Họa sỹ Lê Đại Chúc - một tài năng

(ANTĐ) - Tôi quen họa sỹ Lê Đại Chúc qua người em của ông - đạo diễn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sỹ sân khấu Lê Chức. Khác hẳn người em trai của mình (chu đáo, tận tâm, nghiêm chỉnh…) Lê Đại Chúc như một nhà phê bình nghệ thuật Pháp nhận định: “Ông là họa sỹ theo đúng nghĩa của từ này”.

Họa sỹ Lê Đại Chúc - một tài năng

(ANTĐ) - Tôi quen họa sỹ Lê Đại Chúc qua người em của ông - đạo diễn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sỹ sân khấu Lê Chức. Khác hẳn người em trai của mình (chu đáo, tận tâm, nghiêm chỉnh…) Lê Đại Chúc như một nhà phê bình nghệ thuật Pháp nhận định: “Ông là họa sỹ theo đúng nghĩa của từ này”.

Họa sỹ Lê Đại Chúc ( ảnh chụp năm 1990)

Họa sỹ Lê Đại Chúc ( ảnh chụp năm 1990)

Nhạc sỹ Hoàng Vân tác giả “Quảng Bình quê ta ơi” lần đầu tiên gặp Lê Đại Chúc trên chuyến xe lửa Hà Nội - Hải Phòng đã nói: “Mình đã xem tranh của Lê Đại Chúc rồi, nói ngắn gọn nhé, Chúc là con nhà nòi”. Đối với Chúc đó là một nhận xét sâu sắc và chân thành nhất.

Lê Đại Chúc bắt đầu bước vào cuộc đời của một họa sỹ chuyên nghiệp từ năm 1993. Năm 1992 ông có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Năm đó các họa sỹ và người yêu hội họa tới để xem một chuyên viên hàng hải vẽ như thế nào.

Nhưng đến triển lãm cá nhân lần thứ 2 cũng tại địa điểm trên, họa sỹ Ca Lê Thắng lúc đó ở trong BCH Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã phát biểu trong lễ khai mạc: “Lần triển lãm này chúng ta công nhận Lê Đại Chúc là một họa sỹ chuyên nghiệp”. Những bức chân dung: Bố tôi - thi sĩ Lê Đại Thanh, Vợ tôi - Phạm Lệ Xuân… đã gây được tiếng vang lớn trong giới thưởng ngoạn. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn rất mê chân dung của Chúc.

Nhà báo Trọng Chức ngày đầu viết một bài về phòng tranh chỉ dám dùng bút danh, sau mấy ngày thấy anh em khen quá bèn viết một bài nữa dài hơn, sâu sắc hơn và ký tên thật: Trọng Chức. Nhà báo nói với họa sỹ: “Tôi quý ai lắm mới ký tên thật của mình”. Được bạn bè khích lệ cộng với lòng tự tin bẩm sinh, Lê Đại Chúc quyết tâm đi theo con đường hội họa, đầy đam mê nhưng cũng đầy trăn trở và bấp bênh.

Vợ họa sỹ - Phạm Lệ Xuân (1982 - Sơn dầu trên vải)
Vợ họa sỹ - Phạm Lệ Xuân (1982 - Sơn dầu trên vải)

Ngày đó mới bước vào tuổi 50, Lê Đại Chúc tập thể hình với lực sĩ Lý Đức, sức khỏe tràn trề. Suốt nhiều năm ông vẽ từ 8 tới 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ông vẽ cả chủ nhật, thậm chí cả ngày lễ, Tết.

Trời không phụ kẻ thành tâm. Hàng loạt tranh bố cục khổ lớn (Thuyền và biển - Cảng Kobe - đêm Vũng Tàu…), hàng trăm chân dung những người thân yêu trong gia đình và bạn bè được hoàn thành. Hàng trăm bức tranh hoa mỗi bức mỗi vẻ lần lượt ra đời.

