Địa vị và giá trị Truyện Kiều

I. Nói qua về thái độ và phương pháp nghiên cứu tác phẩm văn nghệ.

Địa vị và giá trị Truyện Kiều

I. Nói qua về thái độ và phương pháp nghiên cứu tác phẩm văn nghệ.

A. Mục đích nghiên cứu là để tìm ra trong tác phẩm của lịch sử, của nước ngoài những cái hay, cái dở của nó để học hỏi hay để răn đe. Chúng ta không nên có thái độ nghiên cứu tác phẩm văn nghệ trên lập trường người ngắm chậu cảnh.

B. Nghiên cứu những cái hay, cái dở của tác phẩm để do đó tìm ra một phương pháp sáng tác, biện biệt về văn nghệ, chứ không phải là tìm ra những cái hay của người ta rồi chép nguyên văn vào trong sáng tác của mình, hay là để lấy đó làm khuôn để đi lồng tất cả những tác phẩm khác lấy kết luận.

 C. Phải lấy tác phẩm của bản thân làm đối tượng nghiên cứu chứ không nên lấy một khuôn khổ sẵn của mình rồi lồng tác phẩm vào khen hay chê.

a. Trần Trọng Kim cố lồng Truyện Kiều vào khuôn khổ Nho- Phật giáo mà khen Truyện Kiều thành ra không làm nổi bật cái gì giá trị thật của Truyện Kiều. Số phận Kiều không phải do Kiều làm nên, cũng không phải tiền oan nghiệp chướng gì (theo Đạo Phật) sui nên cả. Đứng trên ngay lập trường  Đạo Phật mà nói, cái “quả” trong thân thế Kiều không phải “nhân” gì về phần cô Kiều hay gia đình cô Kiều, vì nhà Viên ngoại họ Vương không hề có sự gì thất đức, cô Kiều bản thân còn chưa dính dáng gì với đời cả mà đến nỗi phải chịu cái “quả” ấy. Sự thực ra số phận Kiều là do những người trong xã hội của thời đại làm nên (Ưng Khuyển, Mã Giám Sinh, Tú Bà... nghĩa là lũ đầu trâu mặt ngựa). Đó chỉ là kết quả của việc nắm tóc Truyện Kiều lôi vào cái lồng đạo Phật mà thôi.

b. Trương Tửu cố tình lấy Truyện Kiều lồng vào chủ nghĩa Freud không quen biết. Truyện Kiều tả những tâm trạng, những hành vi “bệnh thái” của xã hội thời Nguyễn Du và sau đó, chứ không dính dáng gì đến bệnh “ủy hoàng” hay bệnh gì khác mà Freud bịa ra rồi Trương Tửu nhai lại. Đồng thời Trương Tửu còn nhai lại một ít công thức “xã hội” để lồng vào cho bọn “nhà nho thất thế”. Sự thực ra trong Truyện Kiều chúng ta ít - hay không thấy những tiếng thở dài của bọn “nhà nho thất thế” mà chỉ nghe thấy tiếng rên rỉ của những người chịu đựng, những giọng nguyền rủa ‘đầu trâu mặt ngựa”, những vẻ sỏ lá của phường “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”... Kiều có phải con người “thất thế” rồi chán đời theo kiểu “nhà nho thất thế Lý Bạch” không? Không! Kiều chịu đựng để trông có ngày mai nên mới theo Thúc Sinh, nên mới lấy Từ Hải để báo ân, báo oán như một người thường dân. Ai, cái gì tiêu biểu cho “nhà nho thất thế” trong Truyện Kiều? Không biết Trương Tửu có biết tâm trạng anh “nhà nho thất thế” như thế nào không? Nếu chưa biết nên đọc thơ Lý Bạch và phải đọc cho hiểu.

c. Đào Duy Anh, ông đồ lắm chữ không, không thể xé nát Truyện Kiều ra làm nhiều mảnh rời rạc nhau rồi tuyên dương lên báo: giá trị Truyện Kiều là thế này đây được.

