Võ Thị Thắng: Cuộc đời đi qua, nụ cười còn lại

ANTĐ - Người phụ nữ có nụ cười đi vào huyền thoại Võ Thị Thắng đã về cõi vĩnh hằng ngày 22-8. Nhớ đến chị, là nhớ đến nụ cười làm kẻ thù khiếp sợ, làm nức lòng đồng chí đồng bào… Nụ cười chiến thắng của chị trước kẻ thù đã trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần chiến đấu bất khuất, lạc quan cách mạng của nhân dân ta, của tuổi trẻ miền Nam trong những năm kháng chiến đầy gian khổ.

Chị Võ Thị Thắng, người sinh viên tiêu biểu, nữ chiến sĩ biệt động thành tự tin cười kiêu hãnh

Trong ký ức của tôi, chị mãi là người nữ sinh Sài Gòn kiên cường bất khuất năm nào, người nữ sinh Sài Gòn bị địch bắt trong một lần thực thi nhiệm vụ đặc biệt cùng đồng đội diệt tên ác ôn khét tiếng. Cho đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ rất rõ sự kiện xảy ra cách đây hơn 46 năm trước ở Tòa án quân sự của chính quyền Sài Gòn, ngày 2-8-1968. Sau khi nghe chúng kết án, chị Võ Thị Thắng đã bình tĩnh, tự tin, nở nụ cười, dõng dạc tuyên bố: “Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?”. Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” do một nhà báo Nhật Bản ghi lại, cùng với câu nói ngắn gọn, đanh thép của cô nữ sinh Sài Gòn Võ Thị Thắng đã làm chấn động lòng người, cổ vũ tinh thần chiến đấu của đồng bào chiến sĩ. Nụ cười ấy được cả thế giới ngưỡng mộ đến nỗi ở Cu ba nhiều ngôi trường đã được đặt tên chị như một biểu tượng anh hùng. Đang ở Hội nghị Paris về Việt Nam, Bộ trưởng Xuân Thủy đã cảm tác đề tặng trên tấm hình chị những câu thơ xúc động:

“Kể chi hai chục năm tù/Ngày xuân phơi phới hẹn hò núi sông/Mặt em như tỏa ánh hồng/Miệng em như tận đáy lòng nở hoa”

Đúng như tuyên bố của chị, kẻ thù không đủ thời gian giam cầm chị 20 năm như bản án đã tuyên. Tuy vậy, trong 6 năm ròng rã, chị Võ Thị Thắng đã bị chúng đày đọa, giam cầm, tra tấn dã man tại các nhà lao Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp, Hố Nai, Côn Đảo. Hiệp định Paris được ký kết, địch buộc phải trao trả chị và nhiều chiến sĩ cách mạng khác cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại sân bay Lộc Ninh ngày 7-3-1974. Thời gian lao tù không làm nao núng ý chí mãnh liệt của chị, nó chỉ hun đúc thêm tinh thần anh dũng ngoan cường và sức mạnh thép gang… Bởi Võ Thị Thắng sinh ra trong một gia đình mà tất cả thành viên đều theo con đường cách mạng ở xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đó là vùng quê anh hùng trong thời chống Mỹ và truyền thống của quê hương, gia đình đã thấm sâu trong máu thịt chị.

 Sau ngày toàn thắng, đất nước thống nhất (30-4-1975)  công tác ở Thành đoàn rồi Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, chị vừa lo công việc vừa nuôi dạy hai con nhỏ, vừa tiếp tục học văn hóa để bù đắp những năm tháng hoạt động bí mật bị tù đầy. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Võ Thị Thắng lần lượt tốt nghiệp khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp, trường Đại học Pháp lý và Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ra Trung ương làm việc, chị Võ Thị Thắng được giao nhiều trọng trách khác nhau, nhưng với bản lĩnh một chiến sĩ cách mạng, chị luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Từng làm Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, khóa X, đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Cu ba…, Chị là một cán bộ có uy tín, bộc trực, mạnh dạn, có chính kiến rõ ràng, dám quyết định và chịu trách nhiệm về công việc. Được giao trách nhiệm đứng đầu ngành du lịch – một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, nhưng mới mẻ, nhiều năm, chị đã cùng tập thể chèo chống khá thành công để giữ vững và đưa ngành du lịch từng bước sánh vai cùng các nước trong khu vực và quốc tế, xứng đáng là ngành “kinh tế mũi nhọn” của đất nước. Dù bận nhiều trọng trách, nhưng chị đã biết sống hài hòa, vừa lo công tác vừa hoàn thành bổn phận làm vợ, làm mẹ trong gia đình cũng như nghĩa vụ với dòng họ.

Vì căn bệnh hiểm nghèo, chị Võ Thị Thắng đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 70. Với bài báo nhỏ này, xin thắp nén hương thơm để tưởng nhớ hương hồn chị. Dù chị không còn nữa, nụ cười chiến thắng của chị sẽ trường tồn với thời gian, mãi mãi cùng dân tộc.