NSƯT Nguyễn Trung Hiếu: Mặt thứ 7 của rubic

ANTĐ - Hơn 10 năm trước, tôi đã có bài viết về Trung Hiếu, với nhan đề “Khối rubic đa chiều” in trên báo Tiền Phong. Càng ngày càng đúng như vậy, khi xem những vai anh đóng.

Ảnh: Internet

Học cùng lớp, tốt nghiệp khóa 4 khoa Diễn viên hệ Đại học, trường ĐHSK - ĐA (1990 - 1994), Trung Hiếu - Công Lý cùng rủ nhau về đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội, cả hai đều chung niềm ngưỡng mộ Nhà hát và muốn thử sức ở nơi đòi hỏi cao về nghề. Hai mươi năm, để liệt kê những vở diễn - phim đã tham gia, quá dài. Trung Hiếu đóng phim từ lúc sinh viên, và ngay khi mới về Nhà hát, anh đã được ưu ái cơ hội vào vai chính nhà văn Tống Thoại, vở Cát bụi (tác giả nhà văn Triệu Huấn, đạo diễn Xuân Huyền) và giành HCV.

Gần 20 năm sau, Trung Hiếu đóng vai Phiệt, nhà văn “vườn”, vở Những mặt người thấp thoáng, lại HCV. Chưa thấy ai đóng nhà văn bôi bác và lật được mặt trái của những kẻ cầm bút bất tài, lố bịch đúng và hay như Trung Hiếu. Anh khiến những thi - văn sĩ chân chính tấm tắc và đám ngụy danh điên tiết, bực mình vì bị bóc mẽ.

Năm 2006, Trung Hiếu nhận giải Nam diễn viên xuất sắc nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng là năm anh được bổ nhiệm Trưởng Đoàn Kịch 1. Tháng 7-2014, khi VTV1 phát lại Cây bạch đàn vô danh (ĐD Nguyễn Thanh Vân), gặp Trung Hiếu (vai Thiện) tuổi 20 trẻ măng, anh bộ đội về làng nghệch ngạc mặt lấm tấm mụn. Ngay từ ngày ấy, Trung Hiếu đã được mời liên tiếp vào phim nhựa, những cơ hội mà ngay diễn viên điện ảnh phải ước ao: Duyên nghiệp, Thiếu phụ chưa chồng, Hà Nội 13 ngày đêm, Một giờ làm quan, Hoa ban đỏ, Trò đùa của thiên lôi... Gần 20 phim nhựa, vài trăm tập phim truyền hình và gần trăm vở kịch - số lượng ấy đáng nể. Còn chất lượng? Khối rubic Trung Hiếu thuở đầu đóng bộ đội, trai làng thật thà, chất phát, hệ vai người tốt - chính diện, đã khiến khán giả sửng sốt khi Trung Hiếu chuyển đổi 180 độ xuất sắc, sang vai mưu hiểm, tham ác, mở đầu bằng vai Khang trong phim Đường đời (25 tập, 2003, đạo diễn Trần Quốc Trọng). Gần nhất, phim Ma làng phần 2 với tiêu đề Làng ma 10 năm sau (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần), Trung Hiếu đóng vai Dỏ mà đàn anh Hồng Sơn (1957 - 2011) đã đóng thành công ở phần 1. Dỏ của Trung Hiếu - tay bợm nhậu của làng Bâm Dương, cũng là một thứ “ma làng”.

Đóng đạt vai nông thôn và thành thị, không chỉ do được sống ở hai nơi ấy chia đôi thời gian sống mà còn nhờ độ nhạy cảm quan sát và khả năng lột tả. Trung Hiếu đa dạng, khuôn hình, từ dáng đến giọng đều hóa trang tốt khi nhập vai khác hoàn toàn. Cách chứng minh ở đây, tôi không muốn kể ra các HCB, HCV, giải Nam DV xuất sắc nhất của Liên hoan phim Việt Nam, Hội NSSK Việt Nam mà Trung Hiếu sở hữu mà tôi muốn chứng minh qua lao động của anh. Để không bị lẫn với ai, người nghệ sĩ trước hết phải là mình, dám là mình đến tận cùng, chịu đổi mới, tìm tòi, siêng năng, sáng tạo. Trung Hiếu có hết những phẩm chất này và “phải yêu nghề lắm mới diễn điên được thế”, như nhận định của NSND Hoàng Cúc. Chất điên, sự xuất thần trên sân khấu của Trung Hiếu cống hiến cho người xem những phút giây đáng nhớ và nhận về kỷ niệm xúc động.

