Điều chưa kể về Nhật Lai của Hà Tây quê lụa

(ANTĐ) - Bây giờ Hà Tây đã về với Hà Nội trong tiến trình mở rộng Thủ đô Việt Nam, bài hát được lấy làm nhạc hiệu của Đài PTTH Hà Tây ngày nào thôi tấu lên mỗi sớm mai khi bắt đầu ngày mới với giọng hát huyền thoại Quốc Hương, nhưng Hà Tây quê lụa vẫn còn ngân nga trữ tình ngợi ca một vùng đất “cửa ngõ Thủ đô”. Và hôm nay mỗi lần cất lời hát thân thương ấy, lòng ta lại nhớ đến tác giả bài ca, một người con của miền Nam đã đi xa ba chục năm tròn…

Điều chưa kể về Nhật Lai của Hà Tây quê lụa

(ANTĐ) - Bây giờ Hà Tây đã về với Hà Nội trong tiến trình mở rộng Thủ đô Việt Nam, bài hát được lấy làm nhạc hiệu của Đài PTTH Hà Tây ngày nào thôi tấu lên mỗi sớm mai khi bắt đầu ngày mới với giọng hát huyền thoại Quốc Hương, nhưng Hà Tây quê lụa vẫn còn ngân nga trữ tình ngợi ca một vùng đất “cửa ngõ Thủ đô”. Và hôm nay mỗi lần cất lời hát thân thương ấy, lòng ta lại nhớ đến tác giả bài ca, một người con của miền Nam đã đi xa ba chục năm tròn…

Nhạc sĩ Nhật Lai
Nhạc sĩ Nhật Lai

Nhật Lai - có tên khai sinh ngẫu nhiên trùng với tên của nhà văn lớn Nguyễn Tuân. Ông sinh năm 1931 tại Tuy Hòa tỉnh Phú Yên. Cậu bé Nguyễn Tuân lớn lên trong cái nôi âm nhạc là đại gia đình bên ngoại, vốn nghèo nhưng sẵn tài năng âm nhạc. Ông ngoại Nguyễn Tuân vốn là thầy dạy nhạc trong cung đình Huế, nhiều cậu của Tuân đều là những tay đờn ca nhạc cổ tiếng tăm... Chuyện kể rằng cậu bé Tuân sớm bộc lộ tài năng âm nhạc. Ngay từ lúc thiếu niên Tuân đã tự tạo ra những chiếc sáo bằng tre lồ ô, tấu lên ca khúc từng làm rung động trái tim, làm mê mẩn bao người bởi những bài ca lãng mạn thời ấy. Người mẹ đã phải khổ tâm vì sự mê mẩn đến điên dại của con với âm nhạc.

Mang tâm hồn lãng mạn ấy, 16 tuổi Tuân ra Quảng Ngãi học và có điều kiện tiếp xúc với âm nhạc phương Tây cùng các nhạc cụ hiện đại. Từ đây với cái biệt danh Nhật Lai, Tuân bắt đầu như cánh chim bay vào vùng trời nghệ thuật. Năm 17 tuổi, (1948), Nhật Lai đã có sáng tác đầu tay Chiều trên cầu Bồng Sơn viết về quê hương bị giặc Pháp dày xéo, đập vỡ nạn đói đến với bà con… Bài hát gợi mối căm thù đế quốc ấy ấn tượng mãi trong lòng người Phú Yên.

Sẵn máu phiêu du lãng mạn, gia đình lại có nhiều người hoạt động cách mạng, Nhật Lai đã lên Tây Nguyên tự nguyện nhập vào hàng ngũ kháng chiến. Và từ đây miền đất Tây nguyên như là quê hương thứ hai, khởi nguồn của tài năng âm nhạc của anh. Hào sảng chân thành, tính cách con người anh đã hòa vào đời sống kháng chiến của bà con buôn làng. Nhật Lai tự nguyện dấn thân vào cách mạng bằng âm nhạc ở một nơi cam khó như vậy. Từ độ ấy, ai cũng ngỡ Nhật Lai xuất thân là người dân tộc Tây Nguyên, cũng đóng khố cởi trần bốn mùa hút tẩu, đeo gùi, chân đất, cà răng-căng tai hệt một già làng…

