải trí làm công chúng bão hòa? Mọi giả thiết đều đúng hoặc có thể, và chỉ thực tế trả lời kết quả rõ ràng nhất.

Mười năm viết kịch, mười năm bùng phát thăng hoa một tài năng xuất chúng, cũng là mười năm cuối cùng của đời Lưu Quang Vũ, ông đã sáng tác 53 vở ngắn dài - sức viết khủng khiếp, chưa kể thơ, truyện, bài báo. Những năm ấy, kịch Lưu Quang Vũ nuôi sống mấy chục đoàn từ Bắc vào Nam, hàng trăm nghệ sĩ trưởng thành nghề, làm nên sự nghiệp bằng các vai trong vở của ông. Ngày nay, khi một phần không nhỏ giới sân khấu, nghệ sĩ gắn bó lâu năm, có tên tuổi tiếng tăm cũng tỏ ra nản, bi quan về thực trạng sân khấu nước nhà lúc này, thì Lưu Quang Vũ trở lại! 

Lưu Quang Vũ đã trở lại, vẫn cuốn hút, ấn tượng, day dứt, cộng hưởng bằng mãnh lực không thể chối từ.

Ai dám khẳng định đã xem hết tất cả các vở của Lưu Quang Vũ? Không ai!

Rộn rịp chen chúc đến rạp, xem kịch Lưu Quang  Vũ, có thể là người đã xem nay xem lại, một số nghe tên vở nhưng chưa thưởng thức và một phần chưa hề xem mà bị cuốn vào sóng từ trường của một huyền thoại. Hâm mộ, cuồng say, tò mò và “hiệu ứng đám đông”... đều có. Còn một lý do nữa: được thưởng thức miễn phí. Nếu vẫn là liên hoan này bán vé, chỉ 200.000 đồng/vé thôi, liệu đông như vào rạp bằng giấy mời và... tự do không? Chắc chắn không. Lúc Lưu Quang Vũ phát sáng tài năng cũng là thời hoàng kim của SKVN, thời người ta mê phim, kịch hơn bây giờ bội lần, dù quay quắt từng bữa vì cơm áo.

Hai Nhà hát dựng nhiều, thành công kịch Lưu Quang Vũ là: Kịch Hà Nội và Tuổi trẻ gần 30 năm trước đã làm nên hiện tượng: liên tục sốt, cháy vé. Thập niên 80 thế kỷ trước, kịch Hà Nội Nam tiến. Khán giả Sài Gòn vốn ái mộ cải lương, chưa “nếm mùi” kịch Bắc, không vồn vã từ đầu. Nhưng bằng “Tôi và chúng ta” (1985) thành công lớn ở Hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, bộ ba Trần Vân - Hoàng Dũng - Hoàng Cúc đã chinh phục công chúng phương Nam. Họ diễn mấy tháng trời, nhiều ngày diễn 3 suất, tại Nhà hát thành phố và các tỉnh phía Nam.

Nhà hát Kịch Hà Nội, một thương hiệu danh giá hàng đầu của nghệ thuật biểu diễn Thủ đô, có lịch sử gắn với một tác giả, có vai trò lịch sử bởi những đóng góp lớn cho sân khấu, lại duyên mệnh khi là nơi khai mạc, bế mạc Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ, nơi diễn vở đầu tiên “Ông không phải bố tôi” (đạo diễn: NGƯT Phan Trọng Thành) tối 9-9 và vở chót “Trái tim trong trắng” (đạo diễn: NSND Hoàng Dũng) sáng 15-9. Đây là hai vở của Nhà hát dựng gần đây, với ê-kíp sáng tạo, dàn diễn viên hoàn toàn khác trước.

Chen chúc xem kịch, rất đông là diễn viên các đoàn - một cảnh hiếm có. Hẳn trong tâm trí số đông người yêu sân khấu, thầm ước “giá như như giờ đây sân khấu thường xuyên có cảnh tượng này. Ai lạc quan dấy lên hy vọng: có thể sân khấu lại hồi sinh? Nhưng, sân khấu đã chết đâu? Chưa bao giờ chết. Vì còn những ngọn lửa đam mê vẫn âm ỉ, bền bỉ cháy. Họ chờ và cần một tác động đột khởi, một luồng gió quyền năng để khởi bùng lên.

Các Nhà hát, các đoàn tham gia liên hoan vừa qua, cũng là cách tự tìm “luồng gió” ấy. Kịch Lưu Quang Vũ không kén vùng, người xem, nó quyến rũ các tầng lớp công chúng, dù tuổi tác, tính cách, nghề nghiệp, xuất thần, địa vị khác nhau. Bởi kịch bản Lưu Quang Vũ không chỉ đạt độ chuẩn mực của kịch kinh điển, mà còn có tính tổng kết, khái quát, dự báo thời cuộc. “Báo chí và nhiều người vẫn nói, kịch Lưu Quang Vũ đến hôm nay vẫn còn tính thời sự, chưa đầy đủ. Theo tôi, không phải là tính thời sự, mà là những vấn đề về con người, gia đình, xã hội được quan sát, đúc kết và tái hiện qua nhân vật, xung đột kịch và lời thoại, vẫn đúng đến hôm nay” - NSND Hoàng Dũng nhận định.