Năm 2003, Nhà hát Kịch Hà Nội có suất diễn ký hợp đồng tại rạp Tháng Tám, Hải Phòng. Trước hôm đó, Trung Hiếu đi xe máy Dream, bị nạn phải khâu 8 mũi ở bàn chân phải. Vai giáo Khang của anh không ai thay được. Anh không muốn bỏ công tác, nên đi tìm mua đôi sandal và tất cỡ to nhất, đi vào, che vết thương. Tiêm, uống kháng sinh giảm đau, Trung Hiếu chống nạng ra sân khấu mỗi lần hết cảnh, lại vào cánh gà nằm giơ chân lên cao vì tụ máu. 6 cảnh đều chống nạng, thêm thoại vào để hợp lý hóa việc tập tễnh ấy. Khi thời gian tác phẩm trôi qua, thầy giáo Khang vẫn chống nạng, thì người xem ở dưới xì xào. Họ nghi ngờ. Hết buổi diễn, Trung Hiếu tẩy trang, thu xếp hành lý, một bạn diễn dìu anh ra ô tô, 1 người cầm nạng giúp để lên xe về Hà Nội ngay đêm đó. Khán giả chờ ở cửa rạp, họ xác nhận Trung Hiếu bị đau mà không bỏ diễn. Dân Hải Phòng vốn mê, nhiệt tình với nghệ sĩ, họ mua trái cây, đường sữa giúi vào tay Trung Hiếu, xe chạy xa, vẫn thấy họ vẫy theo.

Kỷ niệm hiếm có này cũng lại khiến người làm nghề ao ước. Kịch Hà Nội diễn vở Đứa con bị đánh cắp năm 2008 tại TP Hồ Chí Minh, Trung Hiếu đóng vai anh em sinh đôi Linh - Đàm. Diễn xong, khán giả vẫn ở lại khán phòng Nhà hát Lớn tặng hoa, ôm hôn, chụp ảnh, vốn là chuyện thường. Có một nữ khán giả lớn tuổi đi chậm lên SK, đến trước Trung Hiếu bà quỳ xuống, dâng lẵng hoa lên, mắt đỏ hoe. Bà quá xúc động khi xem anh đóng vai... và nói: Nghệ sĩ Trung Hiếu xứng đáng được như vậy. Các diễn viên giật mình. Khán giả im phắc.

Trung Hiếu tốt nghiệp đạo diễn sân khấu năm 2012, anh là trợ lý các vở: Mắt phố, Những mặt người thấp thoáng. Anh đã dựng 2 vở:  cho Nhà hát Kịch Hà Nội: Người đàn bà không tên (kịch bản Mỹ, Doãn Hoàng Giang chuyển thể) và kịch Quảng Ninh: Giếng thơi trong lòng phố. 

Trung Hiếu tuổi 41 chưa khi nào bị “nao núng” trước giục giã hôn nhân. Khán giả đã quen với hình ảnh anh, cặp kính cận 2 độ. Hai năm nay anh đóng seriers phim sitcom Hai trái tim vàng, vai họa sĩ Tùng “điên”, phát trên VTV3 lúc 6h45 mỗi sáng. Anh đã có được chỗ đứng vững chắc trong nghề, được khán giả và đồng nghiệp tin cậy, yên mến.

Trung Hiếu diễn càng ngày càng duyên, càng tung tẩy, hóm và sâu. Vừa xong vai mo Sình phim Sống trên triền núi (của đạo diễn Tuấn Quang), anh lại vào vai Phan Lê, chỉ huy Trung đoàn Thủ đô, vở lớn Những người con Hà Nội. Anh cũng thủ vai chính diện - KTS Lân trong phim về đề tài gia đình Phía sau khung 

cửa sổ (36 tập, ĐD Trọng Trinh), phát sóng tháng 9-2014.

Muộn màng, tối 16-8-2014, tôi mới được xem Cát bụi. Biết tiếng tác phẩm từ lâu tôi không thể bỏ qua, nhịn đói ngồi xem. Ngần 2h trôi rất nhanh vì Cát bụi thật cuốn hút. Diễn hấp dẫn nhất, nhận được nhiều tán thưởng của người xem là Trung Hiếu, anh diễn ra chất một nhà văn ít tài lại tham danh lợi vẫn thấy nhiều trong đời sống. Qua một thập niên, Cát bụi vẫn nóng về tính thời sự của đạo đức xã hội và con người. Trung Hiếu không tính thời gian cho sân khấu đời mình.