Kiến trúc sư - họa sỹ Lê Hữu Hiếu

“Siêu thực là... mơ mộng!”

ANTĐ - “Đột nhập” không gian làm việc của kiến trúc sư - họa sỹ Lê Hữu Hiếu, thấy ngổn ngang những bức họa khổ lớn và phác thảo kiến trúc. Có cảm giác như chỗ nào cũng tràn đầy năng lượng sáng tạo của anh. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng người nghệ sĩ đa tài này. 

“Siêu thực là... mơ mộng!” ảnh 1
Siêu thực đòi hỏi người sáng tác có một tư duy “khác thường”

- PV: Được biết anh đang thực hiện một cuộc triển lãm với cái tên khá ngắn: “Mặc”. Lý do anh chọn cái tên này?

- Kiến trúc sư - họa sỹ Lê Hữu Hiếu: “Mặc” ở đây không phải là bỏ mặc, mà là để mình được vùng vẫy trong một không gian riêng. Khi vẽ, tôi đưa mình vào trạng thái tự do. Tranh của tôi là góc nhìn cá nhân của một lứa tuổi, một lớp thanh niên về giai đoạn của xã hội, mà cụ thể ở đây là gần 15 năm, từ năm 2000 trở lại đây, trong đó có những câu chuyện về khủng hoảng, về hội nhập, về niềm tin…Có người hỏi tôi triển lãm để làm gì? Ý định của tôi không nhằm nổi tiếng hay bán tranh. Được đưa ra triển lãm trưng bày với tôi như một nhu cầu để mọi người cùng xem và đánh giá. Tôi vốn dĩ nói được nhưng viết lách kém (cười), nên đành mượn tranh để nói. 

- Anh chọn cho mình trường phái siêu thực. Với một người mới bén duyên với hội họa, đây có phải lựa chọn khó “nhằn”?

- Nghệ thuật đương đại có nhiều trường phái: siêu thực, lập thể, cổ điển... Trong đó siêu thực là trường phái khá mạnh. Tôi cho rằng nó đòi hỏi người sáng tác có tư duy khác thường, có trải nghiệm và hơi mơ mộng một chút. Tôi cảm giác mình không theo “siêu thực” mà “siêu thực” dẫn mình đi. Giống như một người khát đi trên sa mạc thì tự phải tìm đến chỗ nào có nước. 

- Không ít người thắc mắc vì sao một kiến trúc sư như anh lại chuyển hướng sang hội họa?

- Không hẳn là tôi chuyển từ kiến trúc sang hội họa. Với tôi thì kiến trúc và hội họa song hành. Kiến trúc là công việc, là niềm đam mê của tôi. Vẽ tranh vừa bổ trợ cho kiến trúc về màu sắc, về bố cục không gian… vừa giúp tôi thấy được chính mình. Con người có nhiều cách để chia sẻ. Nhiều người buồn có thể gọi bạn bè mời nhau một ly rượu để hàn huyên. Người khác có thể tìm đến không gian nào đó để tĩnh tâm. Tôi thì dùng thời gian còn lại sau khi làm việc để tập trung vẽ tranh. Vẽ tranh là đối thoại với chính mình.

- Thường thì những họa sỹ “tay ngang” hay bị giới chuyên môn “soi” và đánh giá  khắt khe hơn, anh nghĩ sao? 

- Thực ra “tay ngang” hay được các nhà chuyên môn chú ý và nâng đỡ đấy chứ. Với tôi, “tay ngang” có cái hay so với chuyên nghiệp là rất ngây thơ. Ngây thơ ở đây là cái tâm sáng, vẽ mà không để ý chuyện mình vẽ vì cái gì. Vẽ là vì muốn vẽ thôi. Khi họ đưa vào tranh là họ nói những câu chuyện riêng của họ. Trước khi triển lãm, tôi được các tên tuổi trong giới mỹ thuật ủng hộ, đến xem tranh và thẩm định. Điều đáng quý là họ không nhìn nét vẽ của tôi đẹp chưa, đạt đến kỹ năng cao nhất chưa mà họ nhìn con người của tôi xuyên suốt trong đó. Họ chỉ cho tôi, tôi đang là ai và tiếp theo tôi nên thế nào. Với tôi đó là sự hỗ trợ đáng giá. 

- Còn những khó khăn khác của các họa sỹ trẻ khi làm nghệ thuật, anh đánh giá như thế nào?

- Họa sỹ trẻ thường không bền bỉ theo đuổi đến cùng vì họ hay bị chán nản. Giống như đi rồi như lạc vào rừng, đi một nửa rồi quay lại không được, đi tiếp cũng không được, cứ luẩn quẩn ở đó. Nói một cách thẳng thắn thì những họa sỹ trẻ cũng phải đối mặt với một vấn đề, mà ngay cả những người lâu năm trong giới họa sỹ cũng gặp phải, đó là khó khăn trong việc tự tổ chức triển lãm vì các đơn vị tài trợ hầu như rất ít. Họ phải làm rất nhiều việc để kiếm sống. Nước mình có chuyện là họa sỹ hay rơi vào “ngõ cụt” của cuộc sống. Dần dần nó làm nảy sinh chuyện là khi bản ngã không đủ thì họ dễ bị quật ngã bởi những áp lực ấy. 

- Vậy anh có cho rằng mình đủ gan và lì để theo đuổi con đường nghệ thuật?

- Hội họa đối với tôi là một quá trình rất dài. Nói vui thì một năm tôi có thể vẽ 10, 20 cái nhà, nhưng chỉ có thể vẽ 5,7 bức tranh. Vẽ một bức tranh không hẳn là quá lâu nhưng mỗi ngày tôi chỉ vẽ được chút ít. Quá trình vẽ giống như sự trải nghiệm vậy. Thực ra tương lai là thứ vô định, ước mơ là thứ mình có thể vẽ ra được. Mong muốn của tôi là mình không rơi vào trạng thái mệt mỏi mà tôi đã từng gặp thời gian trước. Tôi muốn đào sâu hơn vào những vấn đề cuộc sống. Tôi muốn đi vào bản chất, chứ không chạy theo xu hướng.

 

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!