Rồi anh lại có tài săn bắn, cũng thiện xạ như viết nhạc. Rồi biết nói đủ thứ tiếng Tây Nguyên: Ê đê, M’Nông, Gia rai, Bana… Hơn thế, ở Nhật Lai tâm hồn anh đã là tâm hồn một chàng trai dân tộc chính cống. Bằng chứng là anh yêu dân ca, dân vũ Tây Nguyên đến mê cuồng. Khi âm nhạc dân tộc chưa có ai quan tâm thì chính anh, cuối những năm bốn mươi thế kỷ trước đã là người sưu tầm hàng ngàn bài dân ca, điệu múa dân gian. Từ “vốn liếng” ấy, Nhật Lai viết hàng trăm ca khúc tiếng dân tộc và tự nguyện làm “người hát rong” đi phục vụ buôn làng động viên đồng bào tham gia kháng chiến… 

Năm 1954, tập kết ra Bắc, Nhật Lai vẫn hướng lòng mình vào Tây Nguyên yêu dấu và anh vẫn tiếp tục viết nên những ca khúc tha thiết nhất gửi về Nam: những Suối đàn T’rưng, Chim lạc đàn, Chim Pông Kơle, Gửi Việt Bắc, Về buôn xưa, Xê Băng Hiêng hành khúc ca, Mùa xuân trên quê hương, Giữ lấy màu xanh, Tiếng hát M’Nông Tibri, Câu chuyện bên dòng suối, Mặt trời Ê đê, Tôi gặp mẹ tôi... là tấm lòng thương nhớ Tây nguyên anh gửi gắm vào trong đó.

Suối Hai- một khu du lịch nổi tiếng đã đi vào lời ca khúc "Hà Tây quê lụa"
Suối Hai- một khu du lịch nổi tiếng đã đi vào lời ca khúc "Hà Tây quê lụa"

Trưởng thành từ trường đời máu lửa gian khó, Nhật Lai hình như đã có sẵn trong mình tài năng âm nhạc cho nên dù chẳng qua bất kỳ môt trường lớp đào tạo nào, anh vẫn tiếp cận được với nền âm nhạc hiện đại. Sau hàng trăm ca khúc thấm đẫm chất dân gian và cũng đầy sáng tạo bác học, Nhật Lai đã cho ra đời hàng loạt ca kịch, ca cảnh, nhạc múa như A ma Trang Lơn, Hơ bia, Bài hát Nữ thần mặt trời… và tiếp đến là Bên bờ Krôngpa viết năm 1968 như một đỉnh cao âm nhạc của anh về lĩnh vực Opera và anh đã trở thành người thứ hai trong lĩnh vực nhạc kịch, sau Đỗ Nhuận…

Cuộc đời Nhật Lai là một cuộc đời gắn bó với nghệ thuật đến hơi thở cuối cùng. Người vợ đầu của anh là một diễn viên múa người Khơ me Châu Ngọc Lệ. Cái chết của người phụ nữ này đã để lại nỗi đau lớn và trong một chương của tổ hợp giao hưởng Đất lửa của mình, chương Nước mắt viên Ngọc (Châu Ngọc Lệ), anh dành cho người vợ thân yêu. Rồi người đàn bà bước vào đời anh cũng là một ca sĩ, chị Hồ Thị Kha Y người Vân Kiều. Hình như số phận đã như vậy, như là một sợi dây cột chặt đời anh với Tây Nguyên… Định mệnh của anh là nghệ thuật, là âm nhạc.

Để cuối cùng người hát rong ấy đã ngã gục sau chuyến đi biểu diễn tại Riga thuộc Latvia trong Liên hoan Giao hưởng quốc tế. Có lẽ quá xúc động trước thành công của cuộc trình diễn Tổ khúc giao hưởng Đất lửa lần ấy, cùng cái lạnh cuối đông của xứ tuyết đã cướp đi chút tàn lực cuối cùng của người nghệ sĩ, vốn đã vắt cùng kiệt cho nghệ thuật, để khi vừa trở về Tổ quốc, ông đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 5-1-1987. Bằng những tác phẩm âm nhạc của mình để lại cho đời, ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2002. Người Tây Nguyên mãi nhớ có một Nhật Lai “già làng” đem tình yêu đất nước đến với đồng bào. Người Hà Tây hôm qua và Hà Nội hôm nay mãi nhớ có một món quà âm nhạc anh dành cho mảnh đất “cửa ngõ Thủ đô”.

Tân Linh