Chứng khoán trong thời tranh tối tranh sáng: Không khéo sẽ thành người... "đổ vỏ"

ANTĐ - Không phải vàng hay BĐS, mà chính thị trường chứng khoán (TTCK) đã trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trong mấy tuần vừa qua. Trái hẳn với tình hình thê thảm hồi năm ngoái, thanh khoản ở những tuần gần đây đã gia tăng đột biến, một dòng tiền thực sự đang trút vào chứng khoán. Nhưng liệu đây có phải tín hiệu tích cực trong trung và dài hạn xuất phát từ hàng loạt các động thái từ phía cơ quan quản lý hay chỉ là “cơn sốt” gây nên do tâm lý bầy đàn của những kẻ đầu cơ, lướt sóng.

“Dopping” cho chứng khoán

Ảnh minh hoạ

Chỉ trong 2 ngày đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tới 3 văn bản, đó là Quyết định 252 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011-2020, Quyết định 253 phê duyệt Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, Chỉ thị 08/CT-TTg về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý TTCK. Với các văn bản này, các giải pháp hỗ trợ cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn cho TTCK đã được định hình, hướng thị trường đến sự phát triển lành mạnh, bền vững.

Tại Chỉ thị 08/CT-TTg điểm nhấn là phát triển TTCK thực sự trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tập trung tái cấu trúc Sở GDCK theo hướng hợp nhất; tái cấu trúc CTCK, công ty quản lý quỹ phù hợp với chủ trương tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng; tái cấu trúc nhà đầu tư (NĐT) theo hướng chuyên nghiệp bằng triển khai thành lập các công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán dạng mở; sớm nâng tiêu chuẩn niêm yết và đăng ký giao dịch. Ngoài ra, Thủ tướng còn chỉ đạo NHNN điều hành chính sách tiền tệ hài hòa với chính sách tài khóa, nhằm giảm lạm phát, qua đó, giảm mặt bằng lãi suất hợp lý, hỗ trợ TTCK phát triển bền vững… Có thể thấy, trước kia, nếu Chỉ thị 03 (về hạn chế cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán của NHNN) đưa TTCK xuống vực thì hôm nay Chỉ thị 08 có thể sẽ khiến TTCK phục hồi mạnh mẽ. 

Cùng với đó, sắp tới Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán sẽ được ban hành vào cuối tháng 3 này nhiều chuyên gia tin tưởng TTCK năm 2012 sẽ có bước thay đổi về chất. Việc minh bạch hóa thị trường cũng đang được hối thúc: “Dù khó đến mấy, cũng phải tách bạch bằng được tài khoản tiền của NĐT với CTCK, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của NĐT, qua đó đảm bảo cho TTCK hoạt động minh bạch, công bằng. Ủy ban Chứng khoán phải coi đây là nhiệm vụ ưu tiên cần hoàn thiện sớm. Việc tái cấu trúc CTCK cần được triển khai quyết liệt hơn, nhất là từ sau ngày 1-4 tới”, ông Vương Đình Huệ - Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu.

Theo ông Trần Thanh Tân, Chủ tịch CLB các Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam, sự khởi sắc của TTCK trong thời gian gần đây xuất phát từ tín hiệu lạc quan của nền kinh tế hiện nay và đó đang là tiền đề cho việc huy động vốn thành công để đầu tư trong thời gian tới. Trong 1-2 tháng tới, nhiều quỹ công bố sẽ đầu tư vào Việt Nam. 

Cơn sốt có thái quá?

Cho tới giờ, không chỉ có các nhà đầu tư lớn và các nhà đầu tư kỳ cựu bám trụ với thị trường suốt những năm khó khăn vừa qua, mà giờ đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người đã từng rời bỏ chứng khoán trong cả năm qua và cả những nhà đầu tư mới cũng đã bắt đầu nhập cuộc. Có thể thấy sự quan tâm của các NĐT đối với TTCK tại thời điểm này chủ yếu là vì các kênh đầu tư khác không mang lại kỳ vọng lợi nhuận như mong muốn. Hai kênh đầu tư vốn được coi là hấp dẫn và thanh khoản nhất trước đó là vàng và ngoại tệ đều ở trong xu hướng giảm từ đầu năm 2012 đến nay. Trong khi đó, thị trường BĐS tiếp tục đóng băng, cho vay BĐS lại nằm trong nhóm không khuyến khích. Ngoài ra, áp lực lo ngại từ việc bị thâu tóm bởi các đối thủ cạnh tranh đã khiến cho nhiều cổ đông nội bộ, cổ đông lớn đăng ký mua vào. Điều này đã cuốn hút dòng tiền mới trở lại vào thị trường trong khi các dòng tiền cũ vẫn tiếp tục duy trì chưa bị rút ra.

