“Hỏi xoáy”... Cù Trọng Xoay!

(ANTĐ) - Trông bộ dạng và phong thái chững chạc của anh trên truyền hình đều nhầm tưởng Cù Trọng Xoay ở ngoài là vị giáo sư vừa già vừa... xịn. Nhưng thực ra tự bạch của anh lại thế này: Cù Trọng Xoay tên thật là Đinh Tiến Dũng (biệt danh Dũng... đê tiện), SN 1978 (tuổi Mậu Ngọ), kỹ sư nông nghiệp chuyên về cây trồng - cây ngô, hiện đang làm công tác Đoàn thể FPT với sở trường... ăn chơi nhảy múa.

“Hỏi xoáy”... Cù Trọng Xoay!

(ANTĐ) - Trông bộ dạng và phong thái chững chạc của anh trên truyền hình đều nhầm tưởng Cù Trọng Xoay ở ngoài là vị giáo sư vừa già vừa... xịn. Nhưng thực ra tự bạch của anh lại thế này: Cù Trọng Xoay tên thật là Đinh Tiến Dũng (biệt danh Dũng... đê tiện), SN 1978 (tuổi Mậu Ngọ), kỹ sư nông nghiệp chuyên về cây trồng - cây ngô, hiện đang làm công tác Đoàn thể FPT với sở trường... ăn chơi nhảy múa.

Còn điều này dù anh không tự bạch ra nhưng ai cũng biết. Ấy là chuyện mặc dù mới “ló” trên màn ảnh nhỏ chưa đầy ba tháng nhưng hiện anh đang là nhân vật bị giới trẻ... “truy lùng” nhiều nhất chỉ để thắc mắc đủ chuyện trên trời dưới biển.

Để râu cho... bớt trẻ!

- PV: Trông anh trên truyền hình bác học thế mà sao ở ngoài mọi người lại gọi anh là.. “Dũng đê tiện” nhỉ?

- Kỹ sư Cù Trọng Xoay: À cái này không giải thích nhanh thì khéo... oan. Ở FPT chỗ tôi làm, mỗi người đều có một tài khoản truy cập riêng trên mạng bằng cách viết tắt họ tên theo kiểu: tên đi trước, họ với đệm “lả lướt” theo sau. Tôi là Đinh Tiến Dũng thì viết tắt là “dungdt”. Ai ngờ chữ “dt” đứng sau đó lại hại mình vì bị mọi người suy luận ra thành “đê tiện” để gọi cho dễ nhớ. Lúc đầu tôi cũng phát hoảng lên với cái tên đó. Nhưng dần dà lại thấy thích. Vì ở FPT lưu truyền một triết lý rất hay, ấy là dù làm bất cứ việc gì thì đều chọn xuất phát điểm là mốc khó khăn tồi tệ nhất. Ví như con số 13 mà mọi người hay sợ xui xẻo thì ở FPT lại là “con số thiêng”. Lãnh đạo đều ngồi tầng 13, tất cả các công ty khi thành lập đều chọn ngày 13. Hay như khi đi đám cưới thì họ không chúc nhau “đây là ngày hạnh phúc nhất đời bạn” vì chúc thế chả hóa ra những chuỗi ngày sau đó là đen tối à. Thế nên tôi cứ nhận mình là đê tiện để mức độ tử tế và lương thiện ngày càng tăng (cười)...

- PV: Có ai nói, trông anh ở ngoài dễ chừng trẻ hơn tới vài chục tuổi so với trên truyền hình chưa?

Ồ thì ai gặp cũng nói thế đấy. Nếu tôi khoác bộ dạng GS mà mọi người vẫn thấy trên tivi ra đường thì chắc có người nhận ra, chứ “hiện nguyên hình” ngoài đời thế này thì làm gì có ai biết. Từ dạo mang bộ dạng này, mỗi lần về quê là kiểu gì tôi cứ ru rú ở nhà không dám ra ngoài, vì hễ thò đầu ra khỏi cửa là bị “hỏi xoáy”: “Ai lại để râu thế hả con, trông mày còn già hơn cả bố mày”. Đành phải ngụy biện là tại cháu sắp... lên hình, lên hình xong thì cháu cắt. Đâm ra lần sau về mọi người lại chuyển sang hỏi thăm “thế vẫn chưa lên hình xong hả con”.

- PV: Thế anh trả lời sao với những câu hỏi “xoáy” kiểu này?

Thực ra thì chương trình không yêu cầu tôi để râu cho ra “chất” GS, chỉ là tôi thích để râu để cho mình trông... bớt trẻ đi thôi. Với lại cạo râu đi trông ngô ngố. Còn tóc thì xin trình bày hoàn cảnh thế này, bao nhiêu năm nay tôi chỉ có thói quen cắt tóc ở một hiệu bình dân gần nhà. Đùng một cái cửa hàng đó chuyển đi không để lại tung tích gì mà đến giờ tôi vẫn chưa tìm được. Lần lữa mãi, tóc dài dần ra rồi thành ra thế đấy chứ.

Vẫn“ngứa nghề”... nông

- PV: Cái trích ngang “kỹ sư nông nghiệp, chuyên ngành cây trồng” xem ra chẳng liên quan gì đến công việc hiện tại của anh nhỉ?

Có chứ, không liên quan nhưng vẫn liên đới đấy. Bạn cứ để ý mà xem, trong nhiều phần hỏi xoáy - đáp xoay, tôi toàn gài vào thông tin liên quan đến các loại cây cối, tên khoa học của chúng, rồi các loại gen di truyền nữa chứ. Thực ra đó là môn ngày xưa tôi phải học... vật vã nhất nên nhớ lắm. Cái này người ta gọi là... ngứa nghề mà!

- PV: Anh còn “tài lẻ” gì khác không?

Hồi bé bố tôi nghĩ tôi có khiếu hội họa vì thấy con hay... vẽ bậy nên cho tôi đi học vẽ. Thế nên đến giờ có chút vốn liếng về hội họa nữa. Tôi cũng biết chơi đàn guitar, đánh trống và một vài loại đàn khác nữa. Thời sinh viên, tôi với mấy người bạn còn lập ra ban nhạc RTC cơ mà, nói vui là viết tắt của ba từ... “rượu thịt chó”, tức là làm ra bao nhiêu đều quy ra hai món ấy hết (cười).

- PV: Năm hết tết đến, anh có kiêng kị điều gì không?

Hồi trước tôi hay kiêng ăn thịt chó, nhưng không phải vì sợ đen đủi mà vì lo ăn đầu năm rồi cả năm thế nào cũng ăn toàn thịt chó. Nhưng giờ thì chẳng kiêng kị gì, có lần tôi với mấy người bạn đi chơi đêm 30 tết đến sáng mùng 1 thì tạt vào gõ cửa một hàng thịt chó hỏi có bán không. Chủ hàng mừng rơn, có bao nhiêu mang hết ra lại còn bán giá rẻ. Thế là được một bữa túy lúy đầu năm.

- PV: Anh có ấp ủ mơ ước nào “vĩ đại” không?

Tôi chỉ mơ ước vĩ đại là sau này có một ngôi nhà và những... cây ngô. Nhưng mà mơ ước này hơi bị khó thực hiện. Vì muốn trồng ngô thì phải có vườn tược dưới mặt đất, trong khi tôi thì lại đang ở chung cư. Thôi thì cứ nuôi ước mơ cây ngô cái đã!

- PV: Xin cảm ơn và chúc anh một năm mới vào vai giáo sư với... nhiều câu xoáy nhưng lắm cách xoay! 

Dương Cầm

(Thực hiện)