d. Hoài Thanh và một số người cho rằng Truyện Kiều hay không thể nói, thấy được, nghĩa là cái hay của Truyện Kiều, nghệ thuật là một cái gì huyền bí chỉ một số thầy phù thủy như Hoài Thanh... mới hiểu được. Kỳ thực Truyện Kiều hay, người ta có thể hiểu được nó hay ở đâu, tại sao, nghĩa là có thể mổ xẻ rồi tổng hợp lại như nhà hóa học đối với không khí hay nguyên tử vậy thôi.

đ. Phạm Quỳnh và những cụ Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế trong khu bàn cãi nhau về Truyện Kiều không phải là đứng trên lập trường nghiên cứu văn nghệ mà đứng trên lập trường chính trị nên không thể làm nổi bật quan điểm của họ (quan điểm văn nghệ) lên được.

D. Phải biết phân tách và tổng hợp trong khi nghiên cứu tác phẩm văn nghệ, nghĩa là cũng phải nghiên cứu bằng một phương pháp khoa học. Truyện Kiều tả những gì? Vở kịch Kiều gồm những cảnh: yêu Kim Trọng, bán mình, làm đĩ, làm vợ lẽ, lấy Từ Hải, đi tu, tự tử trên sông. Bao nhiêu nhân vật lên sân khấu, Kiều, Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến và những vai lâu la tiểu tốt, Kim Trọng, Thúy Vân, cha mẹ Kiều, Vương Quan, nhà sư. Nhìn chung lại thấy ngay trong đó có hai phe, một phê là Kiều làm tiêu biểu, chịu đựng tất cả mọi nỗi chua cay mặn chát của thời đại lúc đó, (kèm bên cạnh có người không chịu đựng một cách ngang  tàng không biết trên đầu có ai mà Từ Hải làm tiêu biểu), một phe khác là gây nên tất cả những nỗi chua cay mặn chát ấy là Khuyển Ưng, Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến, những người của giai cấp thống trị lúc đó. Truyện Kiều phản ánh ra những tình cảm tâm trạng của một thời đại xã hội chứ không phải là của một người.  Nhân dân Việt Nam gặp những tình cảnh như thế, có những tâm trạng như thế rất nhiều trong xã hội Việt Nam còn tồn tại  thế lực của giai cấp phong kiến nên Truyện Kiều thông cảm được với nhiều người, nhiều người ấy nhờ nó, thích nó, sửa chữa nó cho thành một tác phẩm hay ho của dân tộc Việt Nam, làm vẻ vang cho dân tộc Việt Nam.

Đ. Trên thái độ và bằng phương pháp nghiên cứu vừa kế thừa đó chúng ta nhìn nhận Truyện Kiều thì chúng ta thấy rằng Truyện Kiều là phản ánh những nỗi chua cay mặn chát của dân tộc Việt Nam dưới chế độ phong kiến đồi bại, tàn nhẫn của những người chỉ biết chịu đựng chứ không biết, không dám phản kháng, một góc xã hội trong thời đại của Nguyễn Du hay thời đại phong kiến suy đồi. Cũng vì thế những người Việt Nam mới thích nó mà nó mới sống và phát triển, cải tạo thêm mãi được đến thành một áng văn chương kiệt tác của dân tộc. Chúng ta nghiên cứu Truyện Kiều để giải quyết nhiều vấn đề về sáng tác và nhận xét tác phẩm.