Tiếng lành đồn xa, các nhà sưu tập nước ngoài bắt đầu lui tới căn nhà rộng và đẹp tại đường Nguyễn Đình Chính - quận Phú Nhuận. Gallery Lã Vọng Hồng Kông mua 6 bức và chọn Lê Đại Chúc là một trong 16 gương mặt tiêu biểu của hội họa Việt Nam đương đại cùng với Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Đặng Xuân Hòa, Nguyễn Quân… để in thành một cuốn sách sang trọng bán tại Hồng Kông và quảng bá khắp thế giới.

Bức tranh Vợ tôi - Phạm Lệ Xuân mặc áo đen, khổ 138x100cm được in cả hai trang và cũng được in thành Carpostal để làm quà tặng. Về sau bức tranh này được họa sỹ Thành Chương chọn để in trang nhất của Báo Văn nghệ với tên “Em Xuân”.

Một bà người Cuba sống tại Hồng Kông là chủ một nhà máy rượu Wisky xem triển lãm của Lê Đại Chúc hứa sẽ quay lại mua tranh. Chúc nghĩ chắc cũng là lời nói lịch sự, nào ngờ vài tháng sau bà trở lại cùng với chồng, tới tận nhà xem và mua luôn 4 bức. Có hai bức tranh hoa ông bà phân vân không biết chọn bức nào, cuối cùng ông bà nhờ chính họa sỹ chọn hộ.

Sau đó, Chúc đưa họ tới mua một bức tranh trừu tượng của họa sỹ Nguyễn Trung và một bức chân dung của họa sỹ Đỗ Quang Em. Bức chân dung của Đỗ Quang Em có giá 15 nghìn USD. Đó là giá tranh cao nhất của một họa sỹ Việt Nam còn đang sáng tác thời gian đó.

Năm 1995, Lê Đại Chúc được mời sang London triển lãm tại Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Anh. Tổ chức mời là hội Street Kid Internatinonal (trẻ em đường phố thế giới) do Công chúa Diana sáng lập và làm Chủ tịch. Bà Anabel Ldoy - Phó Chủ tịch hội trực tiếp làm việc với Lê Đại Chúc suốt thời gian triển lãm. Ngày khai mạc, hai lá cờ đỏ sao vàng cao khoảng 6m được thả dọc hai bên cửa ra vào. Một đoàn múa lân tới biểu diễn.

Cựu Thủ tướng Anh Sir Edward Heath, người đứng đầu Công đảng Anh và nhiều quan chức tới dự. Mấy ngày sau, cựu Thủ tướng (lúc đó đóng vai trò cố vấn cho Phủ Thủ tướng Anh) mời Lê Đại Chúc tới Phủ Thủ tướng nói chuyện. Rồi BBC tiếng Anh, BBC tiếng Việt, London Radio (Đài Phát thanh London) phỏng vấn.

Chúc trả lời trực tiếp bằng tiếng Anh. Sứ quán Việt Nam tại Anh rất hài lòng về cuộc triển lãm này. Sau London, Lê Đại Chúc sang Paris. Tại đây, ông được ngài Maison Blanche (nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam) tiếp tại Bộ Ngoại giao Pháp.

Trong 15 năm qua, Lê Đại Chúc đã vẽ hàng nghìn bức tranh sơn dầu, trong đó có hàng trăm bức tranh khổ lớn. Tranh ông đã có trong nhiều sưu tập cá nhân tại Việt Nam và nước ngoài.

Sau 30 năm sống tại TP Hồ Chí Minh, họa sỹ Lê Đại Chúc quay lại miền Bắc, sống và vẽ một mình tại căn nhà của bố mẹ để lại tại TP Hải Phòng. Ngày 28-8 này ông trưng bày 54 bức sơn dầu, trong đó có 8 bức khổ lớn (306x225cm) tại Bảo tàng Mỹ thuật - 66 Nguyễn Thái Học - Hà Nội.

Văn Sử