Ký ức quẩn quanh của những kiếp đời

ANTĐ - “Ba ngôi của người” không phải là một cuốn sách dễ đọc với những người quen hình dung tiểu thuyết là phải có lớp lang, tuyến nhân vật. Nguyễn Việt Hà đã tháo tung nhiều cuộc đời, trộn nó vào với nhau, để tìm thấy một đáp số vô định cho cả cõi người. 

Nhà văn Nguyễn Việt Hà

Vẫn cái giọng tạp văn mang thương hiệu Nguyễn Việt Hà- nhà văn có biệt tài viết như đang nói, như đang ngồi nhậu ba la bông lơn với bạn bè, chẳng biết câu nào đùa, câu nào thật. Dăm ba câu như đấm vào tai người nghe, dăm ba câu như dao cùn cứa vào tim, dăm ba câu như là máu ứa ra từ một vết thương, nông thôi, nhưng mà dai dẳng đau đớn.

Vì vậy có thể nhiều người quen đọc tiểu thuyết như một bản giao hưởng đầy đặn sẽ khó chịu với Nguyễn Việt Hà vì giọng văn của anh trong “Ba ngôi của người”, sẽ bực mình với cái lối dẫn dắt người đọc xuôi ngược vật vã với những tuyến thời gian, khi là thời Lê Trung Hưng, khi là thời Trần, lúc lại là chuyện của Ký Con, Nguyễn Thái Học thủ lĩnh của Việt Nam Quốc dân Đảng. Những nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử được nhà văn tóm ra như bất chợt, rồi nhồi vào câu chuyện của mình, thông qua kiếp luân sinh của nhân vật  trung niên, cùng hồi ức của Kun và Quang Anh.

Giống như dòng chảy của ký ức, trong “Ba ngôi của người” ngồn ngộn những ký ức về Hà Nội, về đám giai gái phố cổ của một thời, vừa ngang tàng, hào hoa, phảng phất đàng điếm, những đứa con của vỉa hè. Thấp thoáng trong đó là những lứa người, những người mẹ nấu ăn ngon đứt lưỡi, những người cha yêu con theo cách của riêng họ, đám con gái con trai phố cổ đã hấp thu cái tinh hoa và cả những rác rưởi từ văn hóa tứ xứ đổ về. Họ rất riêng mà như trộn lẫn vào nhau. 

“Ba ngôi của người” có lẽ sẽ gây ấn tượng cho nhiều người bởi cách mà tác giả nói về tình yêu và tình dục. Sẽ khó mà tìm thấy cái đẹp thánh thiện, cái đẹp có phần huyền ảo lung linh mà người đời vẫn thường tô vẽ về tình yêu và tình dục. Nguyễn Việt Hà lột tung tất cả những tấm màn che phủ đó, gí nó xuống tận cùng, trả nó về với những thuộc tính sơ đẳng của sự giao phối giữa hai giống đực- cái. Nhưng nó không khiến người ta ghê sợ, mà chỉ thấy xót thương cho tình yêu và phận người giữa những loanh quanh lọc lừa, dối trá, những kẻ cuồng yêu mà vẫn không thiết tha, không cả nâng niu. 

Ngoài 3 nhân vật chính đã nói ở trên, 3 người đàn ông giữ 3 giọng kể, thì các nhân vật còn lại trong tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà khá vụn, có người chỉ thoáng xuất hiện, có người tưởng chừng sẽ được tác giả giao cho nhiệm vụ nào ghê gớm lắm, nhưng gặp đấy, tưởng như tha thiết đấy rồi lãng quên ngay, đó là trường hợp của cô gái mà nhân vật trung niên gặp trên tàu hỏa, như một người tình sau cùng. 

Nhưng những chuyện đó nào có hề chi, đến cái tôi to tướng bản thể của mỗi người mà chúng ta thường trăn trở, tưởng sẽ nát óc để triết lí về nó, rồi cuối cùng cũng chỉ là một trò đùa mà thôi. Đọc tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, có thể đồng cảm với tác giả ở rất nhiều nỗi chua chát. Những kẻ làm cho nhau đau đớn tột cùng, những người làm cho nhau hạnh phúc tột cùng, những kẻ gây nên oán thù tưởng không đời nào kiếp nào xóa đi nổi, rồi cuối cùng cũng chỉ là một đám bàng bạc nhân sinh hòa vào nhau, trộn lẫn vào nhau.

Với “Ba ngôi của người”, đừng bị mắc vào cái bẫy mà tác giả đã giăng ra, chỗ này một tý Phật giáo, chỗ kia Thiên chúa giáo, chỗ nọ ông triết gia mắc bệnh giang mai Nietzsche phán “rằng thì là mà” về những bất hạnh của đời sống, đó chỉ là những cái vỏ chữ nghĩa không nói lên điều gì cả. Nỗi bất hạnh chỉ thực sự đến khi người ta có ký ức, không chỉ là ký ức của một cuộc đời, mà tệ hơn, là ký ức của nhiều kiếp đời dồn lại. Đó là một bất hạnh khủng khiếp, bởi ký ức tôi nhớ cho một đời đã đủ buồn đau rồi, đằng này lại còn phải gánh trên vai ký ức của nhiều kiếp đời, thân xác nào chịu nổi. Nguyễn Việt Hà đã dựng nên một sân khấu đời, để trên đó các nhân vật của anh tha hồ mà diễn, tha hồ mà sống, tha hồ mà làm tình, tha hồ mà nhạt nhẽo, tha hồ mà dối gạt lừa lọc, tha hồ mà thương xót nhau. Bởi thế nó tạo cho người đọc một cảm giác có phần hoang mang hỗn độn, cái cảm giác mình đang bị tay nhà văn này “xiếc”, nếu không nhìn ra được đằng sau vẻ bỡn cợt ấy, là một trái tim đã trải quá nhiều đau khổ. 

Tôi không muốn nhìn vào một tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, dù đó là “Cơ hội của Chúa”, “Khải huyền muộn” hay “Ba ngôi của người” để nói những lời đao to búa lớn, tổng kết um sùm về văn nghiệp của anh hay về thế hệ của anh. Với tôi, đơn giản mỗi tác phẩm của một nhà văn viết ra, chỉ đại diện cho những suy tưởng trong một giai đoạn nhất định trong cuộc đời họ, như một thông điệp đã được gửi đi, chứa toàn bộ những mã thông tin của một thời điểm nhất định nào đó, ai hiểu được đến đâu thì hiểu, ai giải nó ra theo một hướng điên rồ nhất cũng chẳng sao. Đời sống này vốn luôn là thế!