Gặp Nhà văn người Bỉ Nicolas Ancios viết tiểu thuyết chỉ trong 24 giờ:

Nghệ thuật không đo bằng giây, mà bằng chất xám...

ANTĐ - Hoàn thành cuốn tiểu thuyết trong vòng 24 giờ, điều không tưởng đã được nhà văn người Bỉ Nicolas Ancios hoàn thành tại Bỉ, Mỹ và giờ đây là Việt Nam. Cách viết tiểu thuyết theo hình thức “marathon” này đang gây sự tò mò với  độc giả Việt Nam. 

Cuốn sách “Chuyện tầng năm” của Nicolas Ancios được xuất bản tại Việt Nam 

Mỗi phút lại xuất hiện 5-6 ý tưởng

- PV: Chỉ cần 24 giờ để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết, chắc anh đã hoạch định sẵn đề tài trong đầu?

- Nhà văn Nicolas Ancios: Thú thật là tôi chưa có hoạch định nào cho buổi viết tiểu thuyết “marathon” của mình. Ý tưởng xuất hiện khi tôi quan sát các hiện tượng diễn ra quanh mình. Cứ 5 đến 6 ý tưởng lại xuất hiện trong vòng 1 phút. Khi tôi nhìn một bạn trẻ Việt Nam đánh rơi chiếc điện thoại, tôi  nảy ra ý tưởng sẽ viết một cuốn sách về những người công nhân sản xuất điện thoại. Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, nhu cầu sử dụng công nghệ rất cao. Đằng sau những sản phẩm điện thoại ấy là đời sống của những người công nhân lao động… Cứ như vậy, ý tưởng không phải là vấn đề lớn với tôi mà điều quan trọng là tôi sẽ triển khai ý tưởng đó như thế nào thôi. 

- Tác phẩm văn học được ra đời trong thời gian rất ngắn, anh có e ngại sẽ mang tới độc giả một sản phẩm vẫn còn “sượng”?

- Tôi đã từng cho một nhân vật biến mất tại tiểu thuyết 24 giờ hoàn thành tại Mỹ sau lời nhận xét của một độc giả. Hình thức viết tiểu thuyết “marathon” được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn viết trực tiếp, viết dòng nào, độc giả sẽ đọc ngay dòng đó và giai đoạn viết hậu kỳ để chỉnh sửa tác phẩm được chỉn chu và hoàn thiện nhất. Tôi không thấy có sự khác biệt nào giữa một tác phẩm được hoàn thành trong vòng vài năm và một tác phẩm được hoàn thành chỉ trong một ngày về chất lượng cũng như hình thức biểu hiện. 

-  Nhưng người đọc rất khó tin điều anh vừa nói? 

- Tôi đã từng rất thất vọng với cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình được hoàn thành trong vòng 10 năm. Tôi cho rằng, thời gian không phải là vấn đề quan trọng để nhà văn cho ra đời một tác phẩm hay hoặc dở. Nhiều nhà văn nổi tiếng trên thế giới đã từng hoàn thành tiểu thuyết để đời chỉ trong vòng 1 tuần. Nghệ thuật không tính bằng giây mà tính bằng chất xám, tư tưởng của tác giả.  

Trước khi đi ngủ, ai biết mình sẽ mơ thấy gì? 

- Sau Bỉ đến Mỹ và giờ là Việt Nam, có lý do nào giải thích cho việc anh đến với đất nước chúng tôi?

- Lần đầu tiên thức trọn một ngày để viết tiểu thuyết tại Hội chợ sách ở Bỉ, tôi đã nghĩ ngay đến việc sẽ tiếp nối cách viết này tại 5 châu lục. Như vậy, nếu hoàn thành ý tưởng này, tôi sẽ đi đủ 5 đất nước ở 5 châu lục với 5 cuốn tiểu thuyết viết về 5 đất nước ấy. Nhưng tất nhiên, không phải ngẫu nhiên mà tôi chọn Việt Nam làm điểm dừng chân tại châu Á. Một phần do một đơn vị xuất bản có ý mời tôi tới Việt Nam để xuất bản cuốn sách “Chuyện tầng năm” và một lý do nữa là từ lâu tôi và đất nước của các bạn đã có một sợi dây gắn kết vô hình. Tôi có một anh bạn Việt Nam chơi rất thân từ ngày còn nhỏ. Chúng tôi đã gắn bó với nhau trong suốt thời gian thơ ấu đến khi gần về… già. Tôi đã từng nghe anh kể về Việt Nam nên trước khi đến với đất nước của các bạn, tôi thấy không có sự xa cách.

- Viết về Việt Nam, vậy anh đã tìm hiểu lịch sử và văn hóa đất nước này chưa?

- Tất cả chỉ là ký ức mà tôi từng được nghe kể qua anh bạn. Tôi viết cuốn tiểu thuyết 24 giờ này như trong giấc mơ của mình. Vì con người chúng ta, trước khi đi ngủ làm sao có thể biết được mình sẽ mơ thấy điều gì. Nhưng tôi biết chắc rằng, cuốn tiểu thuyết sẽ không có nhiều thâm cung bí sử. Con người Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ đi vào tác phẩm của tôi bằng một tình huống ngẫu hứng. 

-  Muốn để lại một cuốn sách có dấu ấn với độc giả Việt Nam, có lẽ anh nên ở lại nơi đây thêm một thời gian để hiểu hơn về con người và đất nước Việt…

- Việc tôi ở lại Việt Nam dài hay ngắn cũng giống như vậy. Yếu tố thời gian không chứng minh được bạn đã hiểu về đất nước đó nhiều hay ít. Tôi vẫn có thể để lại dấu ấn với độc giả Việt Nam bằng cuốn sách này hoặc một cuốn sách khác được viết với thời gian lâu hơn chỉ bằng việc tôi giao lưu với các bạn trẻ Việt Nam, với các độc giả lớn tuổi hay giới trí thức Việt. Tôi sẽ viết về Việt Nam bằng óc sáng tạo và trí tưởng tượng của mình. Không một giới hạn nào được đặt ra trong sáng tác văn học. Cũng giống như tôi bây giờ, tuy đã ngoài 40 tuổi nhưng vẫn được gọi là nhà văn trẻ.

- Xin cảm ơn nhà văn Nicolas Ancios!