“Nghiệp dư” như Hàn Ngọc Bích

ANTĐ - Tự nhận mình là người sáng tác nghiệp dư nhưng với những ca khúc “Tiếng chim trong vườn Bác”, “Em bay trong đêm pháo hoa”, “Tre ngà bên Lăng Bác”, “Đưa cơm cho mẹ đi cày”,  tên tuổi Hàn Ngọc Bích đã đồng hành với thiếu nhi nhiều thế hệ.

Nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích và cháu nội

Chọn “ngách” thật “nhỏ”

“Tôi là người sáng tác nghiệp dư thôi. Tôi biết đây là sân chơi sang trọng lắm, cố với cũng không tới đâu. Tôi vẫn chỉ có thế này thôi”. Tôi nhớ mãi lời tâm sự ấy của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích trong buổi sáng mùa xuân. Ông tự nhận như vậy cũng có “cái lý” của ông. Bởi cả cuộc đời ông gắn với dạy học, rồi làm công tác giáo dục. Ông được nhà nước trả lương, đến lúc nghỉ hưu mới tạm dừng cái công việc đã gắn bó, đã thương yêu ấy. Với âm nhạc, Hàn Ngọc Bích chỉ chọn một cái “ngách” thật “nhỏ”, đó là sáng tác ca khúc cho thiếu nhi. 

Nhưng cái ngách nhỏ ấy đâu có dễ dàng. Thậm chí, ông còn bảo đó là một sân chơi quá khó. “Tôi không bôi bác cũng không vẽ chuyện đâu”, nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích tâm sự, “Mà ai bảo dễ thì rất dễ, vì ca khúc cho thiếu nhi thường rất ngắn. Rất ít chữ. 16 nhịp là thành một bài hát được rồi. Thậm chí lời ca có thể bằng dăm ba câu ca dao là xong. Nhưng ác thay, nó có chiều được lòng người, nó có văn hóa cho thiếu nhi, có gửi gắm được điều gì đó như là sự giáo dục đối với các em thiếu nhi hay không, mà lại phải mềm dịu như chơi đùa, mới là điều quan trọng, điều khó khăn. Ao ước của tôi là phải như vậy, cho nên nó khó quá”. Nói rồi Hàn Ngọc Bích nheo mắt cười, bảo: “Tôi cũng rất thích ai đó đã từng nói, sáng tác nhạc cho thiếu nhi như là người múa trên cái chiếu con. Thế mới khó. Chứ cho anh sân khấu mênh mông, thoải mái nhào lộn, thay đổi thì dễ quá”.

Khó thế nhưng ông đã vượt qua được. Nhiều người thèm có được một ca khúc thiếu nhi yêu thích đã khó, vậy mà ông có tới bốn bài được chọn là ca khúc thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20.

Viết trong… nước mắt

Cơ duyên đưa Hàn Ngọc Bích đến với âm nhạc từ hồi vừa rời ghế giảng đường đại học. Ông kể: “Năm 1962, khi vừa tốt nghiệp đại học, tình cờ tôi gặp được nhạc sĩ Hoàng Long. Lúc ấy, Hoàng Long đã có một gia tài âm nhạc, đặc biệt là các bài: “Em đi thăm miền Nam” và “Nếu bạn muốn tìm tôi”. Cuộc gặp gỡ ấy là một bước ngoặt, khiến tôi suy nghĩ: “Nếu bạn có thể làm được, thì tại sao mình không?”. Sau đó, tôi nhận được từ Hoàng Long những cuốn sách học âm nhạc in rônêô – những giáo trình hòa âm cơ sở. Với tôi Hoàng Long là người bạn chí tình. Tất cả những công việc liên quan đến sách vở thì Long giúp tôi rất nhiều, sách giáo khoa, chương trình. Những lúc khó khăn trong suy nghĩ, hay lúc buồn phiền đều tìm đến với nhau. Còn người thầy đầu tiên của tôi, đó chính là nhạc sĩ Mộng Lân. Tôi học được ở thầy những kinh nghiệm quý…”.

