Dịch giả Ông Văn Tùng:

“Ông đồ gàn” đáng yêu

ANTĐ - Tính cách của dịch giả, nhà văn Ông Văn Tùng xưa nay vẫn thế, hễ chạm đến văn chương, ông nói như lên đồng, ngồi nói chưa thỏa, ông phải đứng lên, đi lại, vung tay vung chân, như đang diễn kịch. Trong chính lúc ông say mê đó, nhìn ông hệt như một diễn viên trên sân khấu cuộc đời. Ở đó, ông đóng vai một thầy đồ gàn. Người không ưa thì bảo ông “dở”, nhưng những người trọng cái tài, quý cái tâm của ông thì thấy cái gàn đó đáng yêu lắm!

Dịch giả Ông Văn Tùng đọc cho khách nghe một đoạn dịch mà ông tâm đắc

1. Hai lần tới nhà ông thì cả hai lần, câu chuyện giữa tôi và ông đều đứt quãng bởi có khách. Có người vì muốn nghe chuyện văn chương, chuyện thế sự mà tìm đến với dịch giả, nhà văn Ông Văn Tùng. Cũng có người đơn giản chỉ muốn được ngắm những bức tranh cổ mà bấy lâu nay ông gìn giữ - đó là những báu vật của cuộc đời ông. Học trò của ông, điểm mặt đều là người nổi tiếng và thành đạt của làng văn cũng năng lui tới thăm thầy bởi “Nhớ thầy!”. Mấy tiếng đồng hồ, ngồi nghe các bậc cao nhân đàm đạo thì tôi ngộ ra một điều rằng, bạn văn tìm đến với ông là muốn nghe ông nói sự thật. Thật đấy, nhưng không phạm ai. Ông lý giải rõ hơn, rằng bấy lâu nay, độc giả nói riêng và con người nói chung luôn đi tìm, muốn được giải đáp những băn khoăn về ý nghĩa của cuộc sống. Xã hội ngày càng phức tạp, yêu cầu đó ngày càng lớn. Trong khi cuộc sống vốn vô biên, vạn vật cùng cỏ cây đều có khát vọng kỳ diệu, vì thế cuộc sống không nên áp đặt. Không ai giống được ai, mỗi người sinh ra đã có một tính cách, một số phận. Ngay như gia đình ông thôi, cha mẹ sinh được 5 anh em, thì Ông Văn Tùng là thứ 3 và là người “đặc biệt nhất”- ông tự nói về mình như thế.

2. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học ở Nam Đàn, Nghệ An, chuyện đèn sách trở thành niềm yêu thích của Ông Văn Tùng từ ngày còn nhỏ. Thông minh, hoạt bát, lém lỉnh… nên người dân trong làng trọng cái tài của ông mà gọi ông không giống những đứa trẻ khác: “Cậu Tùng!”. Năm 1953, ông được cử đi học ở Trung Quốc. Sau mấy năm học tập, nghiên cứu tại Nam Ninh ( tỉnh Quảng Tây) trong môi trường giáo dục bài bản, năm 1956, Ông Văn Tùng trở về nước, tiếp tục học trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội, cùng với Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức...

Năm 1959, tốt nghiệp trường Đại học Tổng Hợp, ông đi dạy ở nhiều nơi: Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, rồi Hà Tây, Hà Nội. Phải nói đó là những ngày tháng bôn ba của ông, các tác phẩm văn học luôn được ông nhìn và dạy học trò tiếp cận theo nhiều góc khác nhau. Bài giảng của ông  vượt ra ngoài khuôn khổ giáo án và cả những công thức khô cứng thiếu góc nhìn nghệ thuật mà người ta vẫn cứ dạy học sinh thời đó. Và thế là không đâu ông trụ nổi quá một năm: “Hoặc là tôi không chịu được người ta, hoặc là người ta không chịu nổi tôi”- ông cười khi nhớ về quá khứ của mình. “Chịu đựng” mãi đến năm 1981, giữa thời bao cấp, thiếu thốn, khó khăn trăm bề, ông đùng đùng viết đơn xin nghỉ dạy. Tình nguyện thất nghiệp, đồng nghĩa với việc sẽ không có tem phiếu, người thân khuyên ông mãi không được thì bực mình mắng ông “gàn dở”, “sĩ diện”, “cho chết”.

