Quan hệ tình dục đồng giới cũng có thể lây nhiễm viêm gan B

ANTĐ - Tôi 35 tuổi. Gần đây tôi đi xét nghiệm máu mới biết là bị viêm gan B. Tôi có quan hệ với người đồng giới, xin hỏi bác sĩ, việc quan hệ như vậy có bị lây không, tôi phải phòng tránh cho người thân, điều trị như thế nào?

Trả lời:

Siêu vi viêm gan B (SVVG B) là một loại virut gây ra bệnh viêm gan. Theo ước tính của Tổ chức Y Tế Thế Giới, hiện có khoảng 350 triệu người mang siêu vi B, tập trung chủ yếu ở châu Phi, châu Á và Ðông Nam Á. SVVG B lưu hành trong máu, do đó lây truyền chủ yếu qua đường máu. Một số đường lây nhiễm khác là: mẹ truyền sang con: Ðây là đường lây quan trọng nhất; Lây qua đường tình dục, thậm chí cả hoạt động tình dục cùng giới hoặc khác giới; Truyền máu hoặc chế phẩm máu nhiễm siêu vi B; Tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân viêm gan B; Dùng chung kim tiêm có nhiễm siêu vi B. Các nguyên nhân khác: Xăm người, châm cứu, xỏ lỗ tai với vật dụng không được tẩy trùng tốt có thể lây truyền siêu vi B.

Thực tế hay gặp người lành mang virut viêm gan B và bệnh viêm gan cấp hoặc mạn. Thống kê cho thấy, người lành mang mầm bệnh siêu vi B chiếm khoảng 10 - 15% dân số. Những người này khi xét nghiệm máu có HbsAg (+) và men gan vẫn bình thường, toàn trạng không có biểu hiện gì bất thường (không có triệu chứng gì) nên không cần phải điều trị. Những người lành mang mầm bệnh vẫn có thể chung sống hòa bình với siêu vi B đến suốt đời. Nếu bạn là người lành mang mầm bệnh, bạn nên hạn chế uống rượu. 

 Tuy nhiên, cần tiêm vaccin phòng bệnh ngay cho những người thân trong gia đình nếu xét nghiệm người thân như vợ (chồng), con cái chung sống chưa bị nhiễm virut này. Trường hợp thứ hai là viêm gan cấp hoặc mạn do virut viêm gan B. Viêm gan cấp thường tự khỏi sau vài tuần, một số trở thành viêm gan mạn. Viêm gan mạn thường có rất ít triệu chứng như đau hạ sườn phải, ăn không ngon, xét nghiệm men gan tăng, HbsAg (+), HbeAg (+), HBV-DNA (+). Tuy nhiên, nếu bị viêm gan mạn thì bắt buộc phải điều trị vì dễ dẫn đến biến chứng xơ gan, ung thư gan sau này. Điều trị viêm gan siêu vi B rất tốn kém vì phải kéo dài trong nhiều năm, các loại thuốc cũng khá đắt tiền. Hiện nay, dù đã có cả thuốc tiêm và thuốc uống nhưng tỷ lệ điều trị thành công cũng chưa cao (chỉ khoảng 30%) và không chỉ định dùng cho người lành mang mầm bệnh.

Theo thư bạn nói, bạn mới xét nghiệm nhưng lại không nói rõ các chỉ số HbsAg, HBeAg, men gan (GOT, GPT) là bao nhiêu nên chúng tôi không thể biết bạn là người lành mang virut gây bệnh hay đang viêm gan mạn. Vì vậy, bạn cần đến khám ở bác sĩ chuyên khoa nội tiêu hóa của các bệnh viện để được theo dõi và hướng dẫn điều trị cụ thể.