Nhà văn Bảo Ninh: Hòa bình là hạnh phúc lớn nhất

ANTĐ - Hẹn gặp nhà văn Bảo Ninh quả là khó. Anh đi suốt. Gọi điện về nhà, bà cụ thân sinh ra anh bảo anh ấy ít khi ở nhà lắm. Gọi di động, thường xuyên tò te tí. Thỉnh thoảng lắm mới bắt được máy, thì: “Anh lại không ở Hà Nội, anh đang đi chơi với mấy người bạn”. Sau rồi, tôi cũng đã có được cuộc hẹn với anh tại nhà riêng - một ngôi nhà xinh xắn trong một con ngõ nhỏ đường Hoàng Hoa Thám. 
Nhà văn Bảo Ninh vẫn vậy. Mái tóc trắng bồng bềnh, cách tiếp chuyện lịch thiệp, từ tốn. Anh không phô phang, khoe mẽ, cũng không điệu đà bóng bẩy về câu chữ. Anh không phải là người hoạt ngôn, nếu không muốn nói là rất kiệm lời. Anh  nói chuyện nhát gừng, vừa nói vừa nghĩ, thỉnh thoảng anh lại đặt câu hỏi ngược lại người phỏng vấn, hoặc trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi: “Biết nói thế nào nhỉ?”… Có cảm giác như nhà văn Bảo Ninh không chỉ cẩn trọng khi viết mà còn rất cẩn trọng ngay cả khi nói, hay định nói điều gì.
Nhà văn Bảo Ninh: Hòa bình là hạnh phúc lớn nhất ảnh 1
- Tôi thấy anh hay đi thăm những người bạn chiến trường, có phải cuộc chiến vẫn còn ám ảnh?

-Chả phải ám ảnh. Học lớp 10 thì chơi với bạn lớp 10. Lứa tuổi tôi hầu hết là bộ đội thì tôi chơi với bộ đội thôi. Chúng tôi gặp nhau cũng không nói chuyện chiến đấu. Tôi thấy một số phim truyền hình dở là ở chỗ mấy ông bộ đội cứ ngồi với nhau là nói chuyện chiến đấu. Nó giả. Chúng tôi gặp nhau nói chuyện tào lao, nhậu, giúp đỡ nhau chuyện này chuyện kia hay chỉ gặp mặt nhau đã là vui rồi. Chứ đâu phải để nói chuyện thời chiến.

- Dạo này anh có viết gì không?

- Hết hơi rồi.

- Nghe nói anh có cuốn tiểu thuyết “bom tấn” mà chưa thấy ra. Bạn đọc chờ lâu quá!

- Đấy là người ta nói thế. Mình không viết được nữa. 

- Nhưng nhà văn thì phải viết chứ?

- Ừ thì cũng phải viết, vì đó cũng là nghề để kiếm sống. 

-Thỉnh thoảng tôi có được đọc các truyện ngắn của anh, nhiều truyện rất ám ảnh, nhưng dường như anh vẫn viết ít hơn so với những nhà văn khác?

- Ừ truyện ngắn thì cũng thỉnh thoảng viết thôi. Nhiều khi nhà xuất bản họ cứ “luộc” lại truyện của tôi. Cũng ngượng đấy, nhưng mà mặc kệ.

- Các nhà xuất bản lấy các truyện ngắn của anh, tập hợp in thành sách chứng tỏ cái tên Bảo Ninh vẫn bán được sách?

- Ở Việt Nam  có một giới nào đấy họ vẫn đọc sách của tôi. Các nhà xuất bản trong Nam bán được nhiều sách. Sài Gòn họ có cách đọc khác ngoài Bắc mà tôi cũng chưa hiểu được vì sao. Nói vậy thôi chứ bảo họ “luộc” sách mình thì cũng hơi quá đáng. Cũng có thể họ thương tình mình mà làm vậy thôi.

- Nhiều bạn đọc vẫn ngóng đợi tác phẩm mới  của anh sau “Nỗi buồn chiến tranh”.

- Mình cũng cố gắng làm nhưng mà chạy maraton, hết hơi rồi. Làm thế nào được.

- Tôi không tin, chắc là anh đang dồn nén và để một ngày nào đó tung ra một cuốn tiểu thuyết, khiến bạn đọc bất ngờ?

-Chả phải đâu.  Hình như tôi sống kiểu cũ với những kiến thức cũ. Tôi vẫn nhìn cuộc sống hàng ngày nhưng  nhiều khi tôi không có cảm hứng về nó. Có những chuyện bạn biết, tôi cũng biết nhưng tôi không có cảm hứng. Cũng có thể với một câu chuyện với một người trẻ người ta có thể viết được nhưng tôi thì cứ nghĩ về những chuyện trước, chuyện đã qua, những chuyện cũ rích của thế kỷ trước rồi. Mình nói những gì đang cập nhật sẽ thôi thúc người ta đọc hơn. Mình nhiều tuổi quá rồi chăng?

 - Anh có một tập truyện ngắn mang tiêu đề “Chuyện xưa kết đi được chưa?”, với suy nghĩ của anh như vậy có lẽ chuyện xưa trong anh không bao giờ kết được?

- (Cười) Biết nói thế nào nhỉ?

- Trên kệ sách bây giờ, thấy tiểu thuyết của các nhà văn có vẻ thưa vắng, mà anh cũng là một nhà văn góp phần làm nên sự thưa vắng ấy?

- Nhiều đấy chứ, vẫn có đấy?

- Ngay như các cuộc thi viết tiểu thuyết của Hội Nhà văn vẫn cứ kêu không có tác phẩm đấy thôi?

- Họ cứ kêu thế thôi, chứ bây giờ các ông nhà văn có đọc của nhau đâu. Mà  nhà văn nhà mình lại có cái tật là đã không đọc lại cứ nói. Nhiều cuốn hay đấy chứ. Chỉ có điều bây giờ có một cuốn nào đó vượt tầm lên thì chưa có. Bây giờ cứ 500 ông nhà văn mà có được khoảng được 4 ông viết hay là cũng siêu rồi.

- Anh có thể kể tên  những nhà văn đó?

- Kể được. Không kể các nhà văn lớp cũ,  bây giờ có Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Thu Huệ, Đặng Thân… Đặng Thân viết rất là hiện đại mà rất nhiều người thích nhưng mà tôi không xài nổi. Không phải là vì dở mà anh ấy viết rất hiện đại mà mình lại là người cũ. Mình thích kiểu của cô Tư (Nguyễn Ngọc Tư - PV) hơn vì nó có cốt truyện.

- 500 người mà chỉ có vài người anh kể tên thôi sao?

Ử, văn học nó là như thế. Nếu như bàn về các cụ ngày xưa thời 30-45 thì chắc là đa số độc giả bây giờ kể ra cũng chỉ chục người: Thạch Lam, Ngô Tất Tố, Nam Cao , Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng… Những người đó nói là người ta biết. Còn có thể có những người viết hay những người người ta không đọc. 

- Anh có thể lý giải vì sao nhà văn Việt Nam ít viết không?

- Có lẽ là quá ít độc giả. Ví như một ông nhà văn Trung Quốc, kể cả ông viết vớ vẩn cũng có đến cả tỷ độc giả.

- Nhưng tại sao những cuốn sách viết theo kiểu có một tý đồng tính, một tý sex thì vẫn bán chạy? 

-Bây giờ những cuốn viết nhảm nhảm thì lại bán chạy. Vì thực tế người ta muốn giải trí. Cũng có thể văn học của mình nghiêm túc quá nên bạn đọc cũng ít đi.

- Đã có lúc văn học Việt Nam dấy lên một loạt các tác phẩm kiểu nhảm, mà người ta còn gọi hẳn bằng cụm từ “văn học giường chiếu”, anh nhận định thế nào về chuyện này?

-Cái đó là tất nhiên, nhưng nó sẽ không thọ lâu. Sex vẫn có thể viết vẫn hay như thường. Chỉ có điều có viết được hay hay không thôi? 

- Theo anh phải làm thế nào để văn học Việt Nam có độc giả?

- Chả biết làm thế nào, chỉ có cách là phải viết cho hay. Viết văn là dùng chữ, dùng chữ phải hay, chứ đừng nhảm. Bây giờ tôi có cảm giác ít nhà văn cẩn trọng câu chữ, không tạo bản sắc riêng. Anh có thể kể những chuyện rất là hay nhưng tôi nghe ngoài đường nhiều chuyện hay hơn. Nếu nói là một tác phẩm văn học thật sự thì đó là nghệ thuật của ngôn ngữ. Văn học cũng như bài hát. Cũng có bài hát để hát karaoke cho vui. Cũng có bài hát âm thầm đi vào cuộc đời của công chúng. Nền văn học thật sự lớn thì phải có những tác phẩm đi vào cuộc đời như thế. Văn học của ta bây giờ có sự vội vàng, có sự háo danh. 

- Một nhà văn viết một tác phẩm cũng phải vì cái danh của mình chứ?

-Tất nhiên nói không cần cái danh là sự phi lý, nhưng chạy theo cái danh là chết. Mâu thuẫn là ở chỗ đó. Bạn viết văn bạn không cần tiền ư. Nói vậy là hão nhưng chạy theo tiền thì lại hỏng. Khó là ở chỗ đó. Danh thì nhà văn cũng cần, nhưng người ta cũng cần phải có lòng  tự trọng học được từ cha ông chúng ta, có sĩ diện kiểu người Việt. Ông huyênh hoang là ông đáng ghét. Ông nhà văn khác ông quảng cáo là thế. Ông nhà văn có vũ khí là cái chữ nên cố mà giữ cho hay đừng có làm xấu nó.

- Anh ở trong Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà văn, anh có thấy là giải thưởng hàng năm bây giờ của Hội nhà văn đang “mất giá” không? 

- Chuyện giải thưởng ồn ào cũng là chuyện bình thường. Chỉ có điều khi có chuyện ồn ào như thế thì các nhà phê bình phải nhảy vào, phải tham dự,  nhưng các nhà phê bình lại đi đâu hết cả. Còn nói các ông trong Ban chấp hành có nể nang người này, người kia thì đấy là thiên hạ họ nói thế, tôi thì tôi chả nể, tôi chả hơi đâu mà nể. Văn học giống như món ăn, bạn thích món này tôi thích món kia. 

- Mấy năm gần đây, năm nào giải thưởng cũng có chuyện ồn ào?

- Nhà văn thỉnh thoảng họ điên ruột, họ cứ hay nói nhau. Đó là cái bệnh của cái nghề. Tôi nghĩ nhà văn, nhà báo mà tôi chơi với rất nhiều người, họ là những người có lẽ có rất nhiều tật, nhưng tôi vẫn cho là đáng quý. Làm thơ có lẩm cẩm đến mấy cũng vẫn là làm thơ. Nhưng vì bây giờ có một số nhà văn cứ hay nói nhau quá nên người ta tưởng là mấy ông nhà văn lắm chuyện ồn ào. Thật ra đám đông vẫn là im lặng. Nhà văn, nhà báo thường chỉ viết thôi, số ầm ĩ thường là số nhỏ nhưng lại làm người ta chú ý. Hội nhà văn là tập hợp những người làm việc hoàn toàn riêng rẽ không ông nào giống ông nào. Lối sống, lối nói, lối viết khác nhau, để được như thế này là được rồi. Người ta bảo chửi Hội nhà văn quá dễ.  Dễ hơn chửi hàng xóm. Mấy ông nhà văn cũng đỏ tai nhưng họ nể nhau nên không phản bác, chứ hàng xóm mà chửi thì họ đập chết. Mà nhà văn mà nể nhau là đúng chứ sao.

- Theo anh, điều nhà văn nên tránh là gì?

- Nhà văn ngoài tài năng còn còn cần sự khiêm tốn nhưng bây giờ  cái sự khiêm tốn đang mất đi rồi. Nhà văn cần phải biết luật đời luật để thành người tử tế. Thấy người khác giỏi hơn mình thì cũng không nên quát ầm ĩ   lên. Và điều  nhà văn đặc biệt nên tránh là sự giả dối. Mà  nhà văn cũng không nên giàu quá.

- Không nên giàu quá? Anh suy nghĩ ngược đời. Phải chăng vì sợ giàu mà anh đã từ chối dự án của Mỹ đưa “Nỗi buồn chiến tranh” lên phim?

- Nó có lý do nhất định. Không phải tôi từ chối, mà tôi không tham gia. Kể ra thì đó cũng là sự can thiệp thô bạo vì điện ảnh là chuyện của người ta, mình chỉ là người viết cuốn sách thôi. Nhưng tôi không thích cách dựng của họ, nó “Mỹ” quá. Còn bảo thế nào là “Mỹ” thì tôi không biết. Tôi chỉ bảo là tôi không tham gia nữa thôi. Sau đó họ vẫn định làm nhưng rồi cũng thấy ớn, chắc họ nghĩ thằng cha này gàn thôi không dây.

- Anh có thấy mình gàn không, khi đó là một cơ hội?

- Không. Tôi nói rằng các bạn muốn làm gì thì làm chứ đừng làm bộ đội vừa xem phim vừa thấy buồn cười. Hay dở là chuyện khó bàn, nhưng không thể nực cười và phải cho đúng.  Đừng để cả đơn vị cựu chiến binh của tôi xem phim cười rú lên và bỏ về hết.  Không phải cứ thấy Mỹ là Ok. 

-Thế bây giờ đã có lời đề nghị nào của một đạo diễn Việt Nam đưa “Nỗi buồn chiến tranh” lên phim chưa?

- Có đấy, có đạo diễn trẻ - người chưa đi qua chiến tranh họ muốn làm. Tôi cũng bảo có thể một lúc nào đó các bạn cứ làm, tôi không can thiệp. Chỉ có điều mình là người Việt Nam thì cố gắng làm cho chân thật. Người nước ngoài có thể họ không  hiểu họ làm cho nó lạc đi, nhưng mình là người Việt thì có hiểu biết về dân tộc mình và có trách nhiệm với dân tộc mình.

- Anh có hài lòng với cuộc sống bây giờ không?

- Hài lòng thì cũng không hài lòng lắm. Nhưng cũng chả muốn gì hơn,  lương thì cũng tàm tạm, hai vợ chồng với một bà mẹ cũng đủ sống. Xe máy thì cũng có nhưng cũng chả đi đâu, toàn đi bộ thôi. 

- Thế có điều gì  khiến một nhà văn đã đi qua chiến tranh như anh cảm thấy buồn?

- Tuổi thanh xuân chúng tôi đã có niềm hạnh phúc. Hạnh phúc của người chiến thắng. Các bạn  trẻ tuổi không có được hạnh phúc ấy. Thử hỏi ai có được niềm hạnh phúc của ngày 30-4. Hòa bình là hạnh phúc lớn nhất. Lúc đó, chúng tôi chỉ mong được trở về, bạn bè đồng đội tôi cũng vậy chỉ mong được về với đồng ruộng. Những bi kịch của hòa bình dù có khủng khiếp cũng không thể sánh được với chiến tranh. Nhưng điều buồn là sau chiến thắng ấy sự đời không được như mình mong muốn. Hàng triệu người hy sinh, hy sinh đến tan hoang. Nhưng bây giờ xuống cấp văn hóa, đạo lý, nhiều giá trị đã bị mất đi. Bao nhiêu cái hay đã mất. Đối với tôi là thế, có thể những cái khác họ không nghĩ thế.

- Vậy theo anh niềm hạnh phúc của nhà văn là gì?

- Viết được một tác phẩm mình mong muốn. Nhưng hầu như không có nhà văn hạnh phúc vì không bao giờ nhà văn đạt được điều mình mong muốn. Những người như tôi thì nghĩ vậy, tôi cảm thấy bị rối và không yên ở trong lòng.

- Thế bất hạnh của một nhà văn?

- Viết dở, bất tài. 

- Vâng. Cảm ơn nhà văn!