Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý làm thơ tiễn con gái lấy chồng

ANTĐ - Thời điểm con gái đi lấy chồng với mỗi người cha bao giờ cũng gây nên những xáo động về tâm lý dù người đàn ông có cứng rắn đến đâu. Còn với nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, những tâm sự chất chứa trong lòng đã được anh viết thành thơ tặng con gái.

Quê Quảng Bình, lấy vợ và sinh sống một thời gian khá dài tại Quảng Trị nơi anh đóng quân, thế rồi gia đình anh lại dời ra Hà Nội khi Nguyễn Hữu Quý đi theo con đường chữ nghĩa. Mai Sao, cô con gái lớn của anh học xong đại học tại TP Hồ Chí Minh rồi lấy chồng và về sống ở Nha Trang. Mới đây, Hòa Bình, cô con gái thứ hai cũng lại xuôi về Quảng Trị lấy chồng. Thế là ba mẹ ở Hà Nội cùng cậu con trai út còn hai cô con gái mỗi đứa mỗi miền.

Cô con gái Hòa Bình có nhiều kỷ niệm gắn bó với nhà thơ. Khi thi đỗ khoa Văn, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Hòa Bình đã ra ở với ba ở Hà Nội để tiện việc học tập. Trên gác hai của tòa nhà phía sau tòa soạn Văn nghệ Quân đội ở số 4 – Lý Nam Đế, ngoài những lúc làm việc cơ quan, biên tập thơ, tiếp cộng tác viên… Nguyễn Hữu Quý lại lọ mọ cơm nước phục vụ cô con gái đi học. Suốt một thời gian dài Nguyễn Hữu Quý làm Trưởng ban thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, vì thế khách văn qua lại thường xuyên, nhiều cộng tác viên đến, anh em quý nhau lại lôi rượu ra làm một hai ly nói chuyện, đọc thơ, có hôm Hòa Bình phải chờ cơm bố mãi mà khách chưa chịu về.

Như nhiều nhà văn nhà thơ khác ở Nhà số 4, gia đình ở xa, Nguyễn Hữu Quý sống cảnh độc thân, tuy không còn ở cái thời “ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân” như nhà thơ Thanh Tịnh nữa nhưng cũng vẫn phải lụi cụi cơm nước, nấu nướng, giặt giũ, nói chung là tự phục vụ. Gần phòng anh là phòng của nhà văn Nguyễn Đình Tú khi ấy còn chưa vợ, vì thế hai người bàn nhau “góp gạo thổi cơm chung”. Thi thoảng lại có thêm một hai bạn văn bạn thơ đến chơi được mời ở lại dùng bữa khá đầm ấm. Thời gian ấy, căn phòng của Nguyễn Đình Tú gần như đã thành “bếp ăn tập thể” của giới văn chương và bạn bè thân thiết. Đến khi chị Mai vợ anh Quý và các con ra Hà Nội thì mới ai về nhà nấy. 

Trong thời gian chờ chia nhà, gia đình Nguyễn Hữu Quý vẫn ở tạm tại cơ quan. Suốt những năm học đại học và sau này ra đi làm, Hòa Bình đều được ở gần ba. Như vậy có lẽ cũng đã là một phần thưởng lớn đối với một cô bé con của lính, bởi dù là con lính thời bình thì việc được thường xuyên ở bên ba mẹ là không nhiều.

Người cha nào cũng yêu con, nhưng Nguyễn Hữu Quý yêu con đặc biệt. Anh chăm chút, yêu chiều con từng ly từng tí, dành hết những việc vặt trong gia đình về phía mình để con tập trung học tập. Hòa Bình ra trường, một thời gian đi làm tại Báo Sài Gòn giải phóng, sau đó vì bén duyên với một anh chàng ở Quảng Trị, cô theo chồng quay lại dải đất miền Trung.

Trước ngày tiễn con gái về nhà chồng, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý xúc cảm làm một bài thơ tặng con. Những câu đầu, nhà thơ dành để nói về bối cảnh cuộc hôn nhân của con gái và vẽ ra cái cảnh làng quê vốn đã rất thân thuộc với gia đình:

“Chẳng quen Hà Nội xô bồ
không thích ồn ã, hững hờ cao sang
con về chốn vắng quê làng
núi mây quấn quýt tìm chàng trăm năm.
Thủ đô giờ đã xa xăm
bí bầu, rau cải, rau răm lại gần
bốn bề mộc mạc nông dân
lời chào đi trước bước chân quê mùa.”

Có lẽ ít nhiều người đọc cũng cảm nhận thấy bên cạnh niềm vui của người cha có con trưởng thành là một chút rưng rưng khi con gái quyết định ngược về quê cũ, trong khi ba mẹ vẫn ở lại đô thành. Những câu tiếp theo vừa là dặn con nhưng anh cũng như tự an ủi chính mình:

“Mẹ cha chả tính hơn thua
ở đâu thì cũng nắng mưa cuộc đời,
nghĩa tình đừng để rụng rơi
ấm no chiu chắt từ đôi tay mình.
Yêu chồng chớ cậy tươi xinh
làm dâu phải biết giữ gìn trước sau
về cùng hương lúa, hương cau
ngát thơm con nhé, bền lâu nẻo làng!”

Như biết bao ông bố bà mẹ khác, Nguyễn Hữu Quý cũng mong cho cuộc sống của con những ngày ở nhà chồng được suôn sẻ, ấm êm. Bên cạnh đó, một chút “xót con” cũng được kín đáo gửi vào câu chữ:

“Nhà mình chẳng tướng, chẳng quan
chỉ mong con được hiền ngoan nhà chồng…”

Đấy cũng không phải lần đầu tiên Nguyễn Hữu Quý tiễn con đi lấy chồng. Không hiểu với cô con gái đầu Mai Sao, anh có làm thơ tặng con ngày vu quy hay không, nhưng sự toan lo khi con gái lấy chồng xa thì chắc hẳn là có. Đầu năm 2012, khi hoàn thành công việc Trại trưởng của Trại sáng tác văn học của Tạp chí Văn nghệ Quân đội ở Phú Yên xong anh lại tất tả vào Nha Trang để trông nom giúp con gái khi vợ chồng Mai Sao làm nhà. Còn đến Hòa Bình thì ông bố làm thơ đã thực sự chất chứa nhiều tâm sự. Ai đã từng làm cha, đã từng có giây phút tiễn con gái về nhà chồng chắc hẳn khi đọc bài thơ của Nguyễn Hữu Quý sẽ có sự đồng cảm với tác giả.