Nói qua về thái độ và phương pháp nghiên cứu để bước vào nghiên cứu sơ lược Truyện Kiều như sau:

II. Địa vị và giá trị Truyện Kiều

A. Truyện Kiều đã thành một áng văn chương kiệt tác của dân tộc Việt Nam chứ không còn là của một số người hay của một giai cấp nào cả.

a. Truyện Kiều đã tự sống được trong nhân dân, không cần phải ai đề tựa, giới thiệu, cũng không cần một bức điện của nhà đương cuộc nào lấy khước cả (thời đó không có điện), bằng sức nghệ thuật của nó. Nghệ thuật ở đây là kỹ thuật viết và nội dung trình bày kết hợp lại, từ sao chép đến học thuộc lòng đến in đến dịch ra tiếng nước ngoài.

b. Câu chuyện nói về nỗi đời éo le của Kiều đối với người sống trong thời đại xã hội còn hoàn toàn phong kiến, lấy nghề nông làm cốt, giao thông chưa ra khỏi làng huyện, tỉnh, đời sống thắt chặt vào vườn ruộng, hoàn toàn bị bó buộc trong “quạt nồng ấm lạnh”, chỉ tiếp xúc với trong bằng họ hàng, làng mạc, xóm giềng thì đời ép le của Kiều là một chuyện “kinh thiên động địa” rồi đó.

c. Những tình cảm, tâm trạng, nhân vật trong truyện được phô bày ra một cách xác thiết, rõ rệt, bản chất. Nào là tình cảm Kiều đến thì, gặp Kim thành yêu; phải bán mình lỡ duyên thì phải gán em vào thay mình để giữ tiếng cho gia đình; người con gái bị mất trinh lần đầu tiên một cách nhơ nhớp đòi tự tử; đã chót mà không thể thoát nổi thì cũng chết luôn trong nhà đĩ; gái giang hồ gặp người đàn bà lận đận giang hồ mãi rồi gặp Từ Hải thì đền ớn báo oán, oán to nhất là oán Hoạn Thư; con người ngang dọc không biết trên đầu có ai vẫn cứ đến nghe lời đàn bà ra thú như Từ Hải; bọn quan nhà vua giết chồng đoạt vợ như Hồ Tôn Hiến... đều là những tình cảm rất thông thường trong xã hội phong kiến. Nào là tâm trạng Kiều thương hại Đạm Tiên; Kiều bảo Kim Trọng “đừng điều nguyệt nọ hoa kia; rồi thấy “dơ dáng dại hình” sau cuộc ăn nằm với Mã Giám Sinh; bao nhiêu lần nhớ nhà mà đầu tiên là nhớ Kim Trọng trước đến sau vẫn cứ còn phảng phất hình ảnh của Kim Trọng; những phút “khóc thầm”; những phút ra oai với Hoạn Thư... cũng là những tâm trạng của nhiều con người còn sống trong xã hội còn kinh tế phong kiến như xứ ta hồi đó và hồi sau. Nào là thư sinh Kim Trọng, Thúy Vân hiền hậu, Kiều sắc sảo, trước họng mưu Sở Khanh, “oai Tú Bà” kế “nước vỏ lựu máu mào gà”, sợ vợ Thúc Sinh, ghen Hoạn Thư, tướng Từ Hải, quan Hồ Tôn Hiến, lính lệ “nách thước tay đao”... đều là những nhân vật tìm ngay từ bất kỳ nơi nào trong nước ta hồi Nguyền Du mà ngay cả trong nước ngày nay một phần nào nữa. Vì những tình cảnh, tâm trạng nhân vật ấy rất quen thuộc với nhân dân Việt nam nên nhân dân Việt thấy được hình ảnh mình trong Truyện Kiều nhiều lắm, thậm chí đến ngay những lúc bất ngờ mở Truyện Kiều ra cũng hay gặp những tình cảnh hay tâm trạng na ná với của mình  hay có thể dính dáng đến mình được thành ra đến người phải bói Kiều.

d. Truyện Kiều thành của dân tộc Việt Nam còn ở kỹ thuật của nó. Những câu hay nhất hay được người ta nhắc nhủ, nhớ đến luôn từ lúc họp hội "Tao đàn" đến những lúc nghe mùi nước đái khi ru con đều ngâm, ru bằng những câu Kiều ấy, phần lớn là những câu hoàn toàn, hay phần lớn là tiếng nôm hay cũng có những câu đắc ngữ nhưng đã quen thuộc với người mình lắm rồi. Trừ một số tật "sính Tàu" như sau đây "sính Tây" (một bệnh đặc biệt của người trí thức trong những xứ mất nước và nhiều khi truyền nhiễm đến cả nhân dân nữa đấy) ra thì rất nhiều hình ảnh, ý thơ rất điêu luyện được pho bày ra rất rạch ròi không cầu kỳ, không ngoa ngoắt theo tiếng nói của nhân dân Việt Nam, do đó mà mọi người Việt Nam đều hiểu được mà thích nói. Một tác phẩm muốn là đại chúng phải là dân tộc.

B. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng Truyện Kiều là sản phẩm của dân tộc Việt Nam trong hồn Lê mạt, nghĩa là trong lúc phong kiến suy đồi tàn tạ, trong nước hầu như vô chính phủ. Nông dân vốn không là một giai cấp lãnh đạo phá vỡ phong kiến để lập ra một xã hội khác, dù có một số thủ lĩnh nổi lên chống lại đi chăng nữa rồi cũng hủ hóa hay bị bọn quý phái ma quỷ lợi dụng bán họ đi để lập ra một triều đình nào đó thành ra trong hồi đó tâm trạng chung của nhân dân là chịu đựng cho qua ngày, nhưng không phải là tuyệt vọng với tương lai, nghĩa là hễ hơi gặp một cơ hội gì là bám lấy tìm sống. Lại cũng không được giáo hóa, nhất là không có duyên gì với khoa học, của riêng trong thời phong kiến, nên không thể hiểu được nguyên do chính của sự đồi bại của giai cấp thống trị và nỗi điêu đứng của mình, nên chỉ trông chờ vào số phận, trông vào Trời có mắt. Họ không dám tin vào sức của mình mặc dầu cũng có những người hiên ngang muốn hay đã làm phản, kết cuộc rồi cũng chỉ thấy cái thua là hết, Nguyễn Du đã đem được phần lớn tình cảm, tâm trạng của thời đại ấy trong nhân dân Việt Nam và phô bày ra trong Truyện Kiều. Tinh thần chịu đựng ấy đã hiện hình trong tất thảy mọi chịu đựng cảnh thanh lâu, chịu đựng mọi sự, chịu đựng đến sức con người không thể chịu đựng nổi nữa mới kết thúc nó trong dòng sông Tiền Đường. Nhưng nhân dân hồi đó không phải chỉ là chịu đựng mà không căm hờn, oán giận. Tinh thần căm hờn oán giận ấy hiện hình ra bằng những lời than "bạc mệnh", những giọng chửi rủa lũ lính lệ "đầu trâu mặt ngựa", giọng mai mỉa lũ sỏ lá "mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao"; những sự tách bọn con buôn "bán tơ" và bằng nhất thời "dọc ngang bào biết trên đầu có ai". Nhưng căm hờn, oán giận cũng chỉ hơi hơi lộ ra thế thôi, khi nào chịu đựng không nổi, giấu bọc trong "hờn số, giận phận" không nổi nữa mới hở ra ít chút thế thôi. Nông dân không có sự chống chọi gì lớn, mạnh nên trong Truyện Kiều không thể có tinh thần phản kháng hùng hồn như ta thấy trong Thủy Hử được. Truyện Kiều đem theo những khuyết điểm của thời đại: định mệnh, tiêu cực. Ngoài ra, còn  đeo theo một hệ tư tưởng lớn phong kiến, không cho phép vô hậu, nên bất đắc dĩ thêm vào việc "Tái hồn Kim Trọng một cách kém duyên dáng và hút người như từ đoạn sông Tiền Đường trở về trước nữa. Tư tưởng ảnh hưởng đến kỹ thuật là thế đấy. Truyện Kiều là một áng văn chương kiệt tác của dân tộc Việt Nam trong thời Lê mạt, nên đã có tất cả những ưu điểm và khuyết điểm của thời đại.

III. Truyện Kiều và tác giả Nguyễn Du

Truyện Kiều là sản phẩm của thời đại, nghĩa là của thời Lê mạt ở Việt Nam, nhưng nó không phải là những câu chuyện kể rong khắp nơi chắp lại thành như cuốn Thủy Hử bên Tàu. Nó là tác phẩm của một tác giả hẳn hoi: Cụ Tiên Điền Nguyễn Du. Cho nên công tội của Nguyễn Du trong tác phẩm của mình nhất định Nguyễn Du phải gánh lấy.

Nguyễn Du là người "nhà nho thất thế" vì không gặp chủ. Vua Lê thất bại, thì tất nhiên Nguyễn Du không phải là hạng người hoàn toàn vì thế mà chán nản, mà hoàn toàn tiêu cực như Lý Bạch hay người khác. Nguyễn Du cũng còn giữ được phần ảnh hưởng phản kháng của cha ông một phần nào. Nhưng phần ấy trong tư tưởng Nguyễn Du rất ít, rất mỏng. Cho nên trong tác phẩm của mình: Truyện Kiều, tỏ ra rất nặng phần u uất, chịu đựng tiêu cực, gặp trường hợp phản kháng của Từ Hải cũng không thể làm gì nổi, chẳng có cái gì tích cực với đề tài ấy, nên kết thúc đời Từ Hải bằng cái "chết đứng".

Nguyễn Du là một "nhà nho thất thế" nhưng không phải là hạng thất thế rồi bầu rượu túi thơ như Lý Bạch mà là người tìm tòi sống, tìm ngày mai. Nguyễn Du nay đây mai đó, lang thang tìm chỗ bám lấy đời. Nên do đó mà gần gũi nhân dân, nghe, thấy trong nhân dân nhiều, nên gần được nhân dân một phần nào: làm thơ nôm, dùng hình thức trên sáu dưới tám, oán ghét bọn lính lệ "đầu trâu mặt ngựa", căm giận bọn "bán tơ", hằn học với quan vui "Hồ Tôn Hiến", mai mỉa thằng sợ vợ ''Thúc Sinh", ghét lũ "Sở Khanh" là những thu hoạch của Nguyễn Du trong khi gần gũi nhân dân, cũng là khiến cho Nguyễn Du thành thi sĩ của nhân dân.

Nguyễn Du là "nhà nho" tất nhiên tiêm nhiễm đầy đủ những tật tệ của bọn sĩ phu Nho giáo: Sính Tàu là một tật tệ của những sĩ phu mất nước hồi đó và hồi sau (sính Tây). Không tìm ra chuyện sẵn có trong xã hội, nhân dân Việt Nam mà lấy cái chuyện tầm phơ bên Tàu: "Thanh Tâm tài nhân" (một cái gì mà chính người Tàu cũng không mấy người biết hay không, còn người biết đến đem về làm của quý, làm đề tài viết văn, làm thơ.. Tình cảnh, tâm trạng, nhân vật thì hoàn toàn Việt Nam nhưng cố khoác cái áo Tàu vào, nào là sông Tiền Đường, Lễ Đạm Thanh, nào là Lâm Chuy...nhưng kỳ thực những cái đó chỉ là vỏ Tàu cho oai thế chẳng khác gì những người trong thời mất nước cho Tây mà "sính Tây" bằng lấy tên không Tây, không Tàu, không ta như Leiba, Tchya...hay lối cắt ngang câu xuống dòng trong khi làm thơ...Nguyễn Du cũng còn mắc cái tật mê tín, duy tâm của những "nhà nho". Đời éo le của Kiều phải là tiền định, số phận của Kiều do Đạm Tiên báo mộng, và chủ nghĩa đoàn viên cho có hậu, hồn theo gió về hương hoa...những chuyện quá mê muội. Nhưng những cái ấy phần là lúc đầu Nguyễn Du mới khăn áo nhà nho ra cầm bút viết, nhớ mình lắm. Nhưng dần dần đến sau khi Nguyễn Du tiếp xúc và say dắm trong những tình cảm của người đời ấy, những tâm trạng, nhân vật của người đời ấy thì những sự thực ấy xua đuổi bản ngã của Nguyễn Du đi nhiều lắm. Cho nên Truyện Kiều của Nguyễn Du mới thành câu của nhân dân được. Nếu không, lúc nào cũng khăn áo nhà nho chỉnh tề viết từ đầu đến cuối như Phan Trần, Lục Văn Tiên, Hoa Tiên, Chinh Phụ Ngâm, Tần Cung oán...thì sẽ cũng như những cuốn ấy gặp một số phận khá hẩm hiu trong dân chúng, đối với địa vị Truyện Kiều.

Những thành tích và khuyết điểm của Nguyễn Du chưa phải là hoàn toàn quyết định giá trị của Truyện Kiều, mặc dầu nó chiếm phần lớn. Vì Nguyễn Du, không phải hoàn toàn đồi phế, chán đời mà gần nhân dân nên nghe, thấy được những hơi thở của phần nào nhân dân. Cho nên trong Truyện Kiều đưa những hơi thở và nhịp điệu của con tim nhân dân trong những phút nào. Vì vậy mà Truyện Kiều có nhiều chỗ rung nhịp điệu của nhân dân mà thông cảm với nhân dân. Nhân dân yêu nó, mến nó, quý nó, coi nó là của mình, nên truyền tụng đi. Trong khi truyền tụng đi nhân dân sửa những nhịp điệu, âm điệu lệch lạc không đúng với của mình, dần dần rồi mới thành Truyện Kiều hoàn chỉnh, hay ho như ngày nay. Cho nên nói Truyện Kiều là một sản phẩm của dân tộc Việt Nam trong một thời đại nào đó còn có ý nghĩa là nhân dân đã tham gia tập thể sáng tác, góp sức với Nguyễn Du nhiều trong Truyện Kiều. Những cái mà người ta bảo là tam sao thất bản kia tức là những bản có các thứ ý kiến của nhân dân trực tiếp hay qua tay người trí thức gần gũi họ đưa ra đó. Một tác phẩm đại chúng không phải là do tay đại chúng trực tiếp sáng tác ra (bằng tập thể nghiên cứu viết hay truyền khẩu, hay kể chuyện...) cũng phải trải qua sự thẩm xét của đại chúng, sửa chữa của đại chúng rồi mới có được.

IV. Văn chương Truyện Kiều

Về văn chương Truyện Kiều đã có nhiều người mổ xẻ, chia cắt phơi bày ra nhiều rồi, đồng thời nhiệm vụ bài này không lôi thêm phần ất là phần chuyên môn hơn vào vì năng lực, thì giờ, công việc, mọi điều kiện quy định nên không dài lời.

Chỉ trình bày mấy nguyên tắc sau:

A. Khi chúng ta thấy những câu văn hay không nên chỉ bo bo đếm từng chữ, chữ này hay, chữ kia dở mà nên tìm ra những hình ảnh của câu văn ấy thế nào, so với sự thực, so với nhân vật, tình cảnh, tâm trạng ấy, trình độ thiết thực, rõ ràng, sâu sắc đến đâu. Giá trị của câu thơ không chỉ dùng ở dùng chữ, dùng danh từ mà cốt là ở chỗ trình bày hình ảnh.

B. Khi chúng ta nghiên cứu đến cách sắp đặt từng đoạn, từng chi tiết phải đặc biệt cân nhắc phần lượng, xác thực, thiết tha, của nó về nội dung từng đoạn về so sánh với toàn bộ tác phẩm. Địa vị và ý nghĩa của nó.

C. Gặp những đoạn tả tình, tả cảnh, tả người hay, chúng ta nên cố gắng tìm cho ra những tình trạng, tình cảnh, nhân vật giống như thế hay tương tự như thế trong các văn học, thơ ngoại quốc để so sánh tìm những tình, cảnh, người Việt Nam khác với người nước ngoài thế nào, nguyên do của sự khác đó lại phải đi tìm ở điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa phong tục, rồi chúng ta sẽ có nhận thức rõ rệt hơn về thế nào là dân tộc tính. Rồi so sánh với những tình, cảnh, người trong văn thơ, thơ của sĩ phu quý pháo để nhận thấy thế nào là tình, cảnh, người của đại chúng....

Mấy nguyên tắc chính trong khi nghiên cứu văn chương Truyện Kiều là như thế.

V. Kết luận

Để kết luận, đưa ra điều kiện xét tổng quát của tôi về Truyện Kiều và Nguyễn Du, Truyện Kiều là một kiệt tác văn nghệ của dân tộc Việt Nam hồi Lê mạt. Nó phản ánh ra tình, cảnh, người của tầng lớp người bị bắt nạt trong thời kỳ hỗn loạn của thời ấy với tất cả tinh thần tiêu cực chịu đựng, mặc dầu vẫn thổ lộ ra những căm hờn, oán giận những kẻ tay sai của giai cấp thống trị hồi đó, và tất cả sự không dám tin vào sức mình của họ (quy vào số phận để chịu đựng). Nhưng áng văn chương ấy có giá trị nhất khiến cho nó thành ra của dân tộc, của nhân dân là chỗ bất kỳ tả tình, cảnh, người là được rất xác thiết, đúng mực và sâu sắc, rất đúng với nhịp điệu rung động của tình cảm của người ấy trong tình cảnh ấy. Vì nó lại dùng những hình ảnh, lời lẽ của dân tộc, của nhân dân và hình thức dễ gần nhân dân nhất nên nó mới thành một tác phẩm của người Việt Nam. Đó là vì Nguyễn Du không phải loại "nhà nho thấy thế" chán đời, giận đời mà là một "nhà nho thất thế" chịu đựng để đợi thời (trong khi đợi thời thì tìm trong một phần nào nhân dân hạng "gia tư thường thường bậc trung". Nhưng Truyện Kiều mang nhiều khuyết điểm của thời đại và giai cấp trí thức phong kiến nên còn để lại nhiều điều khiến cho người ta không hoàn toàn tán thành toàn bộ Truyện Kiều, coi như là một tác phẩm tận thiện, tận mỹ. Nó còn đeo nặng vết tích "định mệnh" của "Nho Phật" giáo, do đó Truyện Kiều bị một số người mạt sát. Vì nó là phản ảnh tinh thần chịu đựng của hạng người "gia tư thường thường bậc trung" trong thời hỗn loạn như hồi Lê mạt nên thiếu tinh thần quật cường của phần lớn nhân dân lao khổ hồi đó (bởi qua đề tài quan trọng là Từ Hải). Nó còn nhiều chỗ dùng diện tích, đất, sông Tàu, đeo nặng tinh thần mất nước. Đó là vì Nguyễn Du là một trí thức phong kiến đeo nặng tinh thân Nho, Phật giáo, đeo nặng tất sính Tàu và khép mình vào quy củ chủ nghĩa đoàn viên.

So công và tội Truyện Kiều, Nguyễn Du thì chúng ta thấy phần công vẫn to hơn, nghĩa là tin chắc rằng chúng ta có thể lấy Truyện Kiều làm một vinh dự cho nền văn hóa, nhất là văn nghệ của dân tộc Việt Nam. Mạt sát là có tội với dân tộc, nhân dân và tác giả.

(Đề cương của buổi nói chuyện với các giáo sư và học sinh chuyên khoa trường Thiếu sinh quân -Thanh Hóa, 1948)

21.10.1949

Lam Phong (Bút danh của Tướng Nguyễn Sơn)