Tối 13-9, vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Nhà hát Kịch Việt Nam diễn. Hai tầng rạp hơn 600 ghế, đã chật kín 40 phút trước lúc mở màn. Mọi ghế gấp, ghế gỗ huy động không bõ bèn gì, khán giả ngồi kín lối đi. NSƯT Lê Chức, cũng ngồi bệt trên thùng carton Lavie để xem kịch ở… cánh gà. Rạp chật cứng mà tuyệt nhiên không ai bỏ về. Xem rồi xem lại, biết cốt truyện rồi vẫn thích thú theo dõi vì mỗi Nhà hát, mỗi đạo diễn có cách xử lý khác nhau... Xem và cười và khóc, những lời bình luận đắc ý, khoan khoái. “Quá đúng”, “Bây giờ cũng có khác gì đâu”... cho thấy giá trị tác phẩm có độ bền đến hôm nay, bởi tác giả đã nhạy cảm thời cuộc mà sáng tác có tính dự báo.

 Lưu Quang Vũ là thi sĩ bẩm chất, bởi vậy, kịch của ông vững về chất văn học. Sự nhạy cảm cộng độ bén nhạy của nghệ sĩ mẫn tuệ, dũng cảm, luôn khát vọng xã hội bớt éo le, khổ đau, nghịch cảnh, hướng tới công bằng, lẽ phải, dồn vào ngòi bút cương trực và dào dạt yêu thương. 

Không phải ai thông minh cũng biết hài hước, nhưng người biết hài hước chắc chắn thông minh. Kịch Lưu Quang Vũ hấp dẫn còn bởi tính hài hước mà sâu sắc trong lời thoại và cảnh huống như trong vở “Ông không phải là bố tôi”, nhân vật chính trị viên Hỏa (NSƯT Công Lý) về già, vừa hát xẩm vừa vót tăm tại nhà, nói với ông Trạch (Lại Văn Ủng, Phú Thăng đóng): “Cả đời toàn ăn to nói lớn, không làm được gì có ích, già rồi mới vót được que tăm” hay: “Răng yếu, rụng rồi, vót tăm cho thằng khác nó xỉa”.

Còn ở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” lại có những câu: “Cấp trên sai, lấy cái sai này sửa cái sai khác. Không thể thế. Vì có những cái sai không bao giờ sửa được”. “Không thể chắp vá gượng ép” hoặc: “Thể xác đã quen những thói quen xấu, linh hồn cũng không chế ngự được”, về sự sửa sai của Đế Thích, cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt, Ngọc Hoàng cũng để tội “treo”, vì theo Đế Thích: “Trị tội hết tiên thì lấy ai cho dân chúng họ thờ?”. 

Dù phê phán, tố cáo mạnh mẽ, đấu tranh quyết liệt thói xấu của xã hội, Lưu Quang Vũ kịch tác gia tâm hồn thi sĩ, vẫn chứa chất lãng mạn, tình cảm hướng nhân vật và diễn tiến kịch đến kết thúc có hậu, đích đáng, hướng của lương tâm và lẽ phải, của niềm tin và chính nghĩa, của trả giá đích đáng, dù chính diện hay phản diện. Nhạy cảm, dự báo xã hội trong kịch Lưu Quang Vũ đa tầng cho nhiều nghề nghiệp, lứa tuổi. Những tràng pháo tay giòn giã nhiều lần trong lúc vở đang diễn, vỗ tay đã đời của khán giả hôm nay xem kịch Lưu Quang Vũ, không chỉ vì ông, nói trúng, nói đúng, mà do ông đã nói hộ nhiều số phận con người, nhiều cuộc đời.

Sự thực Lưu Quang Vũ đã qua đời vẫn đang sống trong đời. Liên hoan vừa qua cho thấy Lưu Quang Vũ vẫn trở lại, đẹp đẽ, mạnh mẽ, cho những đồng nghiệp, bạn bè, các lứa nghệ sĩ sân khấu và hàng vạn khán giả bao hy vọng. Hy vọng vào nghệ thuật sân khấu lấy lại vị thế của mình, hy vọng vào những thông điệp mà tác giả gửi gắm sẽ toại thành, hy vọng sân khấu và xã hội sẽ có những thay đổi tích cực, bổ trợ để phát triển lành mạnh: sôi động và nhân văn.

 NSND Hoàng Dũng nghĩ ra việc cần lập bàn thờ tưởng nhớ Lưu Quang Vũ. Ông cùng NGƯT Phan Trọng Thành (ĐD vở Ông không phải bố tôi) xuống khu A nghĩa trang Văn Điển thắp hương cho tác giả. Tôi đến Nhà hát kịch Hà Nội thấy ông đang cùng các đồng nghiệp trẻ soạn bàn thờ Lưu Quang Vũ, ảnh đen trắng tác giả mặc áo pull quần bò đang đứng nghiêng. Suốt một tuần liên hoan, bàn thờ Lưu Quang Vũ luôn ấm áp. Nhiều đồng nghiệp, khán giả nhớ ông, không ít người rơi lệ.

Tennyson có câu: “Ở tuổi 20 tinh thần ngự trị, ở tuổi 30 ý chí ngự trị. Ở tuổi 40, phán đoán ngự trị”. Tai nạn nghiệt ngã cướp đi Lưu Quang Vũ lúc tuổi 40 sung sức sáng tạo. Lưu Quang Vũ là nhân chứng, yếu nhân góp phần làm nên thời vàng son của sân khấu Việt Nam thế kỷ XX, không biết khi nào tái lặp? Ông “phán đoán” được gì lúc này, giữa Thu 2013? Sân khấu, xã hội cần có Lưu Quang Vũ biết bao! Đến bao giờ có được một tác giả tầm vóc như ông? Chẳng ai biết được. Dù thế nào, Lưu Quang Vũ, bằng tài năng lỗi lạc và sự tận hiến vẫn sống tuổi 40 bất tử.