Để có được quyết định liều mạng này, đã bao nhiêu đêm ông trăn trở, rằng chọn con đường đó là đường cùng hay sao? Chẳng nhẽ trời lại tuyệt đường của ông hay sao? Trong khi ông một lòng tự nhủ cuộc sống chỉ cần phấn đấu thế nào cho tốt, làm sao để không lừa lọc ai, không ăn ở thất đức với ai. Chỉn chu cốt cách con người, ai ưa thì ưa, còn ai không ưa thì ông cũng kệ, chả chạy theo mà xoa tay nịnh nọt, dù chỉ sau cái xoa tay đó là lợi lộc trăm bề. Ông cứ nhớ mãi lời cha mình dạy, con chim khỏe là con chim bay ngược chiều gió, người chèo thuyền giỏi là người đi ngược dòng sông. Chính trong lúc khó khăn đó, Ông Văn Tùng quyết làm người chèo thuyền giỏi, chọn cho mình nghề mới, bán sách. Giữa chốn đông người là ga Hàng Cỏ, ông thản nhiên bày sách ra bán, nhiều người xót xa: “Học lắm làm gì rồi cũng chỉ đi bán sách”, nhưng rồi cái tâm ông nhàn, thấy thanh thản và vui vẻ. 

3.Chính cái thời điểm tâm nhàn, trí thanh đã sản sinh ra một nhà văn, dịch giả Ông Văn Tùng với 9 tiểu thuyết, 60 truyện ngắn, cùng hàng loạt các tác phẩm văn học dịch gây xôn xao văn đàn như: Khổng Tử truyện (Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1997), Mai hoa dịch số, Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi, Võ Tắc Thiên, Triệu Phi Yến, Danh nữ Trung Hoa trong huyền thoại và lịch sử, Tuỳ Dạng Đế; Cuộc sống đế vương Trung Hoa, Bí mật Tử cấm thành… Trong nhà ông có vô số những mảnh giấy, được ông dán lên tường và nắn nót ghi vào đó những dòng để răn mình, có mảnh ghi: “Đừng để người thất vọng về mình (văn chương cũng như cuộc đời)” có mảnh lại ghi: “Làm nhà văn quyền ngang thượng đế, cho ông Ất làm tổng thống, cho cô Giáp đẹp như tiên. Trị anh Bính mất vợ. Ban anh Đinh lâu đài biệt thự. Quyền lực vô biên mà cũng chỉ bằng hai ngón tay, ngồi trong phòng 4 thước, nhìn suốt thế gian bằng hai mắt. Hỏi còn muốn gì hơn?”.

Chính tình yêu với văn chương đã khiến ông cứ lầm lũi mà sáng tạo, ông ví von hình tượng cho tôi hiểu về cách ông lao động nghệ thuật như thế này, rằng ông viết như ném hòn đá trong tay ra, viết như nôn ra… Ông bảo, lúc viết chính là lúc con người ông tỉnh táo nhất, không ai lừa được ông, còn ngoài đời, ông là người cô đơn và ngu ngơ.

4. Tôi hỏi, ông có giận không khi người ta gọi mình là “Ông đồ gàn”, ông cười lớn, giọng cười xem ra hào sảng vô cùng rồi phân tích về cái sự gàn. Người gàn là người không vụ lợi, cho cũng không lấy, cứ hễ người ta đi ngược thì mình lại về xuôi… vì thế, không phải là người xấu, và cũng vì thế người gàn cũng là người… đáng yêu. Nhưng cái sự gàn nó cũng gây bao khó khăn cho cuộc đời của ông chứ? Lại cười, ông bảo tính cách sinh ra số phận. Đời ông nhiều bận lên bờ xuống ruộng, long đong. Nhưng ông cũng chưa từng nghĩ lại, rằng nếu mình biết luồn lách, biết ngọt nhạt thì cuộc đời mình sẽ bằng phẳng hơn. Ông Văn Tùng ngoài gàn ra còn khờ dại và khác người, không hiểu sao, người khác nịnh nọt để thăng chức thăng quyền, còn hễ ông mà làm thì lộ ngay. Đã từng cố tình đi nịnh người ta mà không nịnh được. Gần 80 tuổi nhưng xem ra ông vẫn là người ngây thơ. Ông kể, cứ ở nhà không sao, hễ ra đường là bị lừa, cuộc đời ông ngấm bao đòn đau nhưng rồi vẫn không rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Văn chương của ông toàn người đẹp. Ông bảo, ông “chết” là vì thế, khổ là vì cứ mãi chạy theo cái đẹp.

Tả toàn người đẹp. Chạy theo cái đẹp, để rồi luôn cô đơn, cực kỳ cô đơn. Nhưng thật lạ, ông hài lòng với sự cô đơn và chấp nhận nó.