Ngôi nhà của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích nằm trong một ngõ nhỏ trên phố Thái Thịnh (Hà Nội). Ông sinh năm 1940, nay bước qua tuổi 74 vẫn đều đặn đi bộ tập thể dục hàng ngày. Ông tự hào khoe, đến giờ chữ mình viết tay vẫn còn khá đẹp, chưa bị… run đâu nhé. Đặc biệt, trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn. Ông nhớ rất rõ từng thời khắc, với đầy ắp các chi tiết về từng bài hát đã viết. “Dù số lượng ca khúc ít, nhưng mình thường viết bằng sự xúc động. Có những bài vừa viết vừa khóc”, nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích nói.

Ví như ca khúc “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, đặc biệt là bài “Em bay trong đêm pháo hoa” Hàn Ngọc Bích đã “khóc vì hạnh phúc, vì đêm chiến thắng sẽ khép lại mấy chục năm trời chờ đợi”. Bây giờ, mỗi lần nghe lại bài hát “Em bay trong đêm pháo hoa”, dù  các “ca sĩ nhí” ở thời nào cũng hát bằng sự trong veo như những thiên thần, nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích vẫn còn rưng rưng niềm xúc động. Ông nói: “Tôi không bắt trẻ em khi hát bài này phải rưng rưng với mình. Nhưng tôi nghĩ rằng, những người đã đi qua chiến tranh, đã hiểu mất mát hy sinh như thế hệ chúng tôi thì vẫn con rưng rưng. Bởi phía sau những tràng pháo hoa kia, phía sau những nụ cười mừng chiến thắng là nước mắt, là máu xương của cha anh mình, đồng đội mình để có những phút giây hạnh phúc hôm nay”.

Nhạc sĩ của giải thưởng

Ngay từ những sáng tác đầu tay, nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích đã mạnh dạn gửi dự thi cuộc vận động viết ca khúc cho trẻ em của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Trung ương tổ chức. Điều bất ngờ và cũng chính là động lực lớn nhất khích lệ Hàn Ngọc Bích tiếp tục sáng tác ca khúc cho các em, đó là các ca khúc dự thi ấy đều đoạt giải. Bài “Cây bàng trước ngõ” giải A, “Sáo sậu là cậu sáo đen” được giải B, còn “Rửa mặt như mèo” và ca cảnh “Hoa bí vàng”  đoạt giải C.

Đặc biệt, có năm ông đoạt liền 5 giải thưởng chỉ trong 4 cuộc thi. Ấy là năm 1992 cả nước có 4 cuộc thi âm nhạc. Một của Báo Hoa học trò. Một của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một của Ủy ban Bảo vệ & Chăm sóc trẻ em. Một của ngành Văn hóa - Giáo dục Hà Nội mở rộng. Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích kể: “Lúc ấy tôi đã ở tuổi 52, cũng muốn nghỉ ngơi đôi chút. Tôi bảo tôi muốn “tháo giày”, nhưng vừa nói ra, những người bạn chí cốt, đáng yêu như nhạc sĩ Cao Minh Khanh, Vũ Trọng Tường bảo: “Chúng em không chịu cho ông anh  như vậy đâu” và rằng sẽ “buộc giày” cho ông anh”. Vậy là cứ vài ngày, các bạn lại đến chơi, hỏi bài đâu? Đến lúc tôi phải đưa bài ra thì mới thôi. Và trong 4 cuộc thi năm ấy, tôi đều có những giải thưởng. Bài “Tre ngà bên Lăng Bác” – giải nhì (không có giải nhất - cuộc thi do ngành Văn hóa – Giáo dục Hà Nội mở rộng). “Ơi hành khúc mùa thu” thì đoạt giải B (của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Tôi gửi hai ca khúc dự thi với Báo Hoa học trò thì “Tháng Ba học trò” đoạt giải C, còn “Hái được bên bờ rào” (phổ thơ Phạm Công Trứ) đoạt giải khuyến khích. Ca khúc “Xinh xinh hạt nắng” được giải C của Ủy ban Bảo vệ & Chăm sóc trẻ em”.