Cảnh giác với truyện về tình yêu đồng giới

ANTĐ - Không cần phải ra hiệu sách, chỉ cần gõ một vài từ khóa trên mạng là có thể dễ dàng tìm được hằng hà sa số những cuốn tiểu thuyết, truyện tranh từ Trung Quốc, Nhật Bản nói về tình yêu và… quan hệ thể xác đồng giới. Đáng lo ngại, loại truyện này đang được một bộ phận không nhỏ độc giả trẻ Việt Nam săn lùng.  

Những cuốn truyện nói về tình yêu đồng tính nam được các độc giả nữ săn tìm

Không chỉ là hiếu kỳ

Để hiểu hơn về loại truyện khiến các thiếu nữ “mất ăn mất ngủ”, tôi nhờ Diệu Hà, học sinh trường THCS Nguyễn Du, Hà Nội, thành viên tích cực của nhiều website, fanpage chuyên săn lùng các bộ truyện ăn khách. Theo Hà, đam mỹ (phiên âm là danmei), xuất xứ từ Trung Quốc, được hiểu nôm na là “đam mê cái đẹp”, kể về chuyện tình yêu của hai nhân vật nam giới. Để có thể gia nhập thế giới “hủ nữ” - những cô gái tôn thờ tình yêu giữa những người đồng tính nam, giống như bất cứ độc giả nào khác, Hà phải làm quen với rất nhiều thuật ngữ, như thế nào là “công”, là “thụ”, đến các thể loại của nó như “huyền huyễn”, “ngược luyến tàn tâm”… “Nếu không nắm chắc những khái niệm này, coi như chưa phải là hủ nữ” - Diệu Hà cho biết.

Cũng là “anh em”, thậm chí được coi là khởi nguồn của đam mỹ là yaoi, một thể loại truyện tranh Nhật Bản nói về mối quan hệ đồng tính. Yaoi có nghĩa là “không cao trào, không điểm nhấn, không ý nghĩa”, nhưng thực sự đã trở thành món ăn tinh thần thu hút hàng triệu độc giả khi ngoài câu chuyện tình yêu, dòng truyện này còn không ngại khai thác những cảnh trần trụi, táo bạo của các nhân vật nam chính. Truy cập vào “ngôi nhà” của giới yêu đam mỹ và yaoi có số lượng người hâm mộ lên tới 15.000 người trên facebook, dễ dàng choáng ngợp bởi vô số hình ảnh những chàng trai với làn da trắng, môi đỏ, dáng người thanh mảnh như nữ giới với dáng điệu lả lơi, khiêu khích. Đáng ngại hơn, trang này còn phơi bày những cảnh quan hệ tình dục giữa hai nhân vật, trong đó có cả những cảnh đày đọa, hành hạ về thể xác khiến ai cũng rùng mình. Đáng nói, những cuốn truyện yaoi dù được gắn mác 18+, nhưng có thể dễ dàng tiếp cận người đọc, nhất là độc giả nhỏ tuổi. Khi nó càng giật gân, càng “nóng”, các NXB càng chạy đua để cho ra mắt càng nhiều bộ truyện, với số lượng ngày càng tăng, đáp ứng sự tò mò, hiếu kỳ của người đọc.

Lập “hàng rào miễn dịch”

Từ vài năm trước, tiểu thuyết đam mỹ, truyện yaoi đã du nhập và nhanh chóng gây ra cơn sốt đối với nhiều độc giả trẻ Việt Nam, nhất là bạn đọc nữ. Không chỉ dễ dàng đến tay người đọc qua các diễn đàn, các website sách, truyện khổng lồ, đi cùng với độ “phủ sóng” đáng kinh ngạc của dòng văn học phi chính thống này, có cả trào lưu sáng tác truyện, với sự hưởng ứng của đông đảo các cây bút, trong đó có cả những độc giả thuộc thế hệ… 2000. Có lẽ, các cô gái cũng ý thức được sự “bất bình thường” của việc sùng bái những câu chuyện tình luyến ái, nên không ít bạn đọc lén lút, tránh sự xét nét, cấm đoán từ phía các bậc phụ huynh. Nhưng từ đó, trên các diễn đàn đã nảy sinh những dòng tâm sự với những với những lý lẽ riêng của hủ nữ, chấp nhận bị coi như kẻ biến thái, lệch lạc về nhận thức còn hơn phải từ bỏ “mối tình” với đam mỹ. 

Xa hơn, việc chìm đắm trong dòng văn học phi chính thống này lại sinh ra hàng loạt hệ lụy khi ngày càng nhiều bạn trẻ dành phần lớn thời gian cho những câu chuyện tình yêu ảo tưởng, trở nên sống khép mình, có cái nhìn tiêu cực trước thực tại. Thậm chí, vì lý tưởng hóa tình yêu đồng giới, nhiều cô gái tuyên bố tôn thờ chủ nghĩa độc thân vì không tin rằng mình có thể tìm được mối tình phiêu lưu và đáng để dấn thân như truyện. 

Nhận định về việc một bộ phận giới trẻ ngày càng chìm đắm trong những câu chuyện tình đồng giới, thầy Bùi Việt Thắng - giảng viên khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường Đại học KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, dù chưa thể kết luận đây là một dòng văn học “nguy hại”, nhưng rõ ràng loại truyện này có ảnh hưởng không tốt đến thị hiếu của độc giả. Xa hơn, nếu để dẫn đến mức “nghiện” hay mê muội thế giới đam mỹ, thì có thể gây ra những biểu hiện “lệch lạc” về tâm lý. Vấn đề là cần thiết lập “hàng rào miễn dịch”, hướng dẫn thị hiếu thẩm mỹ, thay vì cấm và can thiệp thô bạo. Viết, thích đọc truyện đam mỹ nên chỉ dừng lại ở việc giải trí, thỏa mãn một sở thích nhất thời, đừng lệ thuộc vào nó, không để nó trở thành phương châm sống của chính bản thân mình.