Bên cạnh những lạc quan về TTCK trong trung và dài hạn thì nhiều chuyên gia cũng cảnh báo các NĐT cần tỉnh táo trong giai đoạn tranh tối tranh sáng này. Bởi vì đa số NĐT cá nhân hiện nay là đầu cơ, lướt sóng mua cổ phiếu không căn cứ vào kết quả kinh doanh hay những phân tích tài chính cơ bản.  Suốt năm qua, TTCK Việt Nam đã chứng kiến sự suy giảm chưa từng có của hàng trăm cổ phiếu với thị giá xuống dưới mệnh giá. Nhưng cũng chính sự giảm giá đó đã tạo điều kiện cho một làn sóng đầu cơ cổ phiếu và tạo ra những cổ phiếu “nóng”, đem lại lợi nhuận cho khá nhiều NĐT mạo hiểm. Tuy nhiên, dòng tiền này đã tỏ ra hưng phấn thái quá khi chảy vào nhiều mã cổ phiếu yếu kém khiến mức độ rủi ro trên thị trường tăng cao. Nhiều cổ phiếu có khả năng bị hủy niêm yết hoặc kết quả kinh doanh rất yếu kém vẫn tăng điểm rất mạnh. Một số mã cổ phiếu không tăng giá nhiều trong thời gian qua, nhưng lại có giao dịch khá sôi động. Điều này tạo cơ hội cho nhiều NĐT tranh thủ lướt sóng.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy, những cổ phiếu này được mua vào bởi NĐT nội là chủ yếu, đặc biệt là các NĐT cá nhân. Họ hy vọng những cổ phiếu dưới mệnh giá là những cổ phiếu đã có một quá trình giảm giá khá mạnh, do đó, trong xu hướng thị trường khởi sắc, những cổ phiếu này sẽ đi lên. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, doanh nghiệp đang bị thâu tóm, nên cổ phiếu bị dìm giá. Nếu vụ thâu tóm thành công thì chắc chắn giá cổ phiếu sẽ được đẩy lên cao, nên quyết định mua vào các cổ phiếu này. Các chuyên gia cảnh báo, tâm lý đám đông mua cổ phiếu tăng nóng mà bỏ qua giá trị nội tại của doanh nghiệp rất dễ gặp rủi ro là người “đổ vỏ cuối cùng”.

Công ty nào sẽ bị gạch tên?

Theo Đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán, từ 1-4, công ty có tỉ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% và có lỗ lũy kế trên 50% vốn điều lệ sẽ bị kiểm soát đặc biệt. Nhóm này có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục như tăng vốn điều lệ, cơ cấu lại danh mục đầu tư, các khoản vay nợ; yêu cầu soát xét về tình hình tài chính, đầu tư, công nợ; giảm chi phí hoạt động, đóng cửa một số chi nhánh, rút bớt nghiệp vụ kinh doanh; thực hiện hợp nhất, sáp nhập hoặc giải thể, phá sản. Như vậy, đã có những động thái mạnh mẽ hơn với những công ty chứng khoán làm ăn thua lỗ. 

Trước đó, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng đã gửi bản kiến nghị tới Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc loại ngay một số doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn niêm yết ra khỏi các sàn giao dịch. Theo đánh giá từ VAFI, hiện có một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm, nợ nhiều không trả được hoặc chỉ thanh toán ở mức tượng trưng, không trích lập dự phòng đầy đủ về giảm giá chứng khoán hay về tỷ giá, rồi có tình trạng định giá tài sản quá cao… Những doanh nghiệp này không đủ vốn pháp định niêm yết hoặc thậm chí mất hết vốn điều lệ nếu hạch toán đúng theo các chuẩn mực kiểm toán. Có trường hợp mất khả năng thanh toán nghiêm trọng (chỉ thiếu hơn 1 tỷ mà công ty chứng khoán không có khả năng thanh toán cho Trung tâm lưu ký), trong khi vốn pháp định cho hoạt động môi giới chứng khoán là 25 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều đặc biệt nghiêm trọng là những cổ phiếu này hay được đầu cơ, thao túng giá cả và từ đó lôi kéo rất nhiều nhà đầu tư tham gia. Tình trạng giao dịch này được gọi là “kinh doanh đầu cơ xác chết” hay kiểu “truyền bom cho nhau” ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư chứng khoán.  

Vì những lý do trên mà VAFI đề xuất giảm tới 75% số công ty chứng khoán hiện có. “Hiện có quá nhiều công ty chứng khoán dẫn đến chất lượng công ty kém, nguồn nhân lực bị phân tán, cạnh tranh không lành mạnh. Chỉ số ít công ty hoạt động đầy đủ chức năng của một công ty chứng khoán (tư vấn, bảo lãnh phát hành...), còn đa số chủ yếu tập trung mảng môi giới, margin. Để thu hút nhà đầu tư, các công ty sẵn sàng cho vay gấp 5 lần vốn tự có. Tỷ lệ cho vay này không cố định mà thường xuyên thay đổi theo độ nóng lạnh của thị trường, vô hình chung biến chứng khoán thành sòng bạc” - ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký VAFI nêu ý kiến.

Đồng ý về việc giảm số công ty chứng khoán là cần thiết nhưng Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết không nên đặt ra một mục tiêu về số lượng cụ thể. “Hiện có hơn 100 công ty chứng khoán. Không thể cắt bỏ một cách máy móc xuống 50 hay 25. Nhưng chắc chắn sẽ có sàng lọc mà tiêu chí là chất lượng chứ không phải quy mô”.

Sau những thông tin về Đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán được đưa ra, cùng với động thái phân nhóm công ty chứng khoán từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã có hiện tượng các công ty tự rút lui. Liên tục xuất hiện các công bố công ty chứng khoán đóng cửa phòng giao dịch, đóng cửa chi nhánh, tạm ngưng môi giới… Với động thái này chắc chắn sẽ có nhiều NĐT “lãnh đủ”. Tuy nhiên cũng hy vọng TTCK Việt Nam sẽ vượt qua tuổi niên thiếu đầy bồng bột để bước vào thời kỳ chín chắn hơn.