Những mảnh đời cuốn theo dòng nước

ANTĐ - Ròng rã 4 năm, Lê Nguyễn Duy Phương đi kiếm những câu chuyện đời người lẩn khuất trong miền sông nước hồ Trị An (Đồng Nai). Không chỉ đến rồi đi, ống kính của nhiếp ảnh gia đất Long An đã lênh đênh, lặn ngụp với biết bao mảnh đời lam lũ, để không chỉ thay những người dân viết nên câu chuyện của họ, mà còn giúp anh tìm thấy ý nghĩa thực sự trong cái nghiệp của mình.  

Tác giả Lê Nguyễn Duy Phương và bức ảnh tại triển lãm

Lênh đênh phận người

Những bức ảnh của Lê Nguyễn Duy Phương trong bộ ảnh “Cuốn theo dòng nước” tuy không mới nhưng bằng cách rất riêng lại níu giữ cái nhìn của người xem. Bởi nếu không quan sát kỹ, bạn khó lòng có thể cảm nhận được câu chuyện đằng sau những bức ảnh, vốn được tạo nên bởi những chi tiết rất “đời”, rất thú vị. Một người đàn ông ôm chú ngỗng, điếu thuốc lá cháy dở, mắt đăm đắm nhìn ra xa, một đứa trẻ nằm trên một chiếc lốp cũ, lặn ngụp dưới hồ cá, bên dưới bờ tường, nơi có những cô bé, cậu bé với đôi mắt trong veo; một người mẹ ôm đứa con trai bên mé dòng nước Trị An, nước rút xuống hiện ra những viên sỏi đủ màu… Những nhân vật ấy đã lọt vào ống kính của Lê Nguyễn Duy Phương như một đoạn phim phóng sự đầy tính nghệ thuật, được ghi lại dưới cái nhìn đầy thiện cảm, chân thành của một người sinh ra từ vùng đất Long An, vốn gắn bó gần gũi với vùng sông nước.

 “Những người dân tôi đã gặp, họ làm đủ thứ nghề. Họ làm nông, đốn củi, lo cho con cái. Rồi khi nước xuống, họ đánh cá, giăng lưới. Cuộc sống họ chìm nổi theo dòng nước” - anh chia sẻ. Suốt 4 năm, Lê Nguyễn Duy Phương đi đi về về vùng sống nước này không biết bao nhiêu lần. Chân máy ngập trong nước, xắn quần lội hàng giờ để thực hiện được một bức ảnh đẹp, nếm đủ cái vị mặn mòi của dòng nước, anh hiểu được trong cuộc sống hàng ngày bên dòng nước êm đềm kia, là bao nỗi trăn trở mưu sinh, là hiểm nguy rình rập, đe dọa. “Tuy họ là người dân miền sông nước, nhưng người chết đuối rất nhiều. Tôi đã chứng kiến những trường hợp như vậy” - anh chia sẻ. 

“Tôi vẽ họ, chứ không phải chụp”

Bộ ảnh “Cuốn theo dòng nước”, theo như Lê Nguyễn Duy Phương, một nửa là tư liệu, một nửa là dàn dựng. Nghe thì có vẻ vô lý, khi đã là thật, là tự nhiên, cần gì phải dàn dựng. Sự can thiệp nếu có của nhiếp ảnh gia không phải là ở những thủ pháp chỉnh sửa, mà chỉ nhằm tái hiện những cảnh huống, những câu chuyện mà anh muốn người xem, khi nhìn vào đó phải suy ngẫm. 15 tác phẩm được chắt lọc từ hàng ngàn bức ảnh anh chụp, đủ thấy sự cầu toàn và dụng công của nhiếp ảnh gia trẻ tuổi này. 

Để đóng vai người kể chuyện trong những bức ảnh của mình, anh đã gặp gỡ, trò chuyện, và thuyết phục từng người dân, có khi phải mất cả tiếng đồng hồ để đưa họ vào khung hình. “Họ thường nói với tôi, tôi mặc đồ thế này, có gì đẹp đâu mà chú chụp!”. Khi đó, tôi trấn an họ: “Tôi là người chụp, tôi biết chị sẽ đẹp như thế nào trong bức hình của tôi” - Lê Nguyễn Duy Phương nhớ lại. Có cả những câu chuyện vui khi thuyết phục cậu bé gạt bỏ ngại ngùng ban đầu cởi bỏ hết áo quần để vui vầy bên dòng nước, nhưng cũng cùng lúc đó, anh gặp một cô bé thiểu năng trí tuệ, nụ cười ngây ngô của em khiến anh nhói lòng. 

Với Lê Nguyễn Duy Phương, nhân vật trong các bức ảnh của anh gần như không phải được chụp, mà là được “vẽ”, vì càng nhìn càng thấy có nhiều chi tiết buộc lòng người ta phải ngắm nghía thật lâu mới hiểu được câu chuyện, mới hiểu được ý đồ của người chụp. Nhiếp ảnh đối với anh không chỉ ghi lại những cảnh đẹp, không chỉ chớp những khoảnh khắc, mà để nó tự bộc bạch, tự kể câu chuyện của chính mình. 

“Con người bước ra từ căn phòng tối” - đó là cách Lê Nguyễn Duy Phương tự nói về mình, về “mối tình” với nhiếp ảnh khi anh còn là cậu bé, ngắm nhìn người cha của mình tráng rửa từng cuộn phim trong tiệm ảnh cũ. Nhiều năm lăn lộn trong nghề, cuối cùng anh đã vạch cho mình một lối đi, giống như những gì anh trải lòng: “Sau nhiều năm đến và đi, tôi cố gắng hiểu ý nghĩa thật sự công việc của mình nhưng nó cứ lẩn tránh tôi như nước trôi qua tay, dù cho tôi cố níu giữ. Sự mong manh của tuổi thơ, sự chia cách, mất mát và khao khát, nhưng trên hết, nước đã để lại trong tôi những dấu ấn của cuộc đời”. 

Triển lãm “Cuốn theo dòng nước” của nhiếp ảnh gia Lê Nguyễn Duy Phương được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) từ ngày 4-9 đến 27-9.