Những cái chết bất thường và chuyện long mạch “ăn thịt người”

ANTĐ - Trên cung đường Bắc - Nam được đồn có một con dốc “ma quỷ”, từ đây hình thành nên những câu chuyện về “mạch đất ăn thịt người” ám ảnh người dân địa phương. Từ những sự việc bất thường đến cả những án mạng đau lòng, khiến người dân tin rằng long mạch đã bị động…

Những vụ án mạng bất ngờ

Chúng tôi tìm về một con dốc nhỏ chạy dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh km162 thuộc địa phận xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đoạn đường thoạt nhìn bình yên, nhỏ hẹp nhưng trong vòng 20 năm trở lại đây, từ người già đến trẻ nhỏ đều biết nó là nơi xảy ra nhiều điều tai quái, đã không ít người phải bỏ mạng tại con dốc này.

Câu chuyện xảy ra với gia đình ông Trường - một trong số những gia đình được cho là ở vào chính giữa mạch nước xói ấy đi qua. Gia đình ông có người con lớn tên là Sáng, được ông bà dựng vợ gả chồng cho ngay từ khi trưởng thành. Vợ anh tên Đỡ, là người cùng làng. Từ ngày cưới, vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, trời cho lộc sinh được một gái một trai. Ở vùng bán sơn địa, tre luồng tốt tươi, con trai ông là một trong số những người tiên phong đi thu gom tre, nứa, mai, luồng về để nhập cho nhà máy giấy xã bên. Làm ăn thuận lợi, kinh tế phất lên trông thấy ai nhìn vào cũng mừng cho đôi vợ chồng trẻ. Nhưng ai có ngờ hạnh phúc ngắn chẳng tày gang! Buổi sáng định mệnh mùa thu năm 1997 là một nỗi kinh hoàng trong tâm trí ông Trường cùng gia đình lẫn người dân địa phương. Ai cũng khẳng định, sáng hôm ấy Đỡ còn đi chợ, mua lòng lợn và rượu thịt tươm tất về thiết đãi những người trong tổ làm. Đến khi mọi người thấy trong nhà nồng nặc mùi thuốc sâu, chạy vào thì thấy cảnh tượng: Đỡ vẫn đang ngồi bên nâm cơm vừa dọn xuống, nhưng cổ đã gục xuống và máu trào ra. Sáng sau khi hạ sát vợ, y uống thuốc sâu nhưng khi thuốc chưa ngấm nên giật dây điện chích chết ngay sau đó.

 Án mạng xảy ra quá nhanh và chẳng một lời lý giải, một người hàng xóm của gia đình ông Trường là bà Nguyễn Thị Biên nhớ lại: “Hôm đó công an về đông lắm nhưng cả hai vợ chồng đã chết rồi. Cả người trong nhà và họ hàng, láng giềng như chúng tôi cũng chưa bao giờ nghe thấy họ to tiếng với nhau bao giờ. Nhìn nâm cơm nhuốm máu và những đứa con bị bỏ lại trên cuộc đời hồn xiêu phách lạc, ai cũng ám ảnh xen lẫn cảm thương”…

Đến những cái chết “bất đắc kỳ tử”

Cùng ở trên mạch đất ấy với gia đình ông Trường là nhà bà Xuân. Sau cơn đại dịch kiết lỵ nghiêm trọng xảy ra trên xã những năm 1970 thế kỷ trước, bà Xuân còn được 6 người con 3 trai, 3 gái. Chồng chết sớm, 3 người con trai của bà đều cũng chết cả. Những cái chết tức tưởi đến nỗi bà buồn chán, mượn rượu giải sầu rồi chết trong khổ đau. Người con dâu của bà, chị Nguyễn Thị Bình nhớ lại: “Hai chú nhà tôi mất khi ở tuổi thiếu niên, đều chết vì bom đạn nhưng đó là khi chiến tranh đã qua đi rồi. Cái chết của chú út tên Định là cú sốc đầu tiên của bà nội bọn trẻ. Năm ấy chú 12 tuổi, đi chăn trâu nhặt được quả lựu đạn vẫn còn nguyên nên rủ vài người bạn tụm lại xem có nổ hay không. Chú út chết mặt mũi chẳng còn, tay chân đi mỗi đằng một nẻo. Khi mọi người gọi mẹ chồng tôi ra nhận xác con, bà chẳng khóc được, khư khư ôm đầu con về đặt trước nhà”. 

Nước mắt bà Xuân chưa khô thì 2 năm sau anh con trai thứ cũng bỏ bà đi. Anh dò sắt vụn bán, những người làng đi cùng anh hôm đó cho biết còn nhớ rõ gương mặt vui mừng của anh bao nhiêu khi phát hiện dò được khối sắt to, hỳ hục đào chẳng may gặp phải bom. Chứng kiến cảnh đứa con thứ hai chết không toàn thây cũng vì chất nổ, bà Xuân chẳng còn khóc được nữa, trở nên ngây dại. Không có ai trông coi là bà lại một mình thẩn thơ ra khu ngày xưa bị Mỹ thả bom để ngăn bọn trẻ nghịch ngợm hoặc tìm sắt vụn. Chị Bình kể lại: “Còn đến khi chồng tôi lâm trọng bệnh qua đời vào năm 2004 thì nỗi đau đã bị chai sạn trong lòng mẹ chồng tôi rồi. Sau 4 năm người con trai cuối cùng mất đi thì bà chìm trong những cơn say triền miên và qua đời”... 

