Hiệu ứng từ UEFA

ANTĐ - Thời kỳ những đội bóng lớn vung tiền, vãi bạc đã không còn! Thị trường chuyển nhượng tháng 1 năm nay khép lại vào hôm thứ ba đúng với không khí ảm đạm của phiên chợ chiều, trong bối cảnh các CLB thắt lưng, buộc bụng vì sự điều chỉnh vĩ mô của UEFA…

Cách đây 12 tháng, thị trường chuyển nhượng mùa đông đã chứng kiến con số chi tiêu kỷ lục của các CLB Anh, với 225 triệu bảng, tương đương 362 triệu USD. Tuy nhiên, chỉ có 50 triệu bảng, không bằng 1/4 so với năm ngoái được chi tiêu trong tháng vừa qua. Cùng với luật tài chính công bằng mới của UEFA, khó khăn về kinh tế chung của châu Âu là nguyên nhân khiến các đội bóng thờ ơ với thị trường chuyển nhượng mùa đông.

Theo tiết lộ của UEFA hồi tuần trước, tổng số tiền nợ hiện nay của 665 CLB châu Âu đã lên tới 11 tỷ USD. Diễn biến tại Manchester City là biểu hiện rõ nhất cho sự ảm đạm của thị trường chuyển nhượng tháng 1 năm nay. Đội bóng chủ sân Etihad từng dẫn đầu trong việc chi tiêu, với hơn 1 tỷ bảng trong không đầy 3 năm để tuyển mộ cầu thủ mới. Mặc dù vậy, đội bóng của các chủ sở hữu đến từ Abu Dhabi không có thêm bản hợp đồng đáng kể nào hồi tháng trước sau khi báo cáo thu chi thường niên cho thấy khoản thâm hụt lên tới 308 triệu USD. Cho tới thời khắc cuối cùng của thị trường chuyển nhượng mùa đông vào hôm thứ ba vừa qua, HLV Roberto Mancini chỉ ký hợp đồng mượn cầu thủ 32 tuổi David Pizarro từ AS Roma để tăng thêm những sự lựa chọn ở hàng tiền vệ.

Trong giai đoạn 2 năm kể từ tháng 7-2011, luật tài chính công bằng của UEFA cho phép các CLB thâm hụt cao nhất là 58 triệu USD. Nếu tiếp tục làm ăn thất bát, họ sẽ bị cấm tham dự Champions League kể từ mùa giải 2014-2015. Luật tài chính công bằng của tổ chức quản lý bóng đá lớn nhất châu Âu tác động rất lớn tới thói quen chi tiêu của các đội bóng Anh. Thay cho các tên tuổi lớn từ nhóm “Big Four” hay một Manchester City mới nổi, Tottenham là đội bóng chi tiêu nhiều nhất Premier League, nhưng cũng không quá phô trương dù họ đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng. Hôm thứ ba, Tottenham đã ký hợp đồng với tiền đạo Louis Saha từ Everton, nhưng đây chỉ là sự thay thế sau khi để Roman Pavlyuchenko trở về Nga thi đấu cho Lokomotiv Moscow. Không những thế, đội bóng chủ sân White Hart Lane còn cho phép 2 gương mặt khác ra đi theo dạng cho mượn đến cuối mùa giải, với Sebastien Bassong đến Wolverhampton Wanderers, còn Steven Pienaar trở về CLB cũ, Everton.

Mùa đông năm ngoái, Chelsea đã chi 50 triệu bảng, tương đương 80 triệu USD để tuyển mộ Fernando Torres, nhưng chỉ bỏ ra khoản tiền rất nhỏ để ký hợp đồng với tiền vệ Kevin De Bruyne từ Genk trong kỳ chuyển nhượng tháng 1 năm nay. Thương vụ với Torres, cầu thủ vẫn chưa thể tìm lại hình ảnh trong màu áo của The Blues góp phần khiến CLB thành London thâm hụt 109 triệu USD. Thời kỳ thắt lưng, buộc bụng cũng diễn ra tương tự tại Tây Ban Nha. Real Madrid và Barcelona, 2 đội bóng lớn nhất và giàu có nhất xứ sở đấu bò đều im hơi, lặng tiếng, thậm chí đoàn quân của HLV Pep Guardiola còn đạt được thoả thuận giải phóng hợp đồng cho tiền vệ người Belarus, Alexander Hleb.

Ở Italia, các CLB, cầu thủ và những người đại diện chủ yếu tập trung trong một khách sạn tại Milan và câu chuyện chuyển nhượng chỉ xoay quanh 2 đội bóng của thành phố này. Inter Milan đã ký hợp đồng với tiền vệ Fredy Guarin của Porto và tiền vệ Angelo Palombo của Sampdoria, trong khi Sulley Muntari gia nhập AC Milan theo dạng cho mượn. Tại diễn biến khác, đội dẫn đầu Serie A, Juventus vừa hoàn tất hợp đồng với Padoin từ Atalanta với phí chuyển nhượng 6,6 triệu USD.