Gợi ý về chủ đề cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 43 năm 2014

ANTĐ - Chủ đề cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 năm 2014 là “Hãy viết một bức thư diễn tả âm nhạc có thể lay động đời sống như thế nào?” (Tiếng Anh: "Write a letter describing how music can touch lives").

Nhằm giúp các em có một bài thi tốt, Ban Tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 xin nêu một số gợi ý về chủ đề và một số lưu ý về mặt kỹ thuật.

Các em là tác giả của bức thư, nên phải hết sức chủ động trong cách trình bày suy nghĩ, cảm xúc của chính mình và cố gắng diễn đạt vấn đề một cách thuyết phục nhất. Vì vậy, những gợi ý sau đây chỉ là để các em tham khảo, cần tránh việc sao chép máy móc

 A. Về mặt kỹ thuật

- Bức thư được viết dưới dạng văn xuôi, càng chân thật, tình cảm càng tốt. Trong bức thư đó, em có thể trao đổi, bày tỏ quan điểm của mình về tác động to lớn và sâu sắc của âm nhạc đối với đời sống.

- Rất lưu ý trong cách hành văn, cần rõ ràng và mạch lạc. Nếu trong bức thư có nhiều hình ảnh sinh động, hoặc cách so sách hợp lý thì càng lôi cuốn và hấp dẫn.

- Phải tránh lối viết sáo rỗng, trình bày tư liệu khô khan, hô khẩu hiệu chung chung mà không xuất phát từ cảm xúc thật.

- Nên đọc kỹ những bức thư đã đoạt giải cao trong các cuộc thi viết thư quốc tế UPU các năm trước để rút kinh nghiệm khi viết (Báo Tiền Phong sẽ đăng nhiều lần những bức thư này).

- Đừng viết dài quá 800 từ.

B. Về nội dung

Đề tài cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 yêu cầu diễn tả cách mà âm nhạc có thể lay động đời sống. Hay nói cách khác, âm nhạc có tác động mạnh mẽ, có vai trò to lớn đối với đời sống con người.

*  Âm nhạc là gì?

Đó là những bài hát (có giai điệu, nhịp điệu và lời hát), những bản nhạc không lời, những vở nhạc kịch đồ sộ (có nhạc, có lời, có cốt truyện và nhân vật kịch). Hoặc gần gũi hơn đó là những bài dân ca hàng ngày chúng ta nghe bà, nghe mẹ ru ta bên nôi: “Con cò bay lả bay la”, “Cây trúc xinh”, “Ru con”,…

* Vì sao âm nhạc có thể lay động đời sống?

Vì âm nhạc được sinh ra từ trong cuộc sống của con người. Ở Việt Nam, rất nhiều điệu hò, điệu lý đã được con người sáng tạo nên trong quá trình lao động nặng nhọc, vất vả như khi chèo thuyền, kéo lưới, khiêng vác nặng. Và chính nhờ những điệu hò, điệu lý ấy mà con người cảm thấy vui tươi hơn, đỡ mệt hơn trong khi lao động.

Thêm nữa, trong khi ru con, từ những câu “Ầu ơ…con ơi con ngủ cho ngoan” ban đầu, qua thời gian, đã trở thành những làn điệu ru con đầy quyến rũ. Hoặc khi người con trai và người con gái muốn bày tỏ tình cảm với nhau- trong những đêm trăng sáng, những ngày hội xuân- đã xuất hiện những bài hát giao duyên đầy chất trữ tình và sâu lắng. Và chính những bài hát ấy đã góp phần làm cho cuộc sống của con người thêm vui hơn, phong phú hơn, tình nghĩa hơn.

* Âm nhạc có thể lay động đời sống như thế nào?

Giống như các loại hình nghệ thuật khác (như văn học, sân khấu, điện ảnh, hội họa, kiến trúc) âm nhạc tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và tình cảm của con người. Những tác phẩm âm nhạc tốt góp phần bồi đắp tâm hồn con người thêm phong phú; thúc giục con người dám vượt qua mọi gian khó để tiến lên phía trước, thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, giúp con người biết sống cao đẹp hơn.

Một ví dụ cụ thể: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam (1954- 1975) có nhiều bài hát nổi tiếng- vừa trữ tình vừa hừng hực khí thế cách mạng- đã thôi thúc hàng chục triệu chiến sỹ không quản gian khổ hy sinh, tiến ra mặt trận. Âm nhạc quả đã chắp cho ho đôi cánh thần kỳ để hoàn thành sứ mệnh lịch sử là chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.  Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” thời ấy là một minh chứng hùng hồn và sinh động nhất về tác dụng to lớn của âm nhạc trong đời sống.

Riêng đối với những thiếu nhi, những bài hát nổi tiếng của thời ấy, đến bây giờ vẫn được các em hát và vẫn có tác dụng giúp các em chăm ngoan hơn, yêu quê hương, gia đình hơn: “Em là mầm non của Đảng”; “Nguyễn Bá Ngọc- người thiếu niên dũng cảm”; “Đưa cơm cho mẹ đi cày”; “Hạt gạo làng ta”; “Cây bàng”;…

Chúc các em có những bức thư hay và đạt giải.