Không chỉ dừng lại ở đó, một sự việc nữa diễn ra khiến người dân hoang mang một thời gian chính là cái chết đầy khó hiểu của cô con gái út nhà ông Trường - cứ tưởng bi kịch gia đình ông chỉ dừng lại ở án mạng năm xưa đã là quá lớn, ai ngờ... Tuy làm lụng vất vả, nhưng ở thì con gái đang xuân sắc nên cô vẫn khiến nhiều chàng trai trong vùng say đắm. Khi gia đình hai bên đã tính chuyện cưới hỏi, thì vào mùa lạc năm 2007 không ai còn thấy cô nữa mà chỉ tìm được lá thư cô để lại chào gia đình. Sau 3 ngày bặt vô âm tín, khi gia đình múc nước giếng thấy có mùi lạ, báo công an và thuê người trục vớt thì phát hiện xác cô đã ở giai đoạn phân hủy. Cái chết của cô như đánh gục gia đình ông Trường, và khiến cho người dân càng bàn ra tán vào về mạch đất đáng sợ đó.

Thực hư “mạch đất ăn thịt người”? 

Mạch đất là một trong những yếu tố quan trọng để cân nhắc, quyết định khi làm nhà trong quan niệm của người Á Đông. Gặp long mạch thì gia thịnh, tài lộc đại cát. Nhưng theo phong thủy long mạch không phải vùng đất nào cũng có, mà tùy vùng, tùy nơi. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng khi khí dương vượng quá cũng không tốt, mà tốt nhất chọn đất làm nhà nên là nơi âm dương hài hòa thì mới vượng. Nói về mạch đất bị mang tên “ăn thịt người”, các cụ cao niên trong làng biết nhiều ít về phong thủy cho rằng: Mạch đất ấy xấu lắm, chỉ có lấy đi, bào mòn tận gốc chứ không thể phát lên được. Hơn nữa những ngôi nhà ở trên mạch đất ấy đều ở giữa mạch xói ngày xưa bị lấp đi. 

Trong trí nhớ của bà Biên, khi xưa bà chuyển lên đây xây dựng vùng kinh tế, nơi này còn rậm rịt rừng gai. Mạch đất mà gia đình ông Trường, bà Xuân ở thực ra trước kia vốn là một dòng suối nhỏ đổ từ trên đồi cao xuống. Ngày ấy hươu nai còn nhiều thường ra đây tụ tập uống nước. Mùa mưa dòng nước thường bị xói trơ hết đất đá, sức xói của dòng chảy mạnh. Về sau, khi dân cư đông lên thì người dân mới nắn lại dòng chảy, đắp đất dựng nhà. Khi ông Trường, bà Xuân về đó ở những người biết xem đã khuyên can vài lần nhưng họ chỉ cảm ơn, vẫn quyết định chọn mạch đất xuôi theo con dốc đó dựng nhà ở. Chị Bình bảo do có nhiều cái chết bất thường nên người ta gọi nơi đây là mạch đất “đất ăn thịt người”, gọi mãi cũng thành quen. Giờ thì dân cư đã đông đúc lên nhiều, muốn chuyển đi đâu cũng không phải chuyện dễ. Vài năm gần đây, để tránh tai ương mọi người dân đã ở mạch đất ấy cũng gom được một ít tiền, mời thầy về làm lễ cúng Thổ địa, chấn phong thủy cho khu ấy rồi. Chị thấy từ đó mọi thứ dần yên ổn, mọi người yên tâm làm ăn nhưng vẫn chưa thôi bàn tán về những chuyện cũ.

 Thực tế đã có không ít những miền đất mà người dân sinh sống trên long mạch, và cũng nhiều nơi xảy những cái chết “bất đắc kỳ tử” mà phần lớn lời giải đều được người dân cho rằng bị động long mạch. Và trong đời sống tâm linh khái niệm long mạch và động long mạnh được nhắc đến như một sự thật hiển nhiên dù rất trìu tượng mà chưa một ai dám khẳng định là đã nhìn thấy, chạm vào được. Đồng thời cũng không có cơ sở khoa học để khẳng định những cái chết bất đắc kỳ tử là do động long mạch. 

Theo những kiến trúc sư có nghiên cứu về long mạch cho biết, thực tế vẫn có chuyện động, đứt long mạch sẽ làm những người sống trên mảnh đất đó bị ốm đau, bệnh tật. Do long mạch là nơi lưu thông khí trong lòng đất. Khí lưu thông tốt thì vạn vật tốt tươi. Ngược lại, dòng khí bị chặn, không “thông đồng bén giọt” sẽ ảnh hưởng đến vạt vật là đương nhiên, trong đó có sự sống của con người. Long mạch không phải chuyện mê tín dị đoan, mang màu sắc thần bí. Thế nhưng hiện có không ít người lợi dụng hiện tượng này để trục lợi dưới nhiều hình thức khiến cho những lời đồn thổi mê tín dị đoan về long mạch ngày càng rộ lên. Theo chuyên gia  Phong thủy Nguyễn Mạnh Linh không riêng gì Việt Nam và tất cả các nơi trên thế giới đều xảy ra các hiện tượng long mạch. Sống trên long mạch sẽ xảy ra 2 trường hợp là địa tầng và mạch nước ngầm ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Dân gian thường có hiện tượng lấp giếng để ở cũng được truyền miệng là “lấp mắt thần” dẫn đến bít khí. Còn để xác định nó ảnh hưởng thế nào thì phải trực tiếp đến khảo sát, dùng thiết bị, máy móc hiện đại để đo đạc chứ không thể nghe theo những lời đồn thổi, không